Tại Hội nghị trực tuyến về giáo dục ngày 28/8, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu Bộ GD-ĐT thành lập các đoàn kiểm tra đánh giá việc thiếu giáo viên càng sớm càng tốt.
Sáng nay 28/8, Hội nghị trực tuyến toàn quốc về Tổng kết năm học 2020-2021 và triển khai nhiệm vụ năm học mới 2021-2022. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị.
Thiếu hàng nghìn giáo viên
Theo Bộ GD-ĐT, hiện cả nước còn thiếu 94.714 giáo viên, song cũng thừa đến 10.178 giáo viên ở các cấp học.
Căn cứ số liệu trên đây, Bộ GD-ĐT đã đề nghị Bộ Nội vụ báo cáo Chính phủ giao bổ sung 94.714 biên chế trong giai đoạn 2021 - 2025, trong đó riêng năm 2021 đề nghị bổ sung khoảng 30.000 biên chế (gồm 20.000 biên chế giáo viên cho các môn học mới cấp tiểu học, cấp THPT và 10.000 biên chế giáo viên mầm non cho các tỉnh vùng sâu, vùng xa khó khăn, vùng dân tộc thiểu số).
Con số này không bao gồm 5 tỉnh Tây nguyên và 14 tỉnh được bổ sung biên chế giáo viên mầm non năm 2019.
Tại Hội nghị, ông Nguyễn Đức Trung, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An cho biết, địa phương này có trên 870.000 học sinh các cấp và trên 45.000 giáo viên.
Hiện nay tỉnh đang thiếu 7.843 giáo viên, tập trung chủ yếu ở bậc mầm non và tiểu học, gây khó khăn cho Ngành Giáo dục trong việc đảm bảo các hoạt động tổ chức dạy học.
Phát biểu về tình hình thực tế của địa phương, bà Nguyễn Thị Thanh Lịch, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai, cho biết, bước vào năm học 2021-2022, địa phương này đã xây dựng 7 kế hoạch trọng tâm cho ngành GD-ĐT, trong đó quan tâm đến chuẩn hóa đội ngũ quản lý, giáo viên theo chương trình GDPT mới. Tỉnh đang rà soát toàn bộ cơ sở vật chất, trường lớp, để đáp ứng chương trình và sách giáo khoa mới.
Theo bà Nguyễn Thị Thanh Lịch, ngành GD-ĐT địa phương đang đứng trước nhiều khó khăn. Trước hết, với tỷ lệ 46% dân tộc thiểu số, việc phân bổ sách giáo khoa còn khó. Tuy nhiên, tỉnh đã rà soát và chuẩn bị kịp thời sách giáo khoa cho học sinh trước thềm năm học mới. Thứ hai, việc chuẩn hóa đội ngũ giáo viên theo Luật Giáo dục chưa có lộ trình đầy đủ.
Tiếp đó, thực hiện quyết định số 681/QĐ-TTg, tỉnh Gia Lai có 96 xã thoát khỏi vùng đặc biệt khó khăn, trong đó có 271 nghìn đối tượng bị tác động. Nhiều học sinh dân tộc thiểu số không được hưởng những chính sách hỗ trợ về bảo hiểm y tế, bữa trưa học đường. Tỉnh đã có cơ chế hỗ trợ cho những em này, tránh tình trạng bỏ học giữa chừng.
Ngoài ra tỉnh còn vướng mắc trước việc chuyển đổi mô hình trường cao đẳng sư phạm để đảm bảo tính đồng bộ với các địa phương; thiếu 3.721 giáo viên, tập trung chủ yếu vào bậc mầm non và tiểu học; khó tổ chức dạy học trực tuyến.
Theo nhiều địa phương, hiện đang thiếu hàng nghìn giáo viên, chủ yếu cấp mầm non và tiểu học trong khi thừa giáo viên trung học phổ thông.
Bà Y Ngọc, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum cho biết, năm học vừa qua, mặc dù còn nhiều khó khăn do ảnh hưởng của bệnh dịch Covid-19 nhưng Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã quan tâm triển khai đồng bộ các nhiệm vụ trên lĩnh vực GD&ĐT.
Bên cạnh những thuận lợi, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum cũng nêu một số khó khăn, vướng mắc tại địa phương.
Cụ thể, về cơ sở vật chất, trang thiết bị các trường học còn thiếu so với yêu cầu triển khai Chương trình GDPT 2018.
Ngoài ra, thiếu biên chế giáo viên gây khó khăn trong triển khai chương trình giáo dục, đặc biệt là dạy học 2 buổi/ngày. Năm học 2021-2022, địa phương còn thiếu 1.696 người, nhất là giáo viên Tiếng Anh, Tin học cho năm học 2022-2023 ở các địa bàn vùng sâu vùng xa.
Do vậy, tỉnh Kon Tum đề xuất với Chính phủ quan tâm bổ sung chỉ tiêu biên chế còn thiếu cho ngành GD-ĐT địa phương và hỗ trợ nguồn lực tăng cường cơ sở vật chất nhằm đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục. Bên cạnh đó, sớm xem xét, sửa đổi bổ sung quy định thiếu đồng bộ giữa cơ chế giao nhiệm vụ đặt hàng và chính sách tuyển dụng sinh viên sư phạm sau đào tạo.
Yêu cầu Bộ GD-ĐT thành lập đoàn kiểm tra
Về điều này, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng, cấp mầm non thiếu giáo viên nhưng cấp tiểu học, trung học lại thừa.
Do vậy, Thủ tướng đưa ra gợi ý để các địa phương nên nghiên cứu thêm: "Hiện tỉnh nào cũng có trường sư phạm, có thể bổ sung thêm kiến thức cho giáo viên ở những nơi thừa. Ví dụ, giáo viên tiểu học hay trung học còn dư thì có thể bồi dưỡng kiến thức về giáo dục mầm non để có thể luân chuyển từ chỗ này sang chỗ kia.
Nguyên tắc ở đâu có học sinh ở đó phải có giáo viên, phải có trường lớp. Mình nghiên cứu kỹ để cơ cấu lại hệ thống trường lớp, đội ngũ giáo viên làm sao cho tiết kiệm, hiệu quả, phù hợp với từng địa phương, từng địa bàn, từng đối tượng. Bởi nguồn lực của chúng ta có hạn nên phải nghiên cứu sao cho phù hợp. Chúng ta cũng không hy sinh an sinh xã hội để đổi lấy tăng trưởng", Thủ tướng nói.
Về đề xuất biên chế giáo viên của một số địa phương, Thủ tướng cho hay, Bộ Nội vụ giao chỉ tiêu dựa trên đề xuất của các địa phương.
Tuy nhiên, cần xem xét và rà soát việc thiếu có chính xác hay không. Do đó, Thủ tướng đề nghị Bộ GD-ĐT thành lập các đoàn kiểm tra đánh giá việc thiếu giáo viên càng sớm càng tốt.
Mỹ Hà/dantri.com.vn