Khả năng tự học là kỹ năng "sống còn" của lập trình viên

Thứ 5, 02.09.2021 | 09:27:28
591 lượt xem

Theo chuyên gia, khả năng tự học là kỹ năng sống còn của lập trình viên. Bởi trong ngành này, nếu không liên tục cập nhật kiến thức thì sẽ lạc hậu chỉ sau một vài năm.

Nhu cầu cao, nhiều cơ hội nghề nghiệp

Chia sẻ tại buổi tọa đàm "Lập trình viên - Tin học ứng dụng đóng vai trò thế nào trong thị trường lao động ngày nay?", ông Trần Anh Tuấn, Phó chủ tịch Hội Giáo dục nghề nghiệp (GDNN) TPHCM cho biết nhu cầu nhân lực ngành lập trình viên nói riêng, công nghệ thông tin nói chung hiện rất cao.

Ông Trần Anh Tuấn chia sẻ: "Không chỉ trong nước mà doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào ngành này ở Việt Nam rất lớn, tập trung nhiều là ở TPHCM. Do đó, nhu cầu nhân lực ngành này tăng rất nhanh và chúng ta đang thiếu trầm trọng, khả năng đào tạo hiện không đáp ứng được yêu cầu thực tiễn".

Theo Phó chủ tịch Hội GDNN TPHCM, nhu cầu nhân lực ngành này có ở tất cả các trình độ nghề, từ trung cấp đến sau đại học. Trong đó, nhu cầu nhân lực trình độ trung cấp chiếm khoảng 30%.

Khả năng tự học là kỹ năng sống còn của lập trình viên - 1

Hiện nhu cầu nhân lực ngành lập trình viên nói riêng, công nghệ thông tin nói chung rất cao (Ảnh minh họa).

Ông Mai Hoàng Lộc, Trưởng khoa Công nghệ thông tin - Tự động hóa trường Trung cấp Nguyễn Tất Thành cũng đồng tình. Theo ông, hiện kỷ nguyên 4.0 phát triển mạnh mẽ, hoạt động sản xuất và sinh hoạt của con người gắn chặt với các thiết bị kỹ thuật số, tự động hóa. Do đó, nhu cầu xây dựng các phần mềm, ứng dụng di động càng nhiều nên nhu cầu nhân lực ngành này rất lớn.

Ông Mai Hoàng Lộc nói: "Giờ hầu như nhà ai cũng có thiết bị thông minh, điện thoại di động. Mọi hoạt động của con người đều gắn với ứng dụng trên Smart devices, ứng dụng di động ngày càng cần thiết hơn trong cuộc sống. Nó giúp mở ra cơ hội nghề nghiệp đáng mơ ước cho nhiều bạn trẻ".

Theo ông Trần Anh Tuấn, lập trình và các ngành tin học ứng dụng còn là nền tảng của nhiều ngành kinh tế gắn với kỹ thuật số đang phát triển như công nghệ truyền thông, digital marketing, cơ điện tự động hóa, thương mại điện tử... Do đó, cơ hội phát triển nghề nghiệp của ngành này càng rộng hơn, thu hút được nhiều người theo học.

Cần đam mê và sáng tạo

Ông Phạm Trung Dũng, Giám đốc công ty phần mền Adsmod Việt Nam cũng đánh giá cơ hội phát triển nghề nghiệp của người học ngành lập trình hiện nay rất lớn. Tuy nhiên, ông cũng cảnh báo là nghề này không phải ai cũng có thể học.

Ông cho rằng: "Lập trình viên phải có kỹ năng giao tiếp tốt, biết làm việc với người kém hơn và học hỏi người giỏi hơn mình. Họ phải giỏi tiếng Anh, không thì khó học giỏi ngành này vì rất nhiều kiến thức chỉ có ở tài liệu nước ngoài".

"Lập trình viên còn phải có khả năng tự học, đây là kỹ năng sống còn. Bởi ngành này thay đổi rất nhanh, nếu không liên tục học hỏi sẽ lạc hậu chỉ sau vài năm. Ví dụ như bạn mới lập trình một cái ứng dụng cho iPhone 6 thì năm sau đã ra iPhone 7", Giám đốc công ty phần mền Adsmod Việt Nam chia sẻ.

Ông Phạm Trung Dũng nhấn mạnh: "Các công ty phần mềm không yêu cầu nhiều về bằng cấp, họ cần những người có kỹ năng làm việc giỏi. Nhưng lập trình là nghề khá kén người học vì cần có tư duy logic cao, đam mê và sáng tạo".

Ông Trần Anh Tuấn cũng chung nhận định: "Công nghệ thông tin là ngành liên tục đổi mới, liên tục xuất hiện những kỹ năng nghề mới và hình thành nên nghề mới, có những nghề phát triển rất nhanh và cũng rất nhanh biến mất, thay thế bằng nghề khác".

"Ngành này có sự thay đổi nhanh như vũ bão, nếu không có kiến thức cơ bản và liên tục học hỏi thì sẽ bị lạc lõng. Do đó, người học phải gắn liền với hành, học phải làm ngay và không ngừng tìm hiểu thêm kiến thức mới", Phó chủ tịch Hội GDNN TPHCM chia sẻ.


Tùng Nguyên/dantri.com.vn

https://dantri.com.vn/giao-duc-huong-nghiep/kha-nang-tu-hoc-la-ky-nang-song-con-cua-lap-trinh-vien-20210901182444320.htm

  • Từ khóa