Tiếp cận công bằng trong giáo dục

Thứ 2, 13.09.2021 | 00:00:00
486 lượt xem

Những câu chuyện về ngày đầu tiên của năm học mới 2021-2022 đã “chiếm sóng” trên các phương tiện thông tin đại chúng. Đó là tình trạng học sinh liên tục bị “văng” khỏi lớp online khiến phụ huynh đau đầu, học sinh uể oải. Giáo viên tìm mọi cách vào lớp học; thời khóa biểu liên tục thay đổi, tiết học buổi sáng chuyển sang buổi chiều rồi lại dời đến tối...

Những câu chuyện dở khóc, dở cười đều đến từ việc đường truyền internet hạn chế dung lượng, phần mềm dạy học miễn phí chất lượng không tốt, nhiều học sinh thiếu trang thiết bị học tập.

Học trực tuyến ở những nơi có điều kiện về cơ sở hạ tầng kỹ thuật còn như thế, nói gì tới việc học sinh vùng khó khăn tiếp cận hình thức học này. Theo thống kê sơ bộ của Bộ Giáo dục và Đào tạo, nhiều tỉnh, vùng khó khăn có từ 50 đến 70% học sinh thiếu thiết bị học trực tuyến; nhiều thôn bản không có internet, ngay cả thành phố lớn như TP Hồ Chí Minh còn thiếu 77.000 máy tính để học trực tuyến... Điều này cho thấy, thách thức của một năm học mới trong đại dịch không hề nhỏ.

Tiếp cận công bằng trong giáo dục
 Học sinh học trực tuyến phòng dịch Covid-19. Ảnh: TTXVN

Mỗi đợt dịch bùng phát, trường học luôn là một trong những nơi bị đóng cửa đầu tiên. Suốt hai năm qua, học trực tuyến được coi là giải pháp hàng đầu. Tuy nhiên, đại dịch Covid-19 đã cho thấy sự chênh lệch lớn trong tiếp cận giáo dục ở những khu vực khác nhau. Nhóm trẻ em ở các vùng khó khăn ngày càng phải đối mặt với nguy cơ bỏ học bởi những rào cản mang tên “công nghệ”. Trước thực tế này, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành các văn bản hướng dẫn năm học mới, trong đó nhấn mạnh cần đa dạng các hình thức dạy học, kết hợp giữa dạy học trực tuyến, dạy học trên truyền hình; bổ sung bài giảng, học liệu phục vụ học từ xa. Ngoài ra, ở những nơi gặp khó khăn trong triển khai dạy học trực tuyến, trên truyền hình, các trường sẽ thực hiện phát phiếu học tập đến học sinh, bảo đảm việc học không bị gián đoạn.

Bên cạnh đó, nhiều kế hoạch hỗ trợ học sinh cũng được đưa ra, với mục tiêu mọi học sinh được công bằng trong tiếp cận phương thức dạy và học mới. Điển hình như Chương trình "Sóng và điện thoại cho em" do Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chỉ đạo triển khai, kịp thời hỗ trợ việc học tập theo hình thức trực tuyến và thúc đẩy phát triển xã hội số. Hưởng ứng chương trình, một loạt phương án như nâng cấp đường truyền, miễn cước nền tảng học trực tuyến, miễn cước dữ liệu học online; huy động thiết bị hỗ trợ học trực tuyến; chính sách miễn giảm, cho nợ học phí của các trường đại học... được các ban, ngành, tổ chức đưa ra.

Phép thử Covid-19 đã cho những người trong cuộc hiểu rõ hơn cần làm gì để mọi trẻ em đều có quyền học tập, tiếp cận giáo dục một cách bình đẳng, cũng như hưởng các phúc lợi xã hội tại trường học-một trong những quyền cơ bản được quy định trong Công ước của Liên hợp quốc về quyền trẻ em.

KHÁNH HÀ/qdnd.vn

https://www.qdnd.vn/giao-duc-khoa-hoc/cac-van-de/tiep-can-cong-bang-trong-giao-duc-671113

  • Từ khóa