Thợ điện lạnh - Nghề vất vả nhưng thu nhập khá

Thứ 3, 28.09.2021 | 08:50:10
1,333 lượt xem

Thợ điện lạnh thường phải làm việc trong các điều kiện khó khăn như thi công tại các công trình, leo trèo trên mái nhà giữa trời trưa nắng… Tuy nhiên, nghề này có thu nhập khá và vẫn đang phát triển.

Thu nhập khá trong cùng trình độ nghề

Phát biểu tại tọa đàm chủ đề "Ngành công nghệ kỹ thuật nhiệt lạnh - điện lạnh", Thạc sĩ Phạm Đức Lâm - Trưởng khoa Công nghệ kỹ thuật trường Trung cấp Nguyễn Tất Thành - khẳng định, điện lạnh là nghề hiện đang có nhu cầu nhân sự rất lớn.

Nguyên nhân là xã hội ngày càng phát triển, các thiết bị điện lạnh dân dụng xuất hiện trong hầu hết các gia đình. Các tòa nhà và công trình lớn cũng được xây dựng ngày càng nhiều, xí nghiệp, nhà xưởng cũng đua nhau mọc lên nên nhu cầu thợ điện lạnh công nghiệp rất cao.

Thợ điện lạnh - Nghề vất vả nhưng thu nhập khá - 1

Điện lạnh là 1 trong 10 nghề "hot" tại Việt Nam hiện nay, được rất nhiều bạn trẻ theo học.

Ông Trần Văn Đức, Giám đốc điều hành dự án công ty TNHH kỹ thuật cơ điện Sáng Minh, cho biết công ty của ông chuyên thi công dự án nên lúc nào cũng cần rất nhiều nhân viên kỹ thuật thi công ở các tòa nhà.

Ngoài làm nhân viên kỹ thuật thi công, ông Đức cho biết học viên trung cấp điện lạnh còn có thể làm nhân viên kỹ thuật vận hành tại các nhà máy chế biến, bảo dưỡng, bảo quản thực phẩm, trung tâm thương mại, tòa nhà công trình...

Theo ông Trần Văn Đức, vị trí ban đầu của học viên điện lạnh là nhân viên kỹ thuật. Sau đó, tùy theo kỹ năng và định hướng cá nhân mà các em có thể phát triển cao hơn ở vị trí giám sát, dự toán, thiết kế…

Ông Đức cho biết, mức lương của các em mới ra trường có thể chỉ là 6 triệu đồng. Nhưng khi các em lành nghề thì mức lương sẽ dao động từ 8 triệu đến 15 triệu đồng, tùy theo tay nghề.

Bổ sung thêm ý của ông Đức, ông Nguyễn Tiến Cảnh, Giám đốc công ty TNHH Alpha Nguyễn cho rằng, nhân viên kỹ thuật xuất thân từ các trường nghề luôn được các công ty lớn yêu thích lựa chọn.

"Họ thích vì các em có chuyên môn vững, trình độ tay nghề, ý thức nghề cao, tác phong và kỹ năng làm việc nhóm", ông Cảnh nói.

Do vậy, cùng là nhân viên thi công nhưng các em đã từng học trung cấp nghề luôn đàm phán được mức lương cao hơn so với các thợ tay ngang, học theo kiểu truyền nghề.

Còn về nhu cầu nhân sự, ông Cảnh khẳng định ngành điện lạnh luôn ở mức cao, là 1 trong 10 ngành "hot" của TPHCM, 100% các em ra trường đều có việc làm.

Ngành tốt cho bạn trẻ "lập thân"

Về con đường phát triển sự nghiệp của các em học ngành điện lạnh, ông Nguyễn Tiến Cảnh khẳng định, điện lạnh là ngành tốt cho các em học sinh lập thân sau này.

Trước khi đi theo con đường kinh doanh, ông Cảnh từng có 21 năm làm giảng viên ngành điện lạnh, từng huấn luyện thí sinh các trường nghề đi thi tay nghề thế giới. Ông đã chứng kiến nhiều lứa học trò của mình ra trường, làm việc, phát triển sự nghiệp kinh doanh.

Theo ông Nguyễn Tiến Cảnh, con đường mà hầu hết các em học ngành này lựa chọn là kinh doanh riêng. Ông nói: "Có những em mới tốt nghiệp là mở tiệm ngay. Có em thì đi làm nhân viên thi công 1 - 2 năm rồi mới mở tiệm".

Thợ điện lạnh - Nghề vất vả nhưng thu nhập khá - 2

Tại trường nghề, các em được học đầy đủ kiến thức cơ bản và kỹ năng chuyên ngành nên khi ra trường vững chuyên môn và có tay nghề đáp ứng công việc.

Giám đốc công ty TNHH Alpha Nguyễn cũng chia sẻ con đường kinh doanh riêng là mở một tiệm điện lạnh nhỏ để nhận lắp đặt máy lạnh, bảo trì thiết bị điện lạnh cho các cơ quan, xí nghiệp…

Ngoài những nghiệp vụ trên, những tiệm này thường nhận làm nhà thầu phụ cho các công ty lớn. Họ nhận thi công đường ống, nhận lắp đặt máy lạnh cho 1 - 2 sàn chung cư, hoặc một nhóm bạn gồm 5 - 6 tiệm cùng nhận thầu một tòa nhà… Khi lớn mạnh, họ có thể mở công ty.

Thường các công ty lớn đều dùng thầu phụ vì họ không thể duy trì hàng trăm nhân viên cơ hữu để thi công đồng loạt cho một dự án quy mô trong thời gian ngắn - ông Cảnh nói.

Với các học viên ít vốn, theo ông Cảnh, họ có thể đi bằng con đường mở một fanpage quảng cáo dịch vụ mua bán, lắp đặt, bảo trì sản phẩm cơ điện lạnh cho các hộ dân, cơ sở kinh doanh nhỏ, lẻ. Từ đó, họ tích lũy dần mối quan hệ và vốn để phát triển.

Chia sẻ về chương trình học, thạc sĩ Phạm Đức Lâm, Trưởng khoa Công nghệ kỹ thuật trường Trung cấp Nguyễn Tất Thành cho biết, phần chuyên ngành của ngành điện lạnh được dạy theo giáo án tích hợp bằng hình thức module. Mỗi module được thiết kế theo từng nghề thực tế ngoài xã hội.

Trong đó có 3 module cơ bản về điện lạnh dân dụng và điện lạnh công nghiệp. 3 module còn lại sẽ dạy 3 nghề chính mà các em có thể làm khi ra trường là: Sửa chữa các thiết bị lạnh dân dụng; Sửa chữa các thiết bị lạnh công nghiệp và Thiết kế hệ thống.


Tùng Nguyên/dantri.com.vn

https://dantri.com.vn/giao-duc-huong-nghiep/tho-dien-lanh-nghe-vat-va-nhung-thu-nhap-kha-20210927211024997.htm#dt_source=Cate_GiaoDucHuongNghiep&dt_campaign=Top3&dt_medium=1

  • Từ khóa