“Con của em vừa học online vừa chat và chơi game mà vẫn thản nhiên điểm danh đầy đủ. Sau một năm học online, con em đã trở thành game thủ. Vì lo cơm áo gạo tiền, em không thể ngồi cạnh con tất cả các buổi học. Em sắp phát điên rồi chị ạ”, Hoa, cô bạn đồng nghiệp của tôi tâm sự, bày tỏ sự bất lực với cậu con trai học lớp 7.
Chuyện tương tự như của Hoa tôi cũng được nghe từ nhiều người. Có lẽ đây cũng là tình trạng chung của nhiều gia đình. Con học trực tuyến thì đương nhiên được trao quyền sử dụng thiết bị công nghệ. Trên nhiều diễn đàn, cha mẹ bày cho nhau cách mua phần mềm, tìm nhà mạng cung cấp dịch vụ hạn chế quyền truy cập các trang trò chơi hay các trang web không lành mạnh. Nhiều nhà tính kiểm soát con bằng cách lắp camera nhưng vì phải trả thêm phí, không hẳn phù hợp với nhiều gia đình; chưa kể, thực tế cho thấy, các giải pháp nêu trên đa phần chỉ áp dụng được với học sinh các lớp tiểu học hay THCS. Học sinh THPT, sinh viên đại học có khả năng về công nghệ, lại có nhu cầu cần tìm hiểu các thông tin riêng tư nên chủ yếu phụ thuộc vào ý thức tự giác và nhận thức của các con.
Việc nghiện chơi game ảnh hưởng đến sự phát triển nhân cách của giới trẻ sau này. Ảnh: Báo Nhân dân |
Thực tế, hiếm có trẻ nào từ chối nổi “sự quyến rũ” của các trò chơi điện tử. Vì thế trẻ sẽ tìm mọi cách để tránh sự kiểm tra của cha mẹ. Lâu dần, việc học hành xao nhãng là điều khó tránh khỏi. Dù hiểu rõ tác hại của việc thường xuyên sử dụng máy tính, điện thoại, nhưng lại không thể cấm hoàn toàn con cái tiếp xúc với những thiết bị công nghệ cả trong và ngoài giờ học. Bởi ngày nay là thời đại của công nghệ, việc nắm bắt thông tin, biết cách sử dụng công nghệ cũng là một tiêu chí. Hơn nữa, nếu cấm đoán quá cũng khiến nhiều trẻ bị ức chế tâm lý, việc hạn chế không những làm giảm mà thậm chí còn gia tăng sự thích thú của trẻ với trò chơi trực tuyến.
Để hạn chế trẻ vào mạng quá nhiều hay truy cập những nội dung không phù hợp lứa tuổi, ở một số quốc gia đã đưa ra quy định hạn chế thời gian sử dụng trò chơi hoặc chỉ cho chơi vào cuối tuần, trong khung giờ nhất định với đối tượng trẻ em. Điều luật này được rất nhiều cha mẹ học sinh hưởng ứng vì các nhà cung cấp dịch vụ đã có trách nhiệm với xã hội.
Ở nước ta, nhiều gia đình sử dụng biện pháp giáo dục con bằng việc cho phép trẻ chơi vào cuối tuần, trong một thời gian nhất định, nếu trong tuần con học tập, rèn luyện tốt. Nhiều gia đình tìm cách thu hút con trẻ bằng những hoạt động thú vị như chơi thể thao, tập đàn, nghe nhạc, đạp xe... để trẻ giảm bớt chú ý vào máy tính, điện thoại, internet. Việc thường xuyên trò chuyện, nắm bắt tâm lý của con cũng giúp cha mẹ và con hiểu nhau hơn. Tuy nhiên, những cách làm này có thành công hay không còn phụ thuộc vào sự kiên trì và sự thông thái của các bậc cha mẹ. Trước mắt, mọi gia đình đều mong con sớm được trở lại trường.
HIỀN VINH/qdnd.vn
https://www.qdnd.vn/giao-duc-khoa-hoc/cac-van-de/noi-lo-nghien-game-vi-hoc-truc-tuyen-673108