Sinh viên và nhà tuyển dụng tranh cãi về việc ai nên tự giới thiệu trước

Thứ 5, 14.10.2021 | 08:29:17
1,075 lượt xem

Anh Hùng yêu cầu ứng viên cần phải giới thiệu về bản thân trước, nhưng người này từ chối, với lý do muốn được biết thông tin của công ty anh trước.

Nhà tuyển dụng không hài lòng với ứng viên "rải CV"

Anh Nguyễn Duy (tên nhân vật đã được thay đổi) chia sẻ rằng anh đã làm ở vị trí tuyển dụng nhân sự 2 năm nay nhưng thường xuyên cảm thấy ngán ngẩm mỗi lần đọc email ứng tuyển của các bạn trẻ.

"Trong phần thông tin tuyển dụng, công ty mình đã nêu rõ là email cần gửi theo mẫu ra sao, tuy nhiên rất nhiều người cẩu thả không làm theo hướng dẫn, hoặc không đọc kỹ thông tin nên ứng tuyển sai vị trí, sai yêu cầu. Đọc email tuyển dụng đôi khi là một chuyện rất hài hước", anh Duy cho hay.

Sinh viên và nhà tuyển dụng tranh cãi về việc ai nên tự giới thiệu trước - 1

Một email ứng tuyển không có tiêu đề, không có nội dung giới thiệu, thưa gửi, chỉ gắn kèm CV (Ảnh: NVCC).

Theo anh Duy, một thói quen không tốt khác mà nhiều ứng viên mắc phải là gửi email theo kiểu "rải CV". Email không có tiêu đề, hoặc không đúng tiêu đề mẫu mà đơn vị tuyển dụng yêu cầu, trong nội dung cũng không có thư xin việc (cover letter) hay đề tựa "thưa, gửi". Đây là mẫu email mà không được nhà tuyển dụng đánh giá cao.

Sinh viên và nhà tuyển dụng tranh cãi về việc ai nên tự giới thiệu trước

Câu chuyện xảy ra giữa anh Hùng (tên nhân vật đã được thay đổi) - người có nhu cầu tuyển dụng cộng tác viên viết bài cho website thể thao và một ứng viên xin việc. Anh cho biết, do anh nhờ một vài người quen đăng tuyển trong các hội - nhóm sinh viên nên không biết ai là người liên hệ với mình.

Sau khi nhận được tin nhắn của một người lạ hỏi về thông tin tuyển dụng, anh Hùng yêu cầu ứng viên cần phải giới thiệu về bản thân trước; tuy nhiên, người này từ chối với lý do muốn được biết thông tin của công ty anh trước.

Hai bên tranh cãi xem ai nên là người tự giới thiệu trước.

Cụ thể cuộc trò chuyện qua tin nhắn như trong ảnh chụp màn hình dưới đây.

Sinh viên và nhà tuyển dụng tranh cãi về việc ai nên tự giới thiệu trước - 2

Ứng viên và nhà tuyển dụng tranh luận qua tin nhắn điện thoại (Ảnh: NVCC).

Không nên gắn mác "làm thêm" vì công việc nào cũng cần trọn vẹn và cam kết

Chị Đoàn Ngọc Hoàng Lan, chuyên gia tuyển dụng (Recruitment Specialist) của một chuỗi bán lẻ dược phẩm quy mô toàn quốc, chia sẻ: "Trong tình huống tranh cãi ai giới thiệu trước, mình cho rằng nhà tuyển dụng đang bị nhầm lẫn bối cảnh nên đưa ra yêu cầu chưa được phù hợp. Ứng viên chỉ đang tìm hiểu thông tin về công việc và lời lẽ cũng rất nhẹ nhàng lịch sự.

Trong tình huống này, người tuyển dụng có thể có, hoặc không cung cấp thông tin tùy theo quan điểm cá nhân. Tuy nhiên, để có được mối quan hệ "lành mạnh" giữa đôi bên và để hoàn thành được nhu cầu tuyển dụng thì việc cung cấp thông tin về công việc là rất cần thiết.

Nếu là mình, mình sẽ gửi một số thông tin khái quát về công việc, hoặc ít nhất là tên công ty như ứng viên yêu cầu, sau đó tìm hiểu thông tin cơ bản của ứng viên; nếu phù hợp thì sẽ hẹn lịch gặp mặt trao đổi công việc".

Với kinh nghiệm làm việc của mình, chị Hoàng Lan từng gặp rất nhiều tình huống oái oăm. "Ví dụ như ứng viên hẹn phỏng vấn xong lặn mất tiêu, hoặc hủy phỏng vấn bằng những lý do rất "ngộ nghĩnh". Thậm chí, có những ứng viên báo đã đến công ty để phỏng vấn nhưng mình xuống đón thì không thấy đâu, gọi lại cho bạn thì bạn bảo là đổi ý nên đi về rồi".

Sinh viên và nhà tuyển dụng tranh cãi về việc ai nên tự giới thiệu trước - 3

Ứng viên mắng nhà tuyển dụng sau khi bị từ chối vì đến muộn. (Ảnh: NVCC)

Đối với sự việc ứng viên đến muộn buổi hẹn phỏng vấn nên bị từ chối, dẫn tới mắng chửi nhà tuyển dụng là "Hãm" đang được dư luận quan tâm, chị Hoàng Lan cho rằng một phần do nhà tuyển cư xử chưa khéo.

"Nhà tuyển dụng phản hồi với ứng viên là hủy buổi phỏng vấn với lý do "không ai chờ đợi ứng viên đâu". Điều này vô tình khiến ứng viên cảm thấy mình ở "cửa dưới", không được trân trọng, mà theo như bạn kể là bạn cũng tốn nhiều công sức để đến được nơi phỏng vấn, dẫn đến việc bạn "bùng nổ". Tất nhiên, cách ăn nói, cư xử của ứng viên rõ ràng là không đúng", chị Hoàng Lan nhận xét.

Sinh viên và nhà tuyển dụng tranh cãi về việc ai nên tự giới thiệu trước - 4

Chuyên gia tuyển dụng Đoàn Ngọc Hoàng Lan (Ảnh: NVCC).

Theo chuyên gia tuyển dụng này, với các công việc cộng tác hay việc làm bán thời gian, cả ứng viên và nhà tuyển dụng không nên có suy nghĩ đây là "làm thêm".

"Vì khi đã kết giao mối quan hệ giữa người sử dụng lao động và người lao động thì bất kỳ công việc nào cũng cần sự trọn vẹn và cam kết. Dĩ nhiên mức độ cam kết có sự khác nhau với các tính chất công việc khác nhau. Nên khi trao đổi công việc cần làm rõ mong đợi lẫn nhau để tránh những tình huống mà đôi bên "thất vọng" về nhau", chị Hoàng Lan phân tích.

Biểu hiện thiếu chuyên nghiệp của nhà tuyển dụng khiến ứng viên bực bội

Anh Đinh Văn Thịnh, Phó Giám đốc Trung tâm Tư vấn Giáo dục và Trị liệu ATC chỉ ra những sai lầm của một số nhà tuyển dụng thiếu kinh nghiệm như: cung cấp thông tin đăng tuyển không rõ ràng, mập mờ, ví dụ như: mô tả công việc chỉ ghi "công việc cụ thể trao đổi khi phỏng vấn", không nói rõ về yêu cầu bằng cấp - kinh nghiệm như thế nào? mức lương ra sao?…; lùi ngày phỏng vấn liên tục, không đúng giờ đề ứng viên đợi nhiều giờ và nói với lý do bận công việc; đăng thông tin một đằng, đến phỏng vấn một nẻo đường xa xăm khác; không lọc CV và đọc kỹ thông tin ứng viên trước khi phỏng vấn; hẹn thông báo kết quả cho ứng viên, nhưng đợi mãi từ ngày này qua tháng nọ vẫn không nhận được thông tin, rất thiếu chuyên nghiệp và chữ tín.

Sinh viên và nhà tuyển dụng tranh cãi về việc ai nên tự giới thiệu trước - 5

Anh Đinh Văn Thịnh, Phó Giám đốc Trung tâm Tư vấn Giáo dục và Trị liệu ATC cho rằng nhà tuyển dụng cần hiểu được cảm giác khao khát công việc của ứng viên.

Ứng viên và nhà tuyển dụng có mối liên hệ qua lại với nhau, một bên là tìm công việc, một bên là tìm người cho công việc. Do vậy, hai bên cần tôn trọng nhau, chuyên nghiệp trong quy trình tuyển dụng, cho dù là công việc part-time, công việc thực tập hay công việc chính thức sau khi tốt nghiệp.

Sinh viên cần tạo cho bản thân thói quen làm việc chuyên nghiệp trong các quy trình tuyển dụng, phỏng vấn. Qua đó, sinh viên có thể vận dụng những kiến thức đã học vào tình huống thực tế, rút bài học kinh nghiệm cho bản thân sau những lần trải nghiệm, hình thành tác phong làm việc chuyên nghiệp và sắc bén sau khi tốt nghiệp.

Mặt khác, các bạn trẻ cũng cần thể hiện sự tự tin và khiêm tốn trong hành xử và thái độ để nhà tuyển dụng ấn tượng và yêu thích, tránh nóng giận trong những tình huống xảy ra bất ngờ, phải suy nghĩ thật kỹ mọi việc đang diễn ra xung quanh vì đôi lúc đó lại là một phép thử trong phỏng vấn mà nhà tuyển dụng nhân sự triển khai với mong muốn tìm ra một ứng viên thật sự xuất sắc.

Nhà tuyển dụng nhân sự cần tôn trọng và tạo điều kiện để ứng viên thể hiện bản thân mình, tránh gây khó dễ và những trở ngại quá sức ứng viên. Nhà tuyển dụng nhân sự cũng cần phải nhìn nhận rằng, trước đây bản thân họ cũng là một ứng viên đi tìm việc và hiểu được cảm giác khao khát công việc làm như thế nào, khó chịu ra sao, khi gặp một nhà tuyển dụng nhân sự thiếu cảm thông và chuyên nghiệp.


Mai Châm/dantri.com.vn

https://dantri.com.vn/nhip-song-tre/sinh-vien-va-nha-tuyen-dung-tranh-cai-ve-viec-ai-nen-tu-gioi-thieu-truoc-20211013220841910.htm#dt_source=Cate_GiaoDucHuongNghiep&dt_campaign=Top3&dt_medium=2

  • Từ khóa