Từ sự cố học sinh tử vong khi học trực tuyến, phụ huynh giật mình nhìn lại

Thứ 7, 16.10.2021 | 15:05:25
880 lượt xem

Thay vì đổ lỗi hoàn toàn cho ngành giáo dục, nhiều phụ huynh đã coi các sự cố đáng tiếc xảy ra khi trẻ học trực tuyến là bài học đắt giá để từ đó có biện pháp phòng tránh.

Tai nạn thương tâm của em học sinh N.V.Q, lớp 5C Trường Tiểu học Nam Anh (huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An), đã gióng lên một hồi chuông báo động, sự nhận thức về trách nhiệm của gia đình và nhà trường trong việc dạy và học trực tuyến trong bối cảnh đại dịch Covid-19.

Từ sự cố học sinh tử vong khi học trực tuyến, phụ huynh giật mình nhìn lại - 1

Sự việc học sinh lớp 5 ở Nghệ An tử vong khi đang học trực tuyến nghi do điện thoại di động phát nổ đang gây rúng động (Ảnh minh họa).

Người lớn thừa nhận đã quá chủ quan

Do con đã làm quen với việc học trực tuyến ngay từ lớp 4, nên anh Trần Văn Tiến (Cầu Giấy, Hà Nội) đã để cho con tự học và sử dụng thiết bị điện trong giờ học. Tuy nhiên, sau sự cố của em học sinh trên anh đã vô cùng sốc và giật mình nhìn lại, thấy bản thân cũng đã quá chủ quan khi cho con tự học trực tuyến.

Anh Tiến chia sẻ: "Vợ chồng mình đã bàn bạc và xin nghỉ luân phiên để ở nhà cùng con, chứ không ai dám chắc điều gì cả. Mình cũng đã phải liên tục nhắc nhở con không được tự ý sử dụng các thiết bị điện".

Tá hỏa nghe được tin sốc, chị Hoàng Mai Lan (Hoàng Mai, Hà Nội) cũng phải nhìn nhận chính mình chưa có sự giáo dục an toàn điện cho con.

Chị Lan cho hay: "Con đã học lớp 8, nên gia đình tôi hầu như không quản lý việc học trực tuyến của con. Mình để cho con có không gian riêng tư học, được làm chủ các thiết bị chứ không nhắc nhở. Tôi cũng chợt nhận ra rằng mình và chồng chưa bao giờ có sự giáo dục an toàn về điện cho con. Ngay tối nay, mình cùng chồng sẽ dành hẳn một tiếng để dạy cho con những kiến thức an toàn về điện cần thiết, để con kỹ năng sống, có thể tự bảo vệ bản thân".

Để an tâm hơn khi con có thể học trực tuyến ở nhà một mình, chị Nguyễn Thị Thúy (Tây Hồ, Hà Nội) chọn cách thuê gia sư cùng con học cả ngày. "Con học cả sáng và chiều, trong khi mình có cửa hàng buôn bán không thể ngồi cùng con học. Thuê gia sư đến cả hai buổi, vừa kèm con học lại có thể trông con thì mình cũng an tâm hơn được phần nào", chị Thúy nói.

Từ sự cố học sinh tử vong khi học trực tuyến, phụ huynh giật mình nhìn lại - 2

Chiếc áo em Q. mặc bị cháy (Ảnh: Mai Trần).

Cần lồng ghép kỹ năng sống vào mỗi tiết học

Cô Hòa (Giáo viên Toán, tại Lào Cai) cho hay: "Từ sự cố thương tâm xảy ra vừa qua bản thân mình là một giáo viên cảm thấy rất đau lòng và tiếc thương em học sinh. Sự việc đó cũng thấy được bài học rút ra từ việc an toàn của các thiết bị điện, điện tử khi học trực tuyến tại nhà, khi trẻ tự học mà không có người lớn ở bên. Trong tình hình dịch bệnh như hiện nay, việc học trực tuyến là giải pháp an toàn để bảo vệ các em và cộng đồng tránh nguy cơ bùng phát dịch".

Theo cô Hòa, để đảm bảo an toàn trong quá trình học trực tuyến ở nhà của các em, cha mẹ phải luôn giám sát trẻ (có thể giám sát bằng hình ảnh trực tiếp hoặc gián tiếp). Bố mẹ cần phải trang bị cho con kiến thức về an toàn đường điện, an toàn thiết bị điện tử như máy tính, điện thoại.

Trong khi đó, nhà trường cần tính toán, sắp xếp lịch học và thời lượng học trực tuyến trong một ngày cho phù hợp, chứ không thể kéo dài một buổi 5 tiết như học trực tiếp được. Giáo viên giảng dạy trực tiếp thường xuyên hướng dẫn các em và gia đình kiểm tra thiết bị điện trước mỗi buổi học như nhắc các em ngồi xa nguồn điện, sạc đầy pin và không dùng thiết bị điện thoại khi vừa học vừa sạc… 

Cô Lê Thị Nhung, giáo viên cấp 1 tại Đà Nẵng, chia sẻ: "Chúng ta không nên tìm cách đổ lỗi khi một sự việc xảy ra; hãy tìm nguyên nhân và cách giải quyết, khắc phục. Về phía nhà trường, cần lược bỏ một số môn phụ để giảm thời lượng học trực tuyến trong một ngày cho các con.

Phụ huynh cần kiểm tra các thiết bị học trực tuyến cho con thường xuyên; nếu cảm thấy không an toàn thì phải đầu tư đổi mới ngay, vì sự an toàn, tính mạng của con là ưu tiên số 1".

Cô Nguyễn Thị Huyền, giáo viên trường THPT Như Thanh 2, Thanh Hóa, cho rằng các bậc phụ huynh cần cập nhật những nền tảng công nghệ có thể dùng để theo dõi và hỗ trợ trẻ từ xa. Tuy nhiên, tốt nhất vẫn là có người lớn kèm cặp trẻ.

"Những mẩu giấy nhớ nhiều màu sắc ghi chú các nguyên tắc an toàn với các thiết bị dán ở góc học tập, ở nơi nguy hiểm cũng rất hữu ích. Tuy nhiên, các bậc phụ huynh cần luôn nhớ rằng an toàn của con phải được ưu tiên hàng đầu; nếu bố mẹ đi làm, thì cần phân công lịch cụ thể để trông con.

Cần lưu ý loại bỏ những mối nguy hiểm rình rập gây thương tích cho trẻ, như rút ổ điện, bọc các góc nhọn bằng các tấm mút, giăng lưới ở cầu thang, rào ngăn lan can. Với trẻ còn ít tuổi, bố mẹ cũng cần chú ý không để con ở nhà một mình", cô Huyền nói.

Đừng để con trẻ một mình trong giờ học

TS Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội đồng giáo dục, đồng sáng lập trường THPT Đinh Tiên Hoàng, Chủ tịch Hội Tâm lý Giáo dục Hà Nội, cho hay: "Phụ huynh không nên để con trẻ một mình trong giờ học. Dù bận công việc đến đâu thì hãy tạm gác lại để cùng con vượt qua khoảng thời gian khó khăn này. 

Cần lưu tâm đến các yêu cầu an toàn trước khi bàn giao thiết bị cho con sử dụng để tránh sự việc đáng tiếc như trên. Phải cho con nhận thức rõ nguy hiểm từ việc tò mò với những nguồn điện như ổ cắm điện, dây kết nối nguồn điện… có thể dẫn đến chết người. Thầy cô phải nhắc nhở thường xuyên, phổ biến những kiến thức kỹ năng sống an toàn điện cho trẻ trong mỗi buổi học. Văn hóa an toàn điện  trong từng gia đình cũng cần nâng cao".

PGS.TS Trần Thành Nam, Chủ nhiệm Khoa Các Khoa học Giáo dục, Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội, bày tỏ: "Thực tế các kỹ năng phòng chống tai nạn thương tích là một nội dung của chương trình Đạo đức lớp 1. Có nghĩa là các con ngay từ lớp 1 đã được học để nhận ra các tình huống nguy hiểm có thể gây ra tai nạn do điện giật, hiểu được nguyên tắc an toàn phòng tránh tai nạn điện giật và có khả năng xử lý các tình huống nguy hiểm do điện giật cũng như nhắc nhở người khác thực hiện.

Câu hỏi đặt ra là chương trình đã được dạy như thế nào, bố mẹ đã đồng hành giúp con kết nối tri thức với cuộc sống ra sao để những kỹ năng an toàn cơ bản này vẫn chưa thể hình thành khi con đã học lớp 4, lớp 5? Sự việc học sinh lớp 5 bị tai nạn trên đây có thể coi như một hồi chuông cảnh tỉnh cho tất cả các cha mẹ và nhà trường".

Văn Hiền/dantri.com.vn

https://dantri.com.vn/giao-duc-huong-nghiep/tu-su-co-hoc-sinh-tu-vong-khi-hoc-truc-tuyen-phu-huynh-giat-minh-nhin-lai-20211016123622159.htm#dt_source=Cate_GiaoDucHuongNghiep&dt_campaign=Cover&dt_medium=1

  • Từ khóa