Gỡ khó trong dạy và học trực tuyến

Thứ 3, 19.10.2021 | 15:56:33
650 lượt xem

Từ ngày 19/9 đến nay, dịch Covid-19 ở Hà Nam diễn biến phức tạp, xuất hiện nhiều ca bệnh trong cộng đồng tại trường học, khu công nghiệp.

Giáo viên Trường THPT Phủ Lý A (Hà Nam) tập huấn sử dụng hệ thống dạy học trực tuyến. Ảnh: ĐẠI NGHĨA

Để ứng phó, địa phương đã cho toàn bộ học sinh các cấp tạm dừng đến trường và chuyển sang hình thức dạy học trực tuyến trên internet, trên truyền hình nhưng cũng không tránh khỏi một số khó khăn, vất vả.

Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, tỉnh Hà Nam đã chỉ đạo ngành giáo dục cho học sinh trên địa bàn nghỉ học đến khi kiểm soát tốt dịch bệnh. Các cấp, các ngành, địa phương; nhất là ngành giáo dục chủ động xây dựng và triển khai kế hoạch dạy học năm học 2021 - 2022 bảo đảm linh hoạt, phù hợp diễn biến dịch bệnh; điều chỉnh nội dung giảng dạy, thực hiện dạy học trực tuyến các nội dung cốt lõi cho các cấp học.

Đối với học sinh lớp 1, lớp 2 và trẻ mầm non dạy học qua truyền hình là chủ yếu; kịp thời cung cấp lịch phát sóng các chương trình dạy học trên truyền hình, các đường link sách giáo khoa điện tử, học liệu điện tử... cho cha, mẹ học sinh, giúp các em tiếp tục học tập phù hợp từng đối tượng và điều kiện của gia đình học sinh; kiên trì quan điểm “Tạm dừng đến trường nhưng không dừng học”.

Thành phố Phủ Lý là địa phương đang phải chịu nhiều tác động của dịch Covid-19. Năm học mới 2021 - 2022 đã bước qua tuần học thứ hai, toàn ngành phải tạm dừng việc dạy học trực tiếp do có 80 học sinh và giáo viên trên địa bàn mắc Covid-19. Nhiều học sinh, giáo viên thuộc diện F1, F2 phải cách ly tập trung, cách ly tại nhà. Thực tế này đã khiến việc triển khai các hoạt động giáo dục, chuyên môn đầu năm của các cơ sở giáo dục gặp nhiều khó khăn, vất vả.

Ngành giáo dục đồng thời thực hiện hỗ trợ giáo viên, học sinh F0; tuyên truyền làm tốt quy định cách ly đối với giáo viên, học sinh là F1, F2; phối hợp các địa phương trong việc truy vết F1, F2 là giáo viên, học sinh; triển khai dạy học trực tuyến theo chương trình năm học. Do một số giáo viên đang phải điều trị Covid-19, một số đang thực hiện cách ly tập trung, dẫn tới tình trạng thiếu giáo viên cho nên công tác tổ chức dạy học trực tuyến của thành phố cũng gặp một số khó khăn.

Bên cạnh đó, TP Phủ Lý đang thực hiện giãn cách xã hội, một số xã, phường thuộc “vùng đỏ” cũng ảnh hưởng việc tổ chức dạy học trực tuyến. Tại những cơ sở giáo dục trong “vùng đỏ”, Phòng Giáo dục và Đào tạo (GD và ĐT) thành phố Phủ Lý đã chỉ đạo dừng việc dạy trực tuyến bài mới; chỉ dạy các bài mới theo hình thức trực tuyến khi bảo đảm tỷ lệ học sinh tham gia cao. Theo Trưởng phòng GD và ĐT thành phố Phủ Lý Trịnh Xuân Thắng, để ứng phó kịp thời với dịch Covid-19, Phòng GD và ĐT đã chủ động, linh hoạt trong chỉ đạo các trường chuẩn bị tốt các điều kiện để tổ chức học trực tuyến, như: Cấp lại, cấp mới tài khoản cho giáo viên, học sinh; điều chỉnh kế hoạch giáo dục; dạy tăng cường thêm các buổi chiều; xây dựng các văn bản hướng dẫn về dạy học trực tuyến…

Tỉnh Hà Nam hiện đang triển khai việc dạy học trực tuyến đối với tất cả các huyện, thị xã khác trong tỉnh. Việc dạy học trực tuyến đã được ngành giáo dục thống nhất chỉ đạo các cơ sở giáo dục chủ động xây dựng và thực hiện kế hoạch giáo dục nhà trường, điều chỉnh nội dung giảng dạy. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện đã phát sinh một số bất cập như: Còn nhiều gia đình khó khăn chưa trang bị kịp thời máy tính và sóng để bảo đảm cho việc học trực tuyến; nhiều học sinh phải học chung với bạn, điều đó ảnh hưởng đến chất lượng học tập.

Một số gia đình không mua được máy tính thì học sinh phải học qua điện thoại, việc này cũng ảnh hưởng nhiều đến công việc của bố, mẹ cũng như quản lý con cái sau mỗi giờ học tập. Đối với các lớp 1, lớp 2 không dạy trực tuyến mà dạy trên truyền hình, gây khó khăn cho giáo viên khi hướng dẫn, kèm cặp học sinh. Nhiều bậc phụ huynh đang làm việc ở tuyến đầu chống dịch là bác sĩ, công an không có thời gian hướng dẫn con học bài.

Một số giáo viên chia sẻ, quá trình học trên truyền hình và giáo viên thỉnh thoảng dạy trực tuyến bổ trợ không được đánh giá cao về tính hiệu quả do đối tượng học sinh còn quá nhỏ. Vì vậy, chất lượng học tập còn phụ thuộc nhiều vào ý thức học tập của học sinh, nhất là học sinh lớp 1, lớp 2 và lớp 6 chưa quen với yêu cầu và phương pháp học theo chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới.

Giám đốc Sở GD và ĐT tỉnh Phạm Anh Tuấn cho biết, giải pháp ứng phó tình huống dịch Covid-19 dự báo còn có thể kéo dài và diễn biến phức tạp. Ngành giáo dục Hà Nam đã khẩn trương chuyển đổi trạng thái hoạt động dạy học thích ứng với diễn biến dịch bệnh, gắn với đẩy mạnh chuyển đổi số trong quản lý giáo dục. Đồng thời, tăng cường đầu tư các điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học trực tuyến. Các cơ sở giáo dục mầm non tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn cha, mẹ học sinh về việc nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục và tổ chức cho trẻ em hoạt động vui chơi tại nhà...

ĐÀO PHƯƠNG/nhandan.vn

https://nhandan.vn/tin-tuc-giao-duc/go-kho-trong-day-va-hoc-truc-tuyen--669883/

  • Từ khóa