Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chỉ đạo các bộ, ngành liên quan nghiên cứu đề xuất chính sách hỗ trợ cho người lao động và doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực giáo dục mầm non tư thục gặp khó khăn do dịch Covid-19
Không có kinh phí trả tiền thuê mặt bằng, trả lương cho giáo viên (GV), GV thất nghiệp phải tìm nghề khác để tồn tại đã khiến các trường mầm non tư thục đứng trước nguy cơ đóng cửa.
Trường nhỏ rã đám, khó khăn chồng chất
Bà Phạm Mai Chi - chủ một trường mầm non đóng tại quận Tây Hồ, TP Hà Nội - cho hay sau 4 đợt dịch, hầu như các trường tư thục quy mô nhỏ đã rã đám hết. "Không chỉ trường tôi mà nhiều trường khác cũng khó hoạt động trở lại trong tình trạng này. Trường đóng cửa từ đầu tháng 5 đến giờ khiến chúng tôi vô cùng khó khăn. Không có thu nhập, các GV hầu hết đã đi kiếm việc khác để duy trì cuộc sống. Giờ trường có mở cửa cho học sinh đi học lại, gọi được một nửa số GV cũng khó" - bà Chi cho hay.
Theo chủ trường này, trong đợt dịch thứ 4, GV của trường nhận được trợ cấp 1,5 triệu đồng/người đối với lao động phổ thông và 3 triệu đồng/người đối với lao động có bảo hiểm. "Với những khó khăn đang phải đối mặt, chỉ những trường có quy mô, đầu tư lớn, các nhà đầu tư phải cố gắng để giữ trường mới tồn tại được trong giai đoạn khó khăn này" - bà Phạm Mai Chi cho hay.
Do dịch Covid-19, nhiều trường mầm non đang gặp vô vàn khó khăn. (Ảnh chỉ có tính minh họa) Ảnh: TẤN THẠNH
Ông Nguyễn Minh Tuấn, chủ Trường Mầm non "Ngôi làng vui vẻ" (quận Bình Thạnh, TP HCM), cho hay trường mầm non của ông năm 2021 chỉ hoạt động được 3 tháng, đã nghỉ 5 tháng. Nếu theo dự kiến của Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT), tháng 1-2022 sẽ mở cửa lại trường học thì trường sẽ đóng cửa khoảng 9 tháng. Trong thời gian trường đóng cửa, ông Tuấn vẫn đóng nhiều loại chi phí, nặng nhất là tiền mặt bằng với 45 triệu đồng/tháng. Trước khi nghỉ dịch, trường ông Tuấn có 10 GV mầm non, khi tạm nghỉ do dịch, trường hỗ trợ mỗi người 2 triệu đồng/tháng nhưng đến thời điểm này, ông không đủ sức để tiếp tục hỗ trợ.
Đứng trước những khó khăn chồng chất, cộng đồng doanh nghiệp trong lĩnh vực giáo dục mầm non tại TP HCM vừa có thư gửi Thủ tướng Phạm Minh Chính, kiến nghị các chính sách hỗ trợ đặc biệt cho người lao động và doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực giáo dục tư thục mầm non trong bối cảnh khó khăn do dịch Covid-19.
Các chủ trường mong được tạo điều kiện sớm hoạt động trở lại nếu đáp ứng đủ bộ tiêu chí an toàn phòng chống dịch trong trường học. Họ muốn được hỗ trợ các gói vay tín dụng không lãi suất hoặc lãi suất ưu đãi với thời gian tối thiểu 24 tháng; được hỗ trợ giãn nợ, khoanh nợ đối với các khoản vay tín dụng cho doanh nghiệp; miễn, giảm thuế và các chi phí điện, nước…; được ưu tiên tiêm vắc-xin cho GV, cán bộ và nhân viên từ địa phương khác khi quay lại TP HCM làm việc; đề xuất Chính phủ có gói hỗ trợ riêng dành cho GV và công nhân viên trong ngành giáo dục.
Ngoài ra, hỗ trợ giới thiệu việc làm cho nhân viên, GV mầm non trong thời gian chờ trường học mở cửa trở lại.
Mong tạo điều kiện sớm hoạt động trở lại
Ngay sau khi nhận được thư kiến nghị của đại diện các trường mầm non, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có ý kiến yêu cầu Bộ GD-ĐT và các cơ quan liên quan như các bộ: Tài chính, Y tế, Nội vụ, Thông tin và Truyền thông, Công Thương, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, BHXH Việt Nam nghiên cứu đề xuất những chính sách cụ thể, phù hợp và khả thi. Bộ GD-ĐT chỉ đạo rà soát, nghiên cứu, đề xuất cụ thể, báo cáo xin ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trước ngày 1-11-2021.
Ông Nguyễn Minh Tuấn bày tỏ sự vui mừng khi nhận được sự phản hồi nhanh chóng của Thủ tướng Chính phủ. Ông mong rằng thời gian tới, các cấp quản lý sẽ đưa ra lộ trình lâu dài, giải pháp bền vững để các trường mầm non ngoài công lập yên tâm mở trường lại.
"Các trường mầm non ngoài công lập đang thoi thóp, bây giờ đợi đến tháng 1-2022 rồi sau đó sẽ như thế nào? Nếu xuất hiện ca F0 trong trường thì trường sẽ phải làm sao? Đây là những nỗi lo của các chủ trường. Vì khi mở cửa lại, trường đóng tiền mặt bằng đầy đủ, tuyển dụng lại nhân sự rồi lại phải tạm nghỉ do có ca dương tính với SAR-CoV-2 thì chủ đầu tư lỗ nặng hơn nữa. Do đó, chúng tôi mong muốn có giải pháp bền vững để mạnh dạn mở cửa khi được phép" - ông Tuấn chia sẻ.
TP HCM giải quyết đơn kiến nghị hỗ trợ đặc biệt
Trả lời về việc giải quyết đơn kiến nghị các chính sách hỗ trợ đặc biệt cho người lao động và doanh nghiệp lĩnh vực giáo dục mầm non trong bối cảnh khó khăn do dịch Covid-19 của gần 100 chủ trường mầm non, bà Lương Thị Hồng Điệp, Trưởng Phòng Giáo dục mầm non Sở GD-ĐT TP HCM, cho biết đang gấp rút rà soát các số liệu để xử lý đơn kiến nghị. Bà Điệp cho hay vừa qua, Bộ GD-ĐT đã có yêu cầu sở báo cáo những số liệu liên quan đến kiến nghị của các chủ trường, nhưng trong đơn kiến nghị có một số nội dung không thuộc chuyên môn của Phòng Giáo dục mầm non nên phải lấy số liệu từ các phòng, ban khác. Ví dụ, số người được hưởng bảo hiểm theo quy định phải nhờ Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP HCM cung cấp số liệu. Về vấn đề tiêm vắc-xin cho GV, phải nhờ phòng chính trị tư tưởng cung cấp số liệu tổng quan để biết được ai đã tiêm và chưa tiêm, chưa tiêm vì lý do gì. Để có số liệu thống kê cụ thể gửi Bộ GD-ĐT thì phải phối hợp rất nhiều phòng, ban thực hiện. "Là người quản lý khối mầm non, tôi cũng đang nóng ruột và lo lắng không kém gì các chủ trường, chúng tôi đang làm việc liên tục để nhanh chóng giải quyết vấn đề cho các trường" - bà Điệp nói.
Yến Anh - Thuận Nguyễn/nld.com.vn
https://nld.com.vn/giao-duc-khoa-hoc/go-kho-cho-truong-mam-non-20211026200114045.htm