Sức hút từ các trường sư phạm

Thứ 5, 28.10.2021 | 10:22:45
1,029 lượt xem

Có đội ngũ thầy, cô giáo giỏi, tận tâm, yêu nghề thì nền giáo dục mới phát triển, đất nước mới cường thịnh. Các trường sư phạm được coi là những “cỗ máy cái” đào tạo giáo viên.

Mùa tuyển sinh năm 2021, điểm chuẩn vào các trường đại học tăng cao được coi là tín hiệu mừng của ngành sư phạm. Tuy nhiên, theo các chuyên gia giáo dục, thương hiệu về chất lượng đào tạo mới tạo nên sức hút của các trường sư phạm để thu hút người giỏi một cách bền vững, lâu dài.

Qua thời “chuột chạy cùng sào...”

Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, toàn quốc hiện có 56 trường đại học đào tạo sư phạm (14 trường đại học sư phạm (ĐHSP), 42 trường đại học đa ngành có đào tạo giáo viên); 2 học viện; 3 phân hiệu và 1 khoa trực thuộc. Với 31 ngành đào tạo trình độ đại học; 1 ngành ở trình độ cao đẳng, tính tới tháng 12-2020, quy mô đào tạo ĐHSP chính quy là 52.362 sinh viên; tổng số giảng viên là 5.866 người. Năm 2021, tình hình tuyển sinh sư phạm có bước tiến bất ngờ cả về số lượng và chất lượng. Trong số 265 mã ngành tuyển sinh có điểm chuẩn tăng 5 điểm trở lên của mùa tuyển sinh năm 2021, nhóm ngành sư phạm vươn lên vị trí thứ hai với 64 ngành. Đáng chú ý, Trường Đại học Hồng Đức (Thanh Hóa) có điểm chuẩn ngành Sư phạm Ngữ văn chất lượng cao lấy tới 30,5 điểm. Nghĩa là nếu thi 10 điểm một môn mà không có điểm cộng, điểm ưu tiên, thí sinh vẫn bị trượt. Điều này trái ngược hoàn toàn với kết quả tuyển sinh cách đây vài năm khi điểm tuyển sinh có trường sư phạm chỉ 12-13 điểm. Khi ấy nhiều người đã nói “chuột chạy cùng sào mới vào sư phạm".

Sức hút từ các trường sư phạm
Sinh viên Trường Đại học Thủ đô Hà Nội (ảnh chụp trước ngày 27-4-2021).


Nhờ đâu điểm tuyển sinh ngành sư phạm năm nay tăng cao hơn hẳn như vậy? Nhiều chuyên gia giáo dục chỉ ra một trong số những nguyên nhân quan trọng là chính sách hỗ trợ tiền học phí và chi phí sinh hoạt hằng tháng cho sinh viên sư phạm theo Nghị định số 116/2020/NĐ-CP ngày 25-9-2020 của Chính phủ bắt đầu được áp dụng. TS Trần Thị Hà Giang, Trưởng khoa Sư phạm, Trường Đại học Thủ đô Hà Nội, nhận định: “Đây là chính sách tác động mạnh tới sự lựa chọn của nhiều thí sinh, đặc biệt là những thí sinh có hoàn cảnh khó khăn”. Càng đặc biệt hơn khi chính sách này lại rơi đúng vào thời điểm dịch Covid-19, nhiều gia đình gặp khó khăn về kinh tế, nuôi con ăn học đại học là một thách thức thực sự.

Em Đỗ Bảo Ngọc (quê Thái Nguyên), sinh viên năm thứ nhất Khoa Sinh học, chuyên ngành Sư phạm Sinh học, Trường ĐHSP Hà Nội, thừa nhận: "Ban đầu em định đăng ký nguyện vọng vào Trường Đại học Y Thái Nguyên nhưng đến phút cuối lại quyết định đăng ký vào trường sư phạm. Chính sách đãi ngộ cho sinh viên sư phạm ảnh hưởng lớn tới quyết định chọn nghề của em”.

Ba yếu tố tạo nên chất lượng giáo viên

Những quy định của Nghị định số 116/2020/NĐ-CP cho thấy sự đầu tư không nhỏ, sự quan tâm hàng đầu của Nhà nước đối với ngành sư phạm. Kết quả tuyển sinh năm học 2021 cho thấy những tác động tích cực nhất định của nghị định này trong việc thu hút người giỏi vào ngành sư phạm. Tuy nhiên, theo các chuyên gia giáo dục, đây chỉ là bước khởi đầu. Để tạo ra sức hút thực sự, lôi kéo được những người tài, đức cho hệ thống “máy cái” giáo dục này, bản thân các trường sư phạm phải tạo được thương hiệu bằng chính những "sản phẩm đầu ra" có chất lượng, được xã hội trọng dụng.

Là người gắn bó nhiều năm với ngành sư phạm, GS, TS Đinh Quang Báo, nguyên Hiệu trưởng Trường ĐHSP Hà Nội, phân tích: “Có nhiều yếu tố để đào tạo giáo viên chất lượng cao. Trước tiên là yếu tố đầu vào. Nguyên liệu tốt thì sản phẩm mới tốt. Vì thế, khâu tuyển sinh phải chọn được những người giỏi vào ngành sư phạm. Đây là kinh nghiệm chung của tất cả các quốc gia trên thế giới. Những nước thành công trong giáo dục đều chú trọng đầu vào. Sau khi tuyển được những người giỏi là quá trình "gia công sản phẩm". Quá trình này đòi hỏi chương trình, chất lượng đào tạo đều cần được cải tiến. Một điều nữa cũng rất quan trọng là phải bảo đảm đầu ra cho sinh viên ngành sư phạm. Ở đây, đầu xuôi thì đuôi lọt, sản phẩm có bán chạy thì mới tiếp tục được cải tiến. "Sản phẩm" ở đây là con người nên phải bảo đảm việc làm, mức lương thì sẽ càng thu hút được người giỏi vào ngành sư phạm. Có điều cần lưu ý rằng, chất lượng giáo viên bao hàm cả đạo đức, thái độ, ý chí, động cơ và hiểu biết chuyên môn nghiệp vụ sư phạm. Giáo viên dạy gì phải giỏi đó, phải truyền đạt được những kiến thức của mình cho người khác và phải có đạo đức nghề nghiệp. Ba yếu tố này đều phải ở mức cao để tạo nên những giáo viên có chất lượng”.

Một trong những giai đoạn quan trọng để nâng cao chất lượng giáo viên bền vững là khi họ đang ngồi trên ghế nhà trường sư phạm. Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh: “Muốn đổi mới lực lượng nhà giáo phải bắt đầu bởi hệ thống các trường đào tạo giáo viên. Để đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục phụ thuộc rất nhiều vào nỗ lực tự thân, tự đổi mới mình của các trường đào tạo giáo viên. Các trường sư phạm phải tiên phong trong đổi mới phương pháp, trong cách tiếp cận, trong quan điểm và trong việc dạy học, để dẫn dắt toàn bộ hệ thống thay đổi”. Dưới góc độ nhà trường, TS Cao Bá Cường, Phó hiệu trưởng Trường ĐHSP Hà Nội 2 cho rằng: “Muốn người tài quan tâm, lựa chọn ngành sư phạm nhiều hơn đòi hỏi các trường phải không ngừng đổi mới để nâng cao chất lượng đào tạo. Trong đó, cần có chiến lược, chính sách rõ ràng để đầu tư, phát triển đội ngũ giảng viên”.

TOÀN LINH/qdnd.vn

https://www.qdnd.vn/giao-duc-khoa-hoc/cac-van-de/suc-hut-tu-cac-truong-su-pham-675624

  • Từ khóa