Để giữ vững vị trí đứng đầu về chất lượng giáo dục của tỉnh Vĩnh Phúc, thành phố Vĩnh Yên triển khai cách tiếp cận toàn diện, sử dụng những giải pháp sáng tạo, quyết liệt nhằm khơi dậy tinh thần cống hiến của đội ngũ cán bộ, giáo viên.
Trường THCS Vĩnh Yên trao thưởng học sinh đạt giải cuộc thi sáng tạo khoa học kỹ thuật của tỉnh.
Nhân tố đột phá chất lượng giáo dục
Hai năm học qua, thành phố Vĩnh Yên triển khai một số giải pháp chưa có tiền lệ để hạn chế chênh lệch chất lượng giữa các trường. Trong đó có việc điều động giáo viên giỏi từ trường chất lượng cao sang trường có chất lượng thấp hơn để tiếp sức, kích thích phong trào dạy học ở các trường “vùng trũng”, từ đó bảo đảm chất lượng giáo dục đại trà.
Giải pháp này vấp phải phản ứng của một bộ phận giáo viên, vì nhiều người phải đi làm xa hơn, dạy học sinh kém hơn, thậm chí thu nhập cũng ít hơn. Hiểu rõ điều đó, Thành ủy, UBND thành phố tổ chức các cuộc gặp gỡ ba bên gồm hiệu trưởng trường có giáo viên chuyển đi, trường chuyển đến và giáo viên trong diện điều động để nắm bắt tâm tư, động viên các thầy, cô giáo. Hiệu trưởng các trường có giáo viên chuyển đến đều cam kết tạo điều kiện tốt nhất để các giáo viên giỏi phát huy năng lực chuyên môn.
Cô Dương Thị Hải Vân, giáo viên giỏi Trường THCS Tích Sơn được điều động đến Trường THCS Đồng Tâm cách đây 2 năm, đã phát huy tốt năng lực ở trường mới và được bổ nhiệm làm Phó hiệu trưởng vào đầu năm 2021. Cô Vân tâm sự: Ban đầu phải đi xa thêm mấy cây số và phải xa trường cũ, nhiều đồng nghiệp nhắn tin chia sẻ “số đen” phải đến trường kém hơn, lúc đầu mình cũng suy nghĩ lắm. Sau đó được lãnh đạo thành phố động viên và các thầy cô ở trường mới hết lòng ủng hộ, mình đã cố gắng làm việc và rất mừng là nỗ lực của mình được lãnh đạo và đồng nghiệp ghi nhận.
Thành ủy Vĩnh Yên cũng điều động cán bộ quản lý có năng lực đến các trường “chậm tiến”, thành tích sa sút. Biện pháp này ngay lập tức đem lại hiệu quả. Đội ngũ cán bộ quản lý năng động và giáo viên giỏi như “luồng gió mới” thổi bùng phong trào thi đua dạy tốt học tốt ở các trường. Hiệu trưởng Trường THCS Đồng Tâm, cô Nguyễn Thị Thúy Hằng và Hiệu trưởng Trường THCS Tô Hiệu, cô Nguyễn Thị Thanh Minh cũng được điều động từ trường khác đến. Trong thời gian ngắn, 2 cô hiệu trưởng đã xây dựng được sự đoàn kết, đẩy mạnh phong trào thi đua trong trường. Nhờ đó, chất lượng giáo dục, uy tín của 2 trường tăng lên rõ rệt, thể hiện qua việc ngày càng nhiều phụ huynh đăng ký cho con học tại trường.
Tiết học vẽ của học sinh Trường THCS Đồng Tâm.
Đối với giáo dục mũi nhọn mà tâm điểm là Trường THCS Vĩnh Yên, thành phố đầu tư cơ sở vật chất khang trang, thiết bị dạy học hiện đại. Cơ ngơi nhà trường rộng hơn 4,6 ha hoàn toàn được xây mới với đủ các phòng chức năng, nhà giáo dục thể chất. Mấu chốt làm nên “thương hiệu” của Trường THCS Vĩnh Yên là những giáo viên giỏi. Với hơn 30 năm trong nghề dạy học, 7 năm làm Hiệu trưởng nhà trường, cô Kim Thị Minh Vỹ rút ra kinh nghiệm, cán bộ quản lý phải nắm vững chuyên môn, đánh giá đúng năng lực của từng giáo viên. Phải trân trọng, sử dụng giáo viên có chuyên môn tốt thì họ mới say nghề, yêu trường, yên tâm cống hiến.
Hai năm học qua, thành phố Vĩnh Yên đã điều động và biệt phái nhiều cán bộ quản lý và giáo viên, nhân viên nhằm tăng sự đồng đều ở tất cả các trường. Một số giáo viên được điều động trước đó đã được đề bạt làm cán bộ quản lý nhờ khẳng định được phẩm chất, năng lực. Mặc dù gặp yếu tố bất lợi do dịch bệnh Covid-19, thành phố vẫn nỗ lực tổ chức các hội thi giáo viên dạy giỏi, thao giảng dạy học trực tuyến. Bên cạnh đó, thành phố triển khai các tiêu chí đánh giá, xếp loại các cơ sở giáo dục, củng cố Hội Khuyến học các cấp. Năm học 2020-2021, thành phố đã củng cố vững chắc vị trí đứng đầu tỉnh ở cả ba cấp học mầm non, tiểu học và THCS.
Tầm nhìn và giá trị
Đô thị Vĩnh Yên phát triển nhanh đến mức, chỉ sau bốn năm tăng thêm 6 nghìn học sinh và 4 trường học, nâng tổng số trường lên 43 với hơn 31 nghìn học sinh ở các cấp học. Yêu cầu về cơ sở vật chất, nhân lực cũng tăng không ngừng. Để giải quyết vấn đề này, Bí thư Thành ủy Nguyễn Ngọc Bình cho biết: Đầu năm 2021, Thành ủy ban hành Nghị quyết về phát triển giáo dục và đào tạo giai đoạn 2020-2025, tầm nhìn đến năm 2030, trong đó đặt ra mục tiêu duy trì giáo dục toàn diện dẫn đầu tỉnh, giáo dục đại trà và giáo dục mũi nhọn thuộc tốp đầu tỉnh. Đến năm 2025 bảo đảm số trường, lớp và sĩ số học sinh trên lớp theo đúng quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo; xây dựng ít nhất 3 trường tự chủ một phần chi thường xuyên; có hơn 70% số trường được công nhận đạt chuẩn quốc gia; phát triển các trường ngoài công lập; đầu tư xây dựng Trường THCS Vĩnh Yên như trường trọng điểm. Đề án phát triển giáo dục và đào tạo của thành phố có tổng kinh phí gần 250 tỷ đồng.
Buổi ngoại khóa của Trường tiểu học Tích Sơn.
UBND thành phố cũng ban hành chương trình riêng về nâng cao chất lượng dạy và học ngoại ngữ, tin học trong 5 năm tới với kinh phí khoảng 73 tỷ đồng. Nhiều mục tiêu lớn được nhắm tới như toàn bộ học sinh lớp 1, lớp 2 được học tiếng Anh; khuyến khích thí điểm chương trình song ngữ đối với các môn khoa học tự nhiên; đến năm học 2022-2023 học sinh lớp 3 được học chương trình tin học mới.
Trong năm học 2021-2022, Phòng Giáo dục và Đào tạo nhấn mạnh một số nội dung, gồm triển khai Chương trình giáo dục phổ thông mới, tạo đột phá về ngoại ngữ, chuyển biến về tin học, chú trọng giáo dục hành vi văn minh cho học sinh thành phố. Một trong các giải pháp để duy trì và nâng cao chất lượng giáo dục là tiếp tục thực hiện luân chuyển, điều động cán bộ quản lý giáo dục và giáo viên giỏi nhằm thu hẹp khoảng cách chất lượng giữa các trường. Bên cạnh tiêu chí đánh giá chuyên môn, thành phố bổ sung tiêu chí đánh giá về đạo đức, tinh thần trách nhiệm của nhà giáo.
Theo Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Thị Kim Chung, bắt đầu từ năm học này, toàn thành phố sẽ tăng cường giáo dục cho học sinh về sự thân thiện, hiếu khách; văn minh khi tham gia giao thông; ý thức bảo vệ môi trường và hiểu biết về lịch sử thành phố Vĩnh Yên. Hoạt động giáo dục giá trị sẽ tiến hành từng bước, từng nội dung, làm đâu chắc đấy. Vì thầy cô giáo là người đưa đò, mỗi lần qua sông lại đón lứa học sinh mới, nên phải dạy các em từ những điều đơn giản như xưng hô thầy, cô - em trong trường, lời chào, lời cảm ơn, như đội mũ bảo hiểm, nhặt rác trong sân trường. Giáo dục sẽ hướng mạnh đến phát triển các phẩm chất tốt, các hành vi đẹp của học sinh thành phố.
Bước đi, cách làm giáo dục của thành phố Vĩnh Yên cho thấy, giáo dục chỉ có thể phát triển tốt nếu có sự tham gia của toàn xã hội. Trong nhà trường, phải trọng thầy giỏi, trong công tác cán bộ, phải công tâm, khách quan. Môi trường giáo dục càng trong sáng, kết quả giáo dục sẽ càng to lớn.
HÀ HỒNG HÀ/nhandan.vn
https://nhandan.vn/giaoduc/cach-lam-giao-duc-sang-tao-cua-vinh-yen-672354/