Học thuộc lòng đang âm thầm giết chết khả năng sáng tạo của học sinh! Bọn trẻ cứ ê a học thuộc làu làu rồi vào thi chép lại y nguyên, thế là được điểm cao.
Học thuộc lòng đang âm thầm giết chết khả năng sáng tạo của học sinh (Ảnh: minh họa)
Đợt kiểm tra giữa kỳ ở trường tôi tạm hoãn giữa chừng do diễn biến bất thường của dịch bệnh. Bọn trẻ ngẩn ngơ bởi chỉ còn 1-3 môn thi nữa thôi thì sẽ hoàn thành nhiệm vụ. Nghỉ ở nhà tránh dịch, các con lại xôn xao hỏi tiếp về đề cương ôn tập: "Có học hết không cô?", "Học thuộc lòng luôn ạ?"…
Những tờ giấy đề cương dày cộm vẫn luôn là nỗi ám ảnh của học sinh bởi chi chít chữ được soạn sẵn, đánh máy, in ấn và phát hàng loạt. Bọn trẻ chỉ cần ê a học thuộc, chăm chỉ đọc làu làu mấy trang giấy là y như rằng điểm số cao sẽ nằm gọn trong tay. "Chiếc phao cứu sinh" ấy hiện diện mỗi mùa thi lại gieo trăn trở không dứt trong lòng người!
Bức tranh bi hài trong nhiều gia đình mùa thi chính là cảnh con trẻ ngáp ngắn ngáp dài học thuộc lòng đề cương từ môn này sang môn khác. Còn phụ huynh ôn luyện mải miết cùng con, hết nhắc nhở lẫn năn nỉ ỉ ôi chuyện học bài của con cái lại thức thâu đêm làm động lực cho con học hành. Rồi con trẻ đọc, bố mẹ dò từng dòng trong đề cương đến làu làu vẫn chưa yên tâm.
Nhìn cách con trẻ "gạo" bài vanh vách, chúng ta bỗng giật mình bởi cách học và thi tiềm ẩn quá nhiều điều nguy hại. Đề cương đã được giáo viên soạn sẵn, bọn trẻ không hề nhọc công chút nào cho khâu tìm kiếm, xâu chuỗi và tổng kết tri thức.
Điều này hoàn toàn đi ngược lại với chủ trương đổi mới phương pháp dạy học lấy người học làm trung tâm và phát huy năng lực, phẩm chất của học sinh. Nó lại càng xa rời xu hướng đổi mới thi cử, xây dựng đề theo hướng mở, đánh giá nhiều hơn vào khả năng vận dụng kiến thức, ứng dụng tri thức của người học!
Học thuộc lòng đang âm thầm giết chết khả năng sáng tạo của học sinh! Bọn trẻ cứ ê a học thuộc làu làu rồi vào thi chép lại y nguyên, thế là được điểm cao. Rồi khi môn thi này kết thúc, kiến thức trôi theo dòng nước để ép vào đầu những bài học thuộc lòng khác cho buổi thi sau. Kiến thức đọng lại trong đầu trẻ là bao nhiêu? Năng lực vận dụng kiến thức lại càng mơ hồ!
Không chỉ Sinh, Sử, Địa… phải học thuộc lòng để đạt điểm cao mà ngay đến bộ môn Ngữ Văn đòi hỏi năng lực cảm thụ thẩm mĩ và trau chuốt những kỹ năng dùng từ, đặt câu, viết đoạn để tạo lập văn bản cũng đang dần đi vào "vết xe đổ" học thuộc lòng đầy nhức nhối!
Trẻ tiểu học ở một số địa phương mỗi mùa thi cứ nhăm nhắm vào 3-5 đề văn mẫu theo quy ước của cô giáo rồi viết sẵn ra giấy và… học thuộc lòng. Các con học tủ các đề văn và vào thi chép lại y nguyên theo kiểu học vẹt đáng thương vô cùng. Từ đây, bao câu chuyện hài hước đã nảy sinh, nào là con trẻ tả hoa hồng nhưng cô giáo không đồng ý bởi cả lớp viết về hoa mai, nào là nhà trẻ không nuôi cún cưng vẫn phải vanh vách bài văn về chú cún dễ thương…
Lên cấp hai, tâm lý học thuộc lòng văn mẫu vẫn còn đeo mang ở không ít đứa trẻ. Chính vì vậy, đôi lúc con trẻ lại bật thốt câu hỏi ngây thơ vô cùng về những bài văn tả, kể có nên học thuộc lòng… Và dù giáo viên đã giải thích cặn kẽ về năng lực tự học, tự sáng tạo nhưng bọn trẻ vẫn duy trì thói quen chép theo văn mẫu, học thuộc văn mẫu.
Đáng buồn thay khi ngành giáo dục bàn luận nhiều về đổi mới cách kiểm tra đánh giá học sinh nhưng chừng nào đề kiểm tra còn nặng về kiến thức, coi trọng đánh giá khả năng ghi nhớ của người học thì tình trạng học thuộc lòng vẫn sẽ còn gây hại đối với sự học và phát triển của người học!
Nguyễn Thanh/dantri.com.vn