Làm việc với Trường Cao đẳng nghề công nghệ Việt - Hàn Bắc Giang chiều 22/11, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh đến việc chú trọng đào tạo lao động có kỹ năng, sát thực tiễn và đi kịp thời cuộc.
Tại buổi làm việc nhanh với một trong những trường nghề đang có liên kết giữa Việt Nam với Hàn Quốc, sau khi nghe lãnh đạo Nhà trường báo cáo về thực tiễn hoạt động, nguyên nhân và phương hướng giải pháp trong thời gian tới, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đặt ra câu hỏi và cũng là trăn trở bấy lâu nay của ông về chất lượng lao động Việt.
Ông nêu: "Tại sao chất lượng lao động của Việt Nam luôn bị nói là thấp? Nguyên nhân chính là do đào tạo của chúng ta chưa gắn liền với cung cầu; không gắn với thị trường. Cái thị trường cần thì không đào tạo được, đào tạo ra làm trái ngành, trái nghề".
Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, xu hướng đào tạo lao động lành nghề, lao động bậc cao là xu hướng tất yếu khách quan, muốn cản cũng không thể cản được. Chính vì vậy, giáo dục, đào tạo nghề phải đi trước một bước để đón đầu, chuẩn bị lực lượng lao động cho xã hội, doanh nghiệp.
Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH làm việc tại trường Cao đẳng nghề công nghệ Việt - Hàn tỉnh Bắc Giang về thực tiễn đào tạo lao động trường nghề (Ảnh Giáp Tống).
Đánh giá về "đầu ra" và liên kết trên thực tiễn của Trường Cao đẳng nghề công nghệ Việt - Hàn Bắc Giang, Bộ trưởng Dung đánh giá cao việc nhà trường này mở rộng, có liên kết chặt chẽ với 150 doanh nghiệp trên khắp cả nước, trong đó có nhiều doanh nghiệp Hàn Quốc.
Tuy nhiên, lãnh đạo Bộ LĐ-TB&XH nhấn mạnh cần làm tốt hơn nữa việc liên kết bắt tay cả 2 bên cùng có lợi chứ không chỉ đạo tạo không cho doanh nghiệp như hiện nay.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh, đến một lúc nào đó các trường nghề phải hợp tác 2 bên cùng có lợi với doanh nghiệp để tự chủ kinh phí đào tạo và "đầu ra".
Theo đó, nhà trường phải làm sao doanh nghiệp vào đặt hàng với trường về đào tạo lao động, bắt tay với họ từ xây dựng giáo trình đào tạo, có đội ngũ giáo viên chuẩn. Đồng thời hợp tác giao kết với doanh nghiệp để đưa máy móc, thiết bị vào nhà trường cho học viên thực hành và cuối cùng là doanh nghiệp tiếp nhận học viên, trả kinh phí đào tạo cho nhà trường.
Bộ trưởng Dung đề nghị: "Trường cần làm thí điểm, thứ nhất sinh viên thực hành tại các cơ sở doanh nghiệp, doanh nghiệp phải trả chi phí, lương; năm thứ 2 nếu doanh nghiệp chọn những người giỏi về làm việc, thì phải yêu cầu họ chia sẻ kinh phí đào tạo cho Nhà trường".
Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, các trường nghề phải làm sao đưa ra được lao động có kỹ năng để nhận được nhiều đơn đặt hàng của doanh nghiệp, để doanh nghiệp đặt hàng, sẵn sàng trả chi phí đào tạo.
"Chúng ta đào tạo ra lao động, khi có lợi thì doanh nghiệp hưởng, nhưng trách nhiệm đào tạo, doanh nghiệp cũng phải chia sẻ với Nhà nước, cộng đồng", Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nói.
Ông nhấn mạnh: "Đây là hợp tác ba bên và cùng chung lợi ích, chung trách nhiệm".
Tại buổi làm việc với đoàn công tác của Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, ông Nguyễn Công Thông, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng nghề công nghệ Việt - Hàn Bắc Giang thông tin quy mô đào tạo năm 2021 của nhà trường là trên 21 nghề, tổng số sinh viên theo học là hơn 5.300 học viên, tăng gấp 13,8 lần so với năm 2014.
Hiện 100% học viên được thực hành, thực tập tại doanh nghiệp, 150 doanh nghiệp, trong đó chủ yếu là doanh nghiệp Hàn Quốc, Nhật Bản hợp tác về đầu ra như LG, Canon, Seojin, Sumitomo... chiếm 55% đầu ra cho sinh viên, còn lại chủ yếu nhiều doanh nghiệp Việt Nam nhận học viên khi ra trường.
Về tỷ lệ sinh viên có việc làm, theo Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Nghề, công nghệ Việt - Hàn Bắc Giang, từ năm 2017 đến nay, tỷ lệ sinh viên của trường có việc làm đạt 94%, trong đó riêng nhóm doanh nghiệp Hàn Quốc thu hút trên 30% số sinh viên ra trường.
Trong số hơn 6.000 kỹ thuật viên người VIệt làm việc tại Samsung Display Việt Nam có hơn 1.200 người từng là học viên của Trường.
Kiến nghị với Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, lãnh đạo Trường Cao Đẳng Việt - Hàn đề xuất Bộ hỗ trợ trường xây dựng trở thành trường đa ngành, đạt tiêu chí chất lượng cao vào năm 2025 và đầu tư những ngành, nghề đào tạo có hàm lượng công nghệ cao như IoT, trí tuệ nhân tạo (AI), năng lượng tái tạo, điều khiển học...
Trường kiến nghị hỗ trợ kinh phí hơn 300 tỷ đồng để xây dựng cơ sở vật chất để phục vụ mục tiêu nâng cao đào tạo, trình độ kỹ năng thông qua việc xây dựng Trung tâm đánh giá kỹ năng nghề quốc gia tại Trường. Đồng thời, đầu tư trang thiết bị để trường nâng cao chất lượng đào tạo.
Đánh giá về đề xuất trên, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đề nghị đơn vị làm báo cáo đề xuất chi tiết. Việc xây dựng Trung tâm đánh giá kỹ năng nghề quốc gia tại Trường phải hiệu quả, không tăng thêm biên chế, gây gánh nặng cho hành chính, mô hình của Nhà trường.
An Linh/dantri.com.vn