ì sao có những hiện tượng bất thường về nhân cách như đổi tình lấy điểm, bạo lực học đường, thậm chí cả sự chạm đáy về mất nhân cách là trò đánh thầy hoặc thuê người đánh thầy?
Văn hóa học đường còn mờ nhạt, hình thức
Tại Hội thảo Giáo dục Việt Nam 2021 với chủ đề: "Văn hóa học đường trong bối cảnh đổi mới giáo dục và đào tạo" vừa qua, TS. Phạm Đỗ Nhật Tiến, nguyên trợ lý Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đề cập đến những hiện tượng văn hóa học đường xuống cấp.
"Mặc dù trong mấy năm gần đây việc triển khai cuộc vận động "xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực" có thể coi là một tiếp cận đến việc xây dựng văn hóa học đường, nhưng việc tổ chức thực hiện về cơ bản vẫn dừng lại ở một hoạt động mang tính phong trào", ông bày tỏ.
TS. Phạm Đỗ Nhật Tiến, chuyên gia giáo dục, nguyên trợ lý Bộ trưởng Bộ GD-ĐT.
Lý giải tại sao có những hiện tượng đó, TS. Phạm Đỗ Nhật Tiến phân tích: "Trên thực tế, việc xây dựng một cách có ý thức các chuẩn mực, giá trị tạo nên văn hóa nhà trường còn mang tính hình thức, chưa được thực sự coi trọng và vì vậy các văn hóa tiêu cực đang có chiều hướng loang rộng trong các nhà trường của ta.
Điều đó giải thích vì sao có những hiện tượng bất thường về nhân cách như đổi tình lấy điểm, bạo lực học đường, thậm chí cả sự chạm đáy về mất nhân cách là trò đánh thầy hoặc thuê người đánh thầy".
Theo ông, cho đến nay, nhận thức về vai trò của văn hóa học đường trong việc nâng cao chất lượng giáo dục còn khá mờ nhạt: "Ngay trong việc đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục nói chung, đổi mới chương trình giáo dục phổ thông nói riêng, khi bàn đến các nhiệm vụ và giải pháp, tuyệt nhiên không có nội dung nào liên quan đến việc xây dựng văn hóa học đường".
TS Tiến cũng tỏ ra rất ngạc nhiên khi chúng ta đề cập nhiều đến vấn đề số hóa nhưng lại chưa nói gì đến việc xây dựng văn hóa ứng xử trên không gian mạng.
"Cần từng bước tiến tới xây dựng văn hóa mạng, trước hết là văn hóa mạng trong nhà trường. Sự tràn lan các phi giá trị trên không gian mạng của Việt Nam có liên quan đến cách hành xử thiếu văn hóa của một bộ phận cư dân mạng.
Ngành giáo dục cần xác định các giá trị, chuẩn mực, niềm tin mà thầy và trò cùng chia sẻ, cùng theo đuổi trong quan hệ ứng xử với không gian mạng, hướng đến một văn hóa mạng tích cực đồng hành với văn hóa học đường", TS Tiến đề nghị.
Chú trọng văn hóa học đường trên không gian mạng
GS. Lê Anh Vinh, Phó Viện trưởng phụ trách Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam cũng cho rằng: "Học sinh ngày nay sinh ra đã tiếp cận với không gian mạng còn thầy cô giáo mới chỉ là "dân nhập cư", 2 năm học phải dạy học trực tuyến là cơ hội để rút ngắn khoảng cách giữa giáo viên và học sinh khi thầy cô đã hội nhập vào thế giới số, thế giới của thế hệ trẻ. Do vậy, việc xây dựng môi trường văn hóa học đường trên không gian mạng là vấn đề đặt ra rất cần thiết".
GS. Lê Anh Vinh, Phó Viện trưởng phụ trách Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam.
Ông chia sẻ: "Xây dựng văn hóa học đường trên môi trường không gian mạng thì dù ở trên mạng hay truyền thống thì nó vẫn giữ nguyên và sẽ phức tạp hơn. Từ bạo lực học đường, giao tiếp ứng xử sẽ đa dạng phức tạp hơn trên mạng, chúng ta cần phải có sự quan tâm đối với các vấn đề này. Thầy cô không phải là người dẫn dắt trong bối cảnh đổi mới nữa mà chính là người đồng hành, là bệ đỡ cho học sinh phát triển".
GS. Huỳnh Văn Sơn, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TPHCM, cho biết: "Việt Nam hiện có khoảng 70% dân số sử dụng mạng xã hội, đứng thứ 7 thế giới về số lượng người dùng. Do đó, văn hóa học đường chịu ảnh hưởng bởi nhiều tác động, trong đó có văn hóa của internet và văn hóa mạng".
"Việc xây dựng văn hóa học đường trong bối cảnh dạy học trực tuyến, chuyển đổi số trong giáo dục là vô cùng quan trọng, bởi đây là môi trường để dạy học và giáo dục", GS. Sơn nhấn mạnh.
Đề xuất về một số định hướng xây dựng văn hóa học đường đúng nghĩa không thể thiếu việc quản lý và xây dựng văn hóa mạng trong bối cảnh chuyển đổi số, GS Huỳnh Văn Sơn cho hay: "Cần phổ biến bằng nhiều hình thức và đánh giá hiệu quả phổ biến này để đảm bảo việc tuân thủ Luật An ninh mạng (2018), Bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội (2021) hiệu quả.
Chú ý việc bồi dưỡng cho giáo viên một cách căn bản, có tầm nhìn về việc sử dụng Internet, nhất là kỹ năng chuyển đổi số và phát triển các giá trị văn hóa học đường trên không gian mạng.
Hỗ trợ học sinh làm quen, khai thác và sử dụng internet một cách chủ động. Tăng cường chức năng giám sát của Bộ ngành có liên quan, nhất là các biện pháp quản lý hệ thống, toàn cục.
Xây dựng các chương trình hành động cụ thể gắn với các đề án hoặc đầu tư một đề án cụ thể, bài bản do Thủ tướng ra quyết định với sự tham gia và thực hiện của các Bộ ngành là vấn đề cần quan tâm".
Tồn tại rất nhiều bất cập từ "văn hóa học đường"
PGS. TS Nguyễn Xuân Đức, Nguyên Phó hiệu trưởng Đại học Vinh thì bày tỏ: "Muốn bảo vệ văn hóa học đường, chúng ta phải xử lý những vấn đề đang xâm hại đến văn hóa học đường. Một trong những xâm hại văn hóa học đường chính là bạo lực học đường".
TS. Xuân Đức chia sẻ: "Có nhiều yếu tố gây ra bạo lực học đường, nhưng muốn giảm thiểu bạo lực học đường thì giáo viên đóng vai trò quan trọng. Giáo viên là người giảng dạy về kiến thức và kỹ năng cho học sinh.
Với cách đào tạo giáo viên hiện nay khi chỉ ra rằng từ hơn chục năm trước, chương trình đào tạo giáo viên trong trường sư phạm đã bỏ đi một nội dung rất quan trọng là giúp trang bị cho giáo viên tương lai những kỹ năng, kinh nghiệm xử lý các vấn đề phát sinh liên quan như bạo lực học đường trong lớp học, trường học".
Quang cảnh Hội thảo Giáo dục Việt Nam năm 2021 với chủ đề "Văn hóa học đường trong bối cảnh đổi mới giáo dục và đào tạo".
PGS.TS Nguyễn Xuân Đức mong muốn lớn nhất chính là Bộ GD-ĐT cần phải có sự kiểm tra xem các trường học đã triển khai những kiến thức và kỹ năng bạo lực học đường như thế nào. Tiếp đó là chỉ đạo các Sở GD-ĐT tổ chức các chuyên đề bồi dưỡng kỹ năng trong nghề về bạo lực học đường cho giáo viên.
Không chỉ trăn trở về chuyện bạo lực học đường, những chuyện giao tiếp, ứng xử trong học đường cũng được các đại biểu quan tâm đề cập tại hội thảo.
GS. Trần Ngọc Thêm, Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TPHCM cho rằng: "Thực tế hiện nay, một số không nhỏ người học vẫn chỉ lo học để đối phó với thi cử, cốt để đỗ lấy bằng. Người làm quản lý giáo dục thường muốn có nhiều trò thi đỗ, điểm cao; thầy cô thường nhồi nhét kiến thức.
Hệ quả là bệnh thành tích lan tràn, học trò chịu áp lực lớn; bệnh giả dối cũng lan tràn với vấn nạn học giả bằng thật, với tệ quay cóp trong thi cử ở bậc phổ thông; việc sao chép trong làm tiểu luận, viết luận văn luận án gặp không ít...".
Văn Hiền/dantri.com.vn