“Thắp lửa” nghề báo chí trong sinh viên

Thứ 5, 25.11.2021 | 08:37:41
1,047 lượt xem

Lần đầu tiên, Viện Báo chí, Học viện Báo chí và Tuyên truyền tổ chức Giải báo chí-truyền thông Thắp sáng (Fire Up) 2020-2021 dành cho học sinh, sinh viên.

Sau gần một năm phát động, cuộc thi nhận được sự tham gia tích cực của đông đảo những người trẻ đam mê báo chí, truyền thông trên cả nước. Đã có 320 tác phẩm, sản phẩm, dự án báo chí, truyền thông có chất lượng được gửi về, khẳng định đây là một "sân chơi" nghề thiết thực, góp phần phát hiện và ươm mầm những tài năng trong lĩnh vực báo chí, truyền thông.

“Sân chơi” nghề uy tín

Với uy tín và truyền thống của một đơn vị đào tạo, nghiên cứu, tư vấn, ứng dụng phát triển báo chí truyền thống, Viện Báo chí đã có ý tưởng tạo sân chơi lành mạnh, khuyến khích sự sáng tạo của học sinh, sinh viên đam mê báo chí, truyền thông. Ý tưởng đó nhanh chóng nhận được sự đồng hành của Ban Nghiệp vụ Hội Nhà báo Việt Nam, Hội Truyền thông số Việt Nam, Hội Mỹ thuật Hà Nội, Báo Quân đội nhân dân, Đoàn Thanh niên Thông tấn xã Việt Nam, Đoàn Thanh niên Học viện Báo chí và Tuyên truyền.

“Thắp lửa” nghề báo chí trong sinh viên
Các thành viên Câu lạc bộ Báo chí – Truyền thông CJC (Viện Báo chí, Học viện Báo chí và Tuyên truyền. Ảnh: Câu lạc bộ Báo chí Truyền thông CJC 

 

Cuộc thi đã tạo nên không ít thách thức cho người tham dự khi đưa ra 4 hạng mục giải thưởng, gồm: Tác phẩm, sản phẩm báo chí đa nền tảng; Sản phẩm truyền thông; Dự án báo chí truyền thông và đáng chú ý là hạng mục Báo chí-truyền thông bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Đáp lại kỳ vọng của Ban tổ chức, dù mới chỉ là những sinh viên nhưng các tác giả đã cho thấy sự linh hoạt trong vận dụng kỹ năng, kiến thức vào thực tiễn, trong từng tác phẩm, khiến cuộc thi “nóng” ngay từ vòng sơ loại.

Bám sát các vấn đề thời sự, mang hơi thở cuộc sống, mỗi tác phẩm lại có cách thể hiện sáng tạo riêng. Nếu như tác phẩm “Tình nguyện viên trong tâm dịch: “Người ta gọi chúng tôi... ăn no rửng mỡ” đi sâu phân tích những tấm lòng cao cả nhưng rất đỗi bình dị của các tình nguyện viên trong tâm dịch Bắc Giang, thì tác phẩm “The War: Cuộc chiến giữa lá phổi và khói than tổ ong” có cách truyền tải sáng tạo thông qua hình thức mới-motion painting, tìm ra những biện pháp thay đổi để bảo vệ bản thân cũng như những người xung quanh. Dự án truyền thông Cuộc thi hùng biện Stand Up lại là thông điệp nâng cao nhận thức của học sinh, sinh viên về vấn đề quấy rối/bạo lực tình dục, hướng tới xây dựng giảng đường an toàn, văn minh, thu hút hàng trăm thí sinh dự thi từ nhiều trường đại học trên địa bàn Hà Nội. Ở hạng mục 4, tác phẩm “Cách mạng Tháng Tám năm 1945 và những bài học cho tuổi trẻ hôm nay” là sự kết hợp giữa hình ảnh tư liệu với hiện tại để rút ra nhiều bài học, kinh nghiệm quý vận dụng vào công cuộc bảo vệ và phát triển đất nước... Trải qua 3 vòng chấm, Hội đồng giám khảo đã chọn trao 16 giải, trong đó có 1 giải đặc biệt, 3 giải A, 4 giải B, 4 giải C và 4 giải ấn tượng. Tổng trị giá giải thưởng lên tới 300 triệu đồng.

Chia sẻ về cuộc thi, PGS, TS Mai Đức Ngọc, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng trường Học viện Báo chí và Tuyên truyền, cho biết: "Giải tạo cơ hội cho học sinh, sinh viên ngành báo chí, truyền thông toàn quốc được khẳng định mình. Đặc biệt, cuộc thi góp phần tạo nguồn lực sinh viên nòng cốt của học viện có năng lực truyền thông, sản xuất sản phẩm báo chí, truyền thông chính trị bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái của các thế lực thù địch". Nhận định về chất lượng sản phẩm, tác phẩm dự thi, nhà báo Lê Thọ Bình, Quyền tổng biên tập Tạp chí VietTimes, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Truyền thông số Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng chấm chung khảo Giải báo chí-truyền thông Thắp sáng (Fire Up) 2020-2021 cho biết: “Hầu hết tác phẩm dự thi đều có chất lượng cao cả về nội dung, cách thức thể hiện và sự sáng tạo, tìm tòi. Đề tài cũng hết sức đa dạng và có tính thời sự, cấp bách của cuộc sống hôm nay. Các tác phẩm cũng cho thấy sự nhận thức cao về trách nhiệm xã hội, trách nhiệm công dân trước những vấn đề liên quan đến sự tồn vong và phát triển của dân tộc. Phần lớn các tác phẩm được thể hiện dưới hình thức đa phương tiện-một hướng truyền thông rất hiện đại của truyền thông đại chúng thế giới ngày nay”.

Thúc đẩy thanh niên có trách nhiệm hơn với đất nước

Là trưởng nhóm Dự án "Học Bác lòng ta trong sáng hơn", Nguyễn Bá Khải, sinh viên năm thứ ba ngành Truyền thông đại chúng, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Truyền thông trẻ, cho biết: Nhóm có hơn 20 sản phẩm tham dự cuộc thi, trong đó 6 sản phẩm vào vòng chung khảo. Với 10 thành viên là những sinh viên nên cách tiếp cận nội dung mang phong cách hiện đại, đưa những vấn đề tưởng chừng khô khan trở nên gần gũi với giới trẻ qua các sản phẩm đa phương tiện như video clip, podcast, tọa đàm, infographic. Thông qua các chuyên mục: Thanh niên kể chuyện Bác Hồ; Điểm nhìn truyền thông trẻ; Tự hào sử Việt anh hùng; Người tốt-việc tử tế; Bài báo chính luận hay... nhóm không chỉ tạo ra một diễn đàn sôi động trên các nền tảng mạng xã hội mà còn góp phần lan tỏa, mở rộng mạng lưới thu hút 60 sinh viên thuộc 11 khoa của học viện tham gia sản xuất.  

Đại tá Đỗ Phú Thọ, Bí thư Đảng ủy, Phó tổng biên tập Báo Quân đội nhân dân, Phó trưởng ban tổ chức Giải báo chí-truyền thông Thắp sáng 2020-2021 cho rằng, sinh viên không chỉ bám sát các vấn đề thời sự của đất nước với tinh thần trách nhiệm, mà còn đưa nhiều sáng kiến, ý tưởng, giải pháp đầy chất trẻ. Đây là thành công về chất lượng tác phẩm dự thi cho đối tượng chưa phải là nhà báo chuyên nghiệp. PGS, TS Phạm Minh Sơn, Phó bí thư Đảng ủy, Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền bày tỏ mong muốn thông qua cuộc thi ý nghĩa này, sinh viên và giới trẻ cả nước có ý thức, trách nhiệm hơn với đất nước, tích cực bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, các hành vi tiêu cực trong xã hội.

THU HÀ/qdnd.vn

https://www.qdnd.vn/giao-duc-khoa-hoc/cac-van-de/thap-lua-nghe-bao-chi-trong-sinh-vien-678543

  • Từ khóa