Nhiều bạn trẻ phản ứng trước đề xuất bỏ khẩu hiệu "Tiên học lễ, hậu học văn" của GS Trần Ngọc Thêm. Bởi đây không đơn thuần là một triết lý về giáo dục mà còn là nét văn hóa tốt đẹp của dân tộc.
Trong tham luận phát biểu tại hội thảo "Văn hóa học đường trong bối cảnh đổi mới giáo dục và đào tạo" do Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội tổ chức, GS Trần Ngọc Thêm (Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia TP. HCM) nêu quan điểm: "Cần chấm dứt sử dụng khẩu hiệu "Tiên học lễ, hậu học văn" để khai mở tư duy phản biện, giải phóng sức sáng tạo…
Chừng nào còn đề cao chữ "lễ" để ràng buộc người học, còn đề cao quá mức vai trò của người thầy, của đáp án thì tư duy phản biện sẽ không thể phát triển, không thể có xã hội phát triển".
Quan điểm trên đã nhận được sự chú ý của dư luận, đặc biệt là các bạn trẻ - những người đại diện cho một thế hệ con người Việt Nam đầy năng động, sáng tạo và tư duy đổi mới.
Phần đông ý kiến cho rằng, khai mở tư duy phản biện, giải phóng sức sáng tạo trong giáo dục con người là mục tiêu tốt đẹp và cần hướng tới; song không thể vì điều này mà chấm dứt khẩu hiệu "Tiên học lễ, hậu học văn".
Bỏ "Tiên học lễ" sẽ đào tạo ra những cỗ máy vô tri
Trước quan điểm "để khai mở tư duy phản biện, giải phóng sức sáng tạo, cần chấm dứt sử dụng khẩu hiệu "Tiên học lễ, hậu học văn", bởi chữ "lễ" trong câu còn đề cao sự phục tùng, ràng buộc người học" của GS Trần Ngọc Thêm; Phạm Thùy Trang (sinh viên năm 4, Đại học Sư phạm Hà Nội) không đồng tình với quan điểm này.
Trang cho hay, "lễ" ở đây phải được hiểu theo nghĩa rộng đó là học cách làm người, biết đối nhân xử thế, trên kính dưới nhường. Hay nói cách khác, "lễ" chính là nhân cách, đạo đức của con người; hoàn toàn không phải là sự ràng buộc hay lễ nghi phong kiến.
"Tiên học lễ", nghĩa là trẻ em đến trường, trước hết phải học đạo đức, phép tắc, ứng xử, sau đó mới đến học tri thức, kỹ năng. "Lễ" là gốc rễ, nền tảng, "văn" là đỉnh cao của tri thức, trí tuệ và tài hoa. Đạo đức nâng đỡ, khiến tài năng thêm đẹp. Còn thiếu đi cái gốc của đạo đức, lễ nghĩa thì sự sáng tạo đến mấy cũng trở nên vô nghĩa.
"Dù chịu ảnh hưởng của Nho giáo, song tôi cho rằng, khẩu hiệu "Tiên học lễ, hậu học văn" không bao giờ cũ. Ở quá khứ, hiện tại hay trăm năm về sau, đây vẫn mãi là một triết lý giáo dục khoa học và nhân văn, là mục tiêu mà mọi nền giáo dục hướng đến" - Trang bày tỏ.
Đồng quan điểm, bạn trẻ Nguyễn Văn Thắng (25 tuổi, Hà Nội) chia sẻ, xét cho cùng, mục tiêu trọng tâm của ngành giáo dục vẫn là đào tạo ra một thế hệ trẻ phát triển trọn vẹn cả đạo đức lẫn tài năng. Một xã hội chỉ thật sự phát triển khi có những cá nhân có nền tảng đạo đức tốt, thấu hiểu và lan tỏa những hành vi đẹp, nhân ái và giàu tình cảm.
"Không đến mức nhất nhất cúi lạy, phục tùng trước lễ giáo khô cứng, nhưng con người nói chung, cần có chuẩn mực đạo đức và tuân theo những quy tắc nhất định.
Vấn đề đạo đức càng phải được đề cao với các em học sinh - thế hệ mầm non tương lai là chủ nhân của đất nước. Thử nghĩ, sẽ nguy hại như thế nào nếu thế hệ trẻ khi trưởng thành, chỉ có tài năng, vốn tri thức sâu rộng nhưng lại thiếu mất đạo đức lễ nghi, không biết yêu thương, san sẻ?
Đặc biệt, trước nhịp sống hiện đại hối hả, nhiều giá trị đạo đức đang dần mất đi; thì "Tiên học lễ, hậu học văn" như một phương châm giáo dục đúng đắn, kim chỉ nam định hướng cho sự phát triển xã hội, con người. Chối bỏ "Tiên học lễ, hậu học văn", chẳng khác nào chúng ta đang cổ súy cho việc đào tạo những lớp người kế cận vô tri như một cỗ máy".
Nêu quan điểm về vấn đề này, Nguyễn Phương Thảo (du học sinh tại Úc) cho hay, nếu tiếp cận với cái nhìn mở, ý của GS Trần Ngọc Thêm có thể muốn nói đến việc cần phá vỡ truyền thống để thúc đẩy giáo dục, đổi mới tư duy. Tuy nhiên, dù muốn thúc đẩy, đổi mới phát triển ra sao đi chăng nữa, cũng không thể bác bỏ, hay "sổ toẹt" những phương châm giáo dục mang tính cốt lõi của dân tộc.
"Ngày học phổ thông, tôi đã có ấn tượng rất đẹp với khẩu hiệu "Tiên học lễ, hậu học văn" được treo trang trọng, nổi bật ở nhà trường. Các thầy cô dù dạy môn khoa học hay xã hội, cũng đều nói với chúng tôi "Tiên học lễ…". Rồi câu nói này cũng trở thành cảm hứng trong các đề phân tích, cảm nhận Văn học - như một lời nhắc nhở học sinh hãy chăm lo rèn đức, luyện tài để sau này trở thành công dân có ích.
Sang Úc du học 3 năm, tôi luôn trân trọng khẩu hiệu "Tiên học lễ, hậu học văn", đồng thời đem ý nghĩa của câu nói này đến với bạn bè quốc tế và nhận được sự tôn trọng, khen ngợi về hàm nghĩa sâu xa. Đây không đơn thuần là một triết lý giáo dục, mà nó còn là nét văn hóa, truyền thống của Việt Nam".
Phương Thảo cũng chỉ ra, hiện nay, nhiều hiện tượng cho thấy giáo dục đạo đức trong nhà trường đang bị buông lỏng, một bộ phận học sinh sa sút về văn hóa ứng xử, lối sống, mối quan hệ giữa học sinh và giáo viên có những mâu thuẫn, bất cập. Trước thực tiễn đáng buồn này, yêu cầu, mục tiêu "Tiên học lễ" càng cần được chú trọng, đề cao.
"Tôi và rất nhiều thế hệ con người khác, đã cảm thấy quen thuộc và thấm nhuần triết lý này. Nếu giờ vì lý do đổi mới giáo dục mà chấm dứt "Tiên học lễ, hậu học văn", tôi nghĩ sẽ xảy ra một cú "sốc văn hóa" vì nhiều thế hệ mất đi phương châm, giá trị sống đúng đắn trong cuộc đời".
Câu "Tiên học lễ, hậu học văn" không có lỗi
Trao đổi với Dân Trí, bạn trẻ Lam Chi (nhân viên truyền thông tại một công ty tư vấn giáo dục) cho biết, bản thân rất đồng tình với mục tiêu "khai mở tư duy phản biện, giải phóng sức sáng tạo trong giáo dục" mà GS Trần Ngọc Thêm đặt ra.
Cùng với sự phát triển như vũ bão của khoa học kỹ thuật, việc thúc đẩy, khuyến khích tư duy sáng tạo, phản biện của học sinh, sinh viên để thích ứng với thời đại kỷ nguyên số là điều cần thiết. Đây là mục tiêu mà tất cả các nước đều hướng tới, trong đó có Việt Nam.
Tuy nhiên, Lam Chi bày tỏ, quan điểm "Chấm dứt sử dụng khẩu hiệu "Tiên học lễ, hậu học văn" để khai phóng tư duy" thì không đúng bản chất vấn đề. Nếu áp suy nghĩ "lễ" là lễ giáo, phục tùng thì đây là sự ràng buộc. Nhưng nếu hiểu chữ "lễ" theo nghĩa chỉ đức hạnh, nhân cách của con người, thì yếu tố này với sự năng động, sáng tạo của mỗi cá nhân không hề mâu thuẫn, ngược lại còn hỗ trợ, bổ sung, giúp con người trở nên hoàn thiện hơn.
"Tư duy phản biện, sáng tạo có cao đến đâu cũng phải dựa trên yếu tố đạo đức. Tôi lấy ví dụ, một ý kiến tranh luận, hay một công trình sáng tạo, dù độc đáo đến đâu, mà không hướng đến giá trị nhân văn thuần túy, không tôn trọng phép tắc, không trên kính dưới nhường… thì thử hỏi có được ca ngợi, đề cao? Xa rời giá trị đạo đức, tư duy sáng tạo, phản biện sẽ đi theo chiều hướng tiêu cực".
Cũng theo bạn trẻ này, khẩu hiệu "Tiên học lễ, hậu học văn" không có lỗi. Đây mãi là phương châm giáo dục đúng và phù hợp muôn đời. Để hướng tới sự đổi mới, khai phóng tư duy, thay vì "chặt bỏ" đi một giá trị truyền thống, cần chú trọng thay đổi chương trình và cách thức giáo dục trong mỗi nhà trường.
Theo đó, cần bỏ tư duy văn mẫu, thầy đọc trò chép, thay vào đó, giáo viên hãy tạo điều kiện để học sinh "làm chủ cuộc chơi", từ đó giúp phát huy năng lực, tăng cường tư duy phản biện.
Trong quá trình phản biện, người thầy cũng cần tôn trọng, cởi mở trước ý kiến của học sinh. Tất nhiên, điều này cũng cần được xây dựng dựa trên tinh thần "kính thầy, mến bạn" đến từ người học.
Kiều Phương/dantri.com.vn