Đi học trở lại sau hơn nửa năm đóng cửa trường vì dịch, hai trường ở Hà Nội lập tức đóng cửa trường vì có F0. Nhiều người phải thốt lên: Vậy mở cửa trường để làm gì?
"Đừng mơ" không có F0 ở trường học
Hà Nội, TPHCM và hàng loạt tỉnh thành cho học sinh đi học lại sau nhiều tháng trời đóng cửa trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 phức tạp với các ca nhiễm, ca tử vong đều có xu hướng tăng.
Trong chương trình tư vấn về việc trường học mở cửa trở lại trong nỗi lo F0 mới đây, chuyên gia truyền nhiễm, bác sĩ Trương Hữu Khanh (Bệnh viện Nhi đồng 1) nhấn mạnh: "Việc mở lại trường học, đừng mơ không có F0. Muốn không có F0 chỉ có cách đừng lấy mẫu xét nghiệm".
Trường THCS Tri Thủy, Phú Xuyên, Hà Nội chuyển qua học trực tuyến vì phát hiện một học sinh F0 (Ảnh website nhà trường).
Đó là một thực tế trong bối cảnh hiện nay. Vậy nhưng, khi có một ca F0, trường học lại rối rít đóng cửa, phong tỏa, cách ly thì cần phải trả lời một cách rõ ràng: Vậy mở cửa trường để làm gì? Khi điều này gây xáo trộn, tác động tác động đến tâm lý học sinh, giáo viên và cả gia đình.
Bác sĩ Trương Hữu Khanh cho biết, ông không lo việc trẻ nhiễm bệnh khi đi học lại, đây là điều không thể tránh. Nhưng điều lo nhất là khi có F0, các trường rối lên phong tỏa, cách ly này kia... tác động rất nguy hiểm đến trẻ.
Nỗi lo này hiện hữu khi Hà Nội đưa ra hướng dẫn, khi phát hiện F0 trong trường, toàn bộ trường sẽ tạm thời phong tỏa, lớp nào ở yên lớp đó. Giáo viên, người lao động, học sinh ở lại trường trong khi chờ kết quả xét nghiệm.
Dễ hiểu khi quy định này kéo theo nhiều phản ứng từ phụ huynh, giáo viên. Vì con trẻ, giáo viên không khỏi hoang mang khi thể rơi vào tình cảnh bị cảnh bị phong tỏa, cách ly bất cứ lúc nào.
Mới đây, hai trường ở Hà Nội lập tức đóng cửa trường, cho học sinh quay lại học trực tuyến như nhiều tháng qua vì có học sinh F0.
Cần quan tâm đến tâm lý đi học lại của trẻ
Bà Nguyễn Thúy Uyên Phương, Chủ tịch Hội đồng Trường Mầm non Tiểu học ICS chia sẻ, việc mở lại trường học không phải cứ lên tra chìa khóa mở - đóng cổng trường là xong mà kéo theo nhiều vấn đề, nhiều việc phải lo.
Trường học ở TPHCM làm vệ sinh, khử khuẩn chuẩn bị đón học sinh quay lại học trực tiếp từ ngày 13/12 (Ảnh: HĐ).
Qua quan sát, bà Uyên Phương thấy các quyết sách lớn về giáo dục trong 2 năm dịch bệnh dường như chỉ bàn về quy trình, tiêu chuẩn... Trong khi, rất ít bàn đến chuyện chuẩn bị tâm lý học sinh hay văn hóa trường học thế nào trước những thay đổi lớn.
"Ngoài nguy cơ nhiễm bệnh, trẻ quay lại trường còn rất nhiều vấn đề khác cần quan tâm. Liệu trường học có dạy cho con được một thái độ bình tĩnh, vững vàng cần có trước các biến cố có thể phát sinh khi đi học lại?", bà Phương băn khoăn.
Cũng là một người mẹ, nhà giáo dục này cho rằng, bà không muốn con mình đến lớp để rồi lại sợ hãi hoang mang khi nghe một bạn nào đó F0. Cũng không muốn con đang học thì cả lớp đột ngột giải tán đi về không một lời giải thích. Càng không muốn con sống trong bầu không khí kỳ thị, xa lánh những bạn chẳng may là F0.
Khi trẻ đi học lại, trẻ cần được biết rõ những gì đón đợi con ở trường trong trạng thái "bình thường mới", và con cần biết cách ứng xử với trong tâm thế được chuẩn bị, bình tĩnh, tích cực
Theo bác sĩ Trương Hữu Khanh, rất cần có một kịch bản cụ thể cho các quy trình hoạt động ở trường. Đặc biệt, kịch bản quan trọng nhất không phải là có F0 mà là khi có F0 thì cần làm gì để việc đi học của trẻ, tâm lý của trẻ không bị xáo trộn quá nhiều.
Mở cửa rồi lại đóng cửa trường khi có F0 tác động nguy hiểm đến sức khỏe tinh thần của trẻ (Ảnh minh họa: NQ).
Điều cần quan tâm không phải là đứa trẻ F0 sẽ thế nào mà là tinh thần của học sinh còn lại, của phụ huynh, của giáo viên cho đến anh bảo vệ... Tất cả những người liên quan cần hiểu được quy trình, được chuẩn bị về tâm lý để tránh hoảng loạn.
Bác sĩ Trương Hữu Khanh bày tỏ, ông mong đợi hướng dẫn cụ thể cho việc mở cửa trường học nhưng chưa thấy... "cái nào làm tới nơi tới chốn". Trường học rất cần được hướng dẫn, thậm chí cần được diễn tập để tránh rối tung lên.
Hoài Nam/dantri.com.vn