Chuyển từ học trực tuyến sang trực tiếp, học sinh cần được trang bị kỹ năng thích nghi với các môi trường học tập khác nhau
Từ ngày 13-12, học sinh (HS) khối lớp 9 và 12 tại TP HCM sẽ trở lại trường học tập trực tiếp. Học trực tiếp không phải là thay đổi nội dung học tập, chỉ là thay đổi hình thức học tập. Trong giai đoạn này, HS và phụ huynh cũng cần chuẩn bị tình huống, trong trường hợp bất khả kháng, bất kể lúc nào HS cũng sẵn sàng quay lại môi trường học tập trực tuyến mà không cảm thấy bị sốc.
Không thay đổi nội dung học tập
Những ngày này, giáo viên (GV) và HS nhiều trường phổ thông tại TP HCM dù còn ít nhiều băn khoăn nhưng tâm trạng chung đều náo nức đón chờ ngày quay trở lại trường học. Trung tâm GDTX Chu Văn An có 288/289 phụ huynh lớp 12 đồng ý cho con trở lại trường. Tại nhiều trường phổ thông khác, tỉ lệ phụ huynh lớp 9 và 12 đồng ý cho HS trở lại trường cũng rất cao, thể hiện sự mong muốn, tin tưởng của phụ huynh khi con được trở lại trường học.
Có thể nói môi trường học tập trực tiếp có những yếu tố mà dù các hình thức dạy học khác có hiện đại thế nào cũng không thể thay thế được, đó là thầy cô, học trò giao tiếp với nhau bằng cảm xúc, bằng hành động trực tiếp chứ không phải qua màn hình chiếc máy tính, điện thoại. Cách đây một tháng, nhà trường đã thông báo HS chuẩn bị tinh thần cho ngày trở lại trường. Từ lúc đó, ngoài học tập trực tuyến như bình thường, các HS được sinh hoạt thêm những kỹ năng để chuẩn bị hội nhập trở lại. Ngoài các kỹ năng cơ bản trong phòng chống dịch như rửa tay, sát khuẩn, 5K, cách tự bảo vệ bản thân và hướng dẫn người thân trong gia đình…, các em cũng được hướng dẫn nếu gặp tình huống bất khả kháng như HS mắc Covid-19 thì thế nào. Nhà trường chủ trương hướng dẫn HS có kỹ năng ứng phó với các tình huống phát sinh để các em không cảm thấy bị sốc.
Khi dạy học trực tiếp, lãnh đạo các đơn vị được quyền chủ động phân bổ thời gian phù hợp để làm sao vừa hiệu quả vừa bảo đảm an toàn cho HS. Chính vì vậy, trung tâm không chủ trương "xóa bỏ" thời lượng trực tuyến ở khối 12 mà vẫn chỉ sắp xếp 50% số tiết trực tuyến và 50% trực tiếp.
Có thể nhiều phụ huynh và HS còn nhầm tưởng học trực tiếp là học một chương trình khác, tuy nhiên khi HS trở lại trường chỉ là thay đổi hình thức dạy học, không thay đổi nội dung học tập.
Học sinh lớp 9 Trường THCS Nguyễn Văn Phú (quận 11, TP HCM) trở lại trường sau dịch hồi tháng 5-2020. (Ảnh: TẤN THẠNH)
Không học dồn, học ép
Khối lớp 9 và 12 ở độ tuổi đã có thể chủ động, tuy nhiên các em đã trải qua giai đoạn nghỉ hè và học trực tuyến khá dài; có thể nhiều HS chưa chuẩn bị tinh thần trở lại trường. Vì vậy, trong thời gian này, các trường không nên tổ chức học dồn, học ép, sẽ khiến HS cảm thấy quá tải và ngại ngần đến trường. Các thầy, cô chỉ nên xây dựng những tiết học nhẹ nhàng, hình thành lại thói quen học tập trực tiếp cho các em, đây không phải là giai đoạn "nhồi nhét" kiến thức để chạy đua chương trình và thi cử. Hiện nay, một số trường có vẻ đang bị áp lực bởi việc thi cuối cấp của HS mà bố trí thời gian học trực tiếp hơi quá đà. Điều này vô hình trung phủ nhận vai trò của học trực tuyến. Trong khi hiện nay, dù mở cửa nhưng nhiều trường học tại các quốc gia trên thế giới vẫn duy trì thời lượng học trực tuyến nhất định để tạo thói quen cho HS, tận dụng những lợi thế của hình thức học tập này.
Trong giai đoạn học trực tuyến, nhiều HS được làm chủ điện thoại, máy tính, một số em sẽ sa đà vào các trò chơi game online hoặc mạng xã hội. Trong quá trình học, GV cũng cần tinh tế quan sát các biểu hiện của HS, phối hợp với gia đình quan tâm các em, kịp thời chấn chỉnh các thói quen có hại. Trong cơn đại dịch vừa qua, không ít HS khi trở lại trường với nhiều mất mát và khó khăn, hơn ai hết, những em này ngoài được dạy kiến thức, còn cần được an ủi về tinh thần từ thầy cô, bè bạn, các em cần môi trường học tập trực tiếp thoải mái và nhân văn.
Khi dạy học trực tiếp, quan trọng nhất là HS cần được chuẩn bị tinh thần và kỹ năng ứng xử với các tình huống bất khả kháng, đó là tình huống có thể phải quay lại môi trường học tập trực tuyến bất cứ lúc nào. Việc chuẩn bị các tình huống đó để cả GV và HS không bị động, không bỡ ngỡ. Ngay cả khi kiểm tra cuối kỳ I sắp tới đây, nếu trong quá trình đang thi nhưng gặp tình huống phát sinh, HS có thể chuyển sang thi trực tuyến mà vẫn bảo đảm các yêu cầu đề ra.
Theo nld.com.vn
https://nld.com.vn/giao-duc-khoa-hoc/de-hoc-sinh-khong-soc-khi-hoc-truc-tiep-20211211195834135.htm