"Các trường thí điểm tự chủ hiện đang đứng chơi vơi, băn khoăn không biết tiếp tục tiến tới hay dừng lại và lùi".
Tiến sĩ Nguyễn Hữu Cương, Quyền trưởng phòng bảo đảm chất lượng, Trường đại học Văn Lang; nguyên Phó trưởng phòng khảo thí và kiểm định chất lượng Trường đại học Tôn Đức Thắng chia sẻ như vậy khi nói về vấn đề tự chủ đại học.
Tiến sĩ Nguyễn Hữu Cương.
Tiến sĩ Nguyễn Hữu Cương cho biết: Trước đây tôi công tác tại Trường Đại học Tôn Đức Thắng, một trong những cơ sở giáo dục đại học được Chính phủ cho thí điểm tự chủ đại học. Có thể thấy chính nhờ cơ chế tự chủ này mà Trường đã có những sự phát triển phải nói là thần kỳ, từ một trường đại học bán công hầu như không có tên tuổi trong những năm 2000, trường đã xếp thứ 2 trong những trường đại học tốt nhất Việt Nam năm 2017 và lọt Top 500 trường đại học xuất sắc nhất thế giới năm 2020.
Thành công của ĐH Tôn Đức Thắng là nhờ Quyết định số 158/QĐ-TTg ngày 29/01/2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động của Trường Đại học Tôn Đức Thắng giai đoạn 2015 - 2017 nêu rõ: Trường chủ động huy động, sử dụng hợp lý, hiệu quả nhất các nguồn lực của Trường và xã hội (không sử dụng vốn ngân sách nhà nước) để phát triển Trường Đại học Tôn Đức Thắng thành một trường đại học định hướng nghiên cứu có chất lượng ở trong khu vực và trên thế giới; đồng thời bảo đảm các đối tượng chính sách, đối tượng thuộc hộ nghèo có cơ hội tiếp cận các chương trình đào tạo của Trường.
Cũng trong Quyết định này, có nêu mục tiêu cụ thể là: "Thực hiện cơ chế thí điểm tự chủ, tự chịu trách nhiệm toàn diện trên cơ sở thực trạng hoạt động của Trường trong thời gian qua nhằm tăng cường sự chủ động, nâng cao hiệu quả trên tất cả các mặt đào tạo, nghiên cứu, hợp tác quốc tế, tài chính và nhân sự cho Trường".
TS Cương cho rằng, những nội dung thí điểm ngoài luật này là thuận lợi quan trọng nhất của cơ chế tự chủ đại học mà Chính phủ đã trao cho Trường Đại học Tôn Đức Thắng. Chính việc phải tự chịu trách nhiệm toàn diện, sự chủ động của lãnh đạo Nhà trường; cũng như việc được tiếp tục duy trì cơ chế trường công, nhưng thu chi và quản lý như trường tư... trong giai đoạn này đã giúp Trường thoát khỏi hoàn toàn cách quản lý hành chính trường học; từ đó nâng cao hiệu quả trên tất cả các mặt đào tạo, nghiên cứu, hợp tác quốc tế, tài chính và nhân sự của Trường.
Tuy nhiên, điểm hạn chế của hoạt động thí điểm tự chủ đại học trong 7 năm qua (cuối năm 2014 đến cuối 2021) cũng đã bộc lộ đầy đủ; là hoạt động này chưa được tổng kết, đánh giá một cách khách quan, chính xác, toàn diện để ghi nhận những kết quả đạt được cũng như những vướng mắc, khó khăn mà các trường thực hiện thí điểm đã và đang gặp phải để từ đó có hướng giải quyết phù hợp. Chính vì thế, các trường thí điểm tự chủ hiện đang đứng chơi vơi, không biết tiếp tục tiến tới hay dừng lại và lùi.
"Hoạt động thí điểm tự chủ đại học đến thời điểm này gần như rơi vào tình cảnh giống nhiều hoạt động thí điểm đột phá khác. Lúc thì nóng, lúc thì lạnh" - TS Cương nhấn mạnh.
Luật chồng chéo, thiếu đồng bộ là điểm nghẽn của tự chủ đại học
Vậy đâu là điểm nghẽn lớn nhất khiến hoạt động thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động của các trường đại học công lập (thí điểm tự chủ đại học) thưa ông?
- Nghị quyết 77/NQ-CP ngày 24/10/2014 của Chính phủ về thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động đối với các cơ sở giáo dục đại học công lập giai đoạn 2014 - 2017 có nhiều điểm đột phá so với luật lệ hiện hành. Các trường thực hiện thí điểm tự chủ đã được giao nhiều quyền hơn để thực hiện nhiệm vụ đào tạo, nghiên cứu khoa học, tổ chức bộ máy, nhân sự và tài chính.
Tuy nhiên, hành lang pháp lý cho việc thực thi quyền tự chủ của các cơ sở giáo dục đại học chưa đồng bộ và còn có nhiều bất cập khiến các trường vẫn chưa có điều kiện để thực thi đầy đủ quyền tự chủ. Vì thế, ít có lãnh đạo trường tự chủ nào có sự vững tâm để đột phá, dám suy nghĩ táo bạo cho các chính sách mới và triển khai ở đơn vị mình.
Trong khi Nghị quyết thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động vẫn còn nguyên hiệu lực và được kéo dài bởi Nghị quyết 117/NQ-CP, thì vẫn tiếp tục có nhiều văn bản pháp quy khác ban hành, có nội dung ngược và/hoặc mâu thuẫn với nội dung của nghị quyết thí điểm khiến trường thí điểm tự chủ không biết đường nào mà lần. Từ đó, cách an toàn nhất là từ bỏ nội dung thí điểm để thực hiện theo nội dung của các văn bản mới.
Đó là lý do giải thích vì sao có 23 trường thí điểm, nhưng chỉ có 1 hoặc 2 trường thành công lớn; những trường khác đều có chuyển biến tốt, nhưng không được như kỳ vọng của mọi người.
Hiện trạng rõ ràng nhất là sự chồng chéo, thiếu đồng bộ trong hệ thống văn bản pháp luật. Trường đại học nói chung vận hành theo quy định Luật Giáo dục đại học (đã được sửa đổi) vì đây là luật chuyên ngành nhưng vẫn chịu sự tác động và ràng buộc của một số luật khác như Luật Khoa học và Công nghệ, Luật Đấu thầu, Luật Đầu tư công, Luật Xây dựng, Luật Đất đai, Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Viên chức và các luật về thuế, tài chính… .
Vấn đề là nếu có nội dung khác biệt chứ chưa nói mâu thuẫn giữa luật chuyên ngành với các luật chung này (và quan trọng hơn, sự khác biệt hoặc mâu thuẫn giữa luật thí điểm tự chủ với các luật này) thì cơ sở giáo dục thí điểm đổi mới hoạt động theo luật riêng của Chính phủ và quyết định của Thủ tướng có được ưu tiên áp dụng Luật chuyên ngành và luật riêng này hay không?! thì đến nay vẫn không một văn bản nào hướng dẫn/giải thích sẽ làm như thế nào!. Từ đó, có luật thí điểm mà cũng như không có. Các trường tự chủ vẫn không dám làm.
Theo tôi biết, các cơ quan của Quốc hội như Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng, Chính phủ như Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã thấy vấn đề này và đã kiến nghị Quốc hội quan tâm sửa đổi, bổ sung các luật để hoàn thiện hệ thống văn bản luật đồng bộ cho tự chủ đại học. Tôi cho rằng điều này xác đáng và là giải pháp cốt lõi.
Tự chủ hoàn toàn mới có nhiều đại học vào top thế giới
Bộ Giáo dục và Đào tạo sắp tổ chức hội nghị sơ kết việc thực hiện nghị quyết thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động của các đại học công lập. Ông có ý kiến gì không?
- Sau 3 năm thực hiện Nghị quyết số 77/NQ-CP; ngày 24/10/2014, tháng 10 năm 2017, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức Hội nghị tổng kết thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động đối với các cơ sở giáo dục đại học công lập.
Trong Hội nghị này, ngoài việc đánh giá những kết quả tích cực, các nhà khoa học tham dự Hội nghị cũng đã chỉ ra những vướng mắc, khó khăn, đặc biệt là sự thiếu đồng bộ trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật đối với việc tự chủ đại học. Tuy nhiên, những vướng mắc này đã không được tháo gỡ hoàn toàn. Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật giáo dục đại học được ban hành năm sau đó cũng chỉ giải quyết được một số vướng mắc.
Điều quan trọng hơn là hoạt động thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động của các đại học công lập trong 7 năm qua đã chứng minh rằng thí điểm tự chủ là đúng đắn. Tất cả các trường đại học công lập có quyết định thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động đều tiến lên, đều có sự tăng trưởng nhiều hoặc ít. Chỉ có thí điểm tự chủ và tiến tới tự chủ chính thức, hoàn toàn thì các đại học mới có thể phát triển được; đất nước mới có nhiều đại học hơn vào TOP 500, 200 và 100 của thế giới.
Một khi đã nhất trí với nhau việc này, thì như trên tôi đã nói, vấn đề cốt lõi nhất mà Hội nghị cần đặt ra là làm sao hoàn thiện nhanh hệ thống văn bản pháp luật đồng bộ theo thực tế thí điểm thành công, để giúp cho hoạt động thí điểm tự chủ đại học tiếp tục tiến lên.
Ngoài ra, việc bỏ cơ quan chủ quản để trao quyền cho Hội đồng trường và vai trò thực hiện quyền lực của Hội đồng trường cũng cần được đặt ra.
Xin trân trọng cám ơn ông!
Nhật Hồng/dantri.com.vn