Vụ việc học sinh 12 tuổi nhảy từ tầng 22 do áp lực học tập khiến dư luận không khỏi xót xa và làm cảnh tỉnh nhiều phụ huynh phải nhìn lại việc học của con mình.
Rất nhiều phụ huynh không quan tâm đến tâm lý của con, chỉ muốn áp đặt, mệnh lệnh và buộc con cái phải tuân theo.
Cảnh tỉnh cho phụ huynh
Vừa qua, bé trai T.T.D. (12 tuổi, gia đình ở tại tầng 22, tòa nhà S4, chung cư Goldmark City, Bắc Từ Liêm, Hà Nội), rơi từ tầng cao chung cư xuống đất tử vong. Trong biên bản tử vong ngoại viện của Trung tâm cấp cứu 115 ghi theo lời khai nhận của gia đình, do áp lực việc học hành, làm bài thi không tốt nên em D. đã bất ngờ nhảy từ tầng 22 xuống đất.
Sự việc này khiến dư luận không khỏi xót xa và làm cảnh tỉnh nhiều phụ huynh phải nhìn lại việc học của con mình.
Thành tích học tập của con là điều mà phụ huynh nào cũng kỳ vọng, mong muốn con mình học giỏi, để sau này thành đạt, có địa vị trong xã hội. Nhưng việc mong muốn và thực thi mong muốn của phụ huynh không có nghĩa là con cái của họ có đủ sức khỏe, trí tuệ để làm việc đó.
Nhiều gia đình có điều kiện kinh tế, không muốn con cái sau này phải làm ra tiền nhưng vẫn bắt con học, bắt con chạy theo thành tích vì lòng ích kỷ, ganh đua giữa các phụ huynh với nhau hoặc sợ con cái có thời gian rảnh sẽ sa đà vào những trò chơi vô bổ hoặc bị bạn bè xấu rủ rê bỏ học…
Rất nhiều phụ huynh không quan tâm đến tâm lý của con, chỉ muốn áp đặt, mệnh lệnh và buộc con cái phải tuân theo. Học sinh có quyền vui chơi, giải trí sau những giờ học căng thẳng để giải tỏa tâm lý, áp lực.
Tuy nhiên, nhiều học sinh khi tan trường thì bị phụ huynh đưa đến những "lò" học thêm. Đối với học sinh cuối cấp thì áp lực học thêm lại càng lớn, vì mong muốn của nhiều phụ huynh là con mình phải vào trường chuyên, trường điểm hoặc trường công lập.
Trong nhiều trường hợp, học là tiền để một người có thể thành công trong cuộc sống, nhất là thời đại công nghệ 4.0 hiện nay, khi mà khoa học là ưu tiên hàng đầu của sự phát triển. Nguồn nhân lực phải giỏi mới đáp ứng được nhu cầu của sự phát triển.
Nhưng, để một con người có thể thành công trong sự nghiệp thì niềm đam mê, ước muốn của cá nhân sẽ thúc đẩy sự thành công đó và đôi khi học hành trong một số trường hợp chưa chắc đã làm nên sự thành công.
Phải để trẻ hòa nhập cộng đồng, trải nghiệm cuộc sống
Nhiều doanh nhân thành đạt, nhiều nông dân giỏi, nhiều họa sĩ, ca sĩ, nhà thiết kế,…được xã hội tôn vinh. Nhưng trong số những người thành đạt này, nhiều người phải bỏ dỡ việc học để chạy theo niềm đam mê, sở thích, sở trường, năng khiếu riêng của mình và chỉ có họ mới có thể theo đuổi nó và đạt tới sự thành công.
Nói điều này, để các phụ huynh của chúng ta hiểu rằng, một học sinh để có kiến thức, nhân cách, ứng xử, sức khỏe…thì việc học trên ghế nhà trường là chưa đủ. Nhồi nhét kiến thức văn hóa, nhưng khả năng ứng xử kém, sức khỏe giảm sút do ít vận động, không biết bơi để phòng tránh đuối nước, không biết phân biệt điều tốt - xấu hoặc nhận biết các tệ nạn xã hội để né tránh...
Muốn học sinh phát triển toàn diện phải để cho các em hòa nhập với cộng đồng, được trải nghiệm cuộc sống, được học tập những kỹ năng sống, biết phân biệt người tốt, kẻ xấu để ứng xử cho phù hợp…
Đồng thời, phụ huynh phải thường xuyên giám sát, để giúp con nhận biết điều hay, lẽ phải, phòng tránh các tệ nạn xã hội, dạy con biết thụ hưởng những thành quả do lao động mà có và phải biết chấp nhận những thất bại, cay đắng của cuộc sống để cố gắng vươn lên…
Nếu phụ huynh ép con học quá nhiều sẽ làm đầu óc căng thẳng, có thể gây rối loạn tâm lý, trầm cảm hoặc đôi khi sẽ tìm đến cái chết để giải thoát như sự việc đáng tiếc nêu trên.
Cơ quan quan lý giáo dục cần thường xuyên thanh tra, kiểm tra chương trình dạy và học trong nhà trường, xử lý nghiêm những trường chạy theo thành tích, tự ý đề ra nội dung dạy học ngoài chương trình, nhất là kiểm soát tình trạng dạy thêm, học thêm…, nhằm giảm áp lực học tập đối với các học sinh hiện nay.
Đỗ Văn Nhân/dantri.com.vn