Thiết kế website, lập trình phần mềm, viết app (ứng dụng) cho điện thoại di động đang là nghề mà nhiều người trẻ yêu thích vì tính chất công việc tự do mà thu nhập cao.
Thu nhập cao mà nhu cầu nhân sự lớn
Theo thạc sĩ Võ Công Trí, Giám đốc Tuyển sinh - Truyền thông trường Cao đẳng Bách khoa Sài Gòn (BKC), ứng dụng phần mềm là ngành học hệ cao đẳng đào tạo kỹ sư sử dụng máy tính và các phần mềm máy tính để phân phối, xử lý dữ liệu, trao đổi, lưu trữ thông tin dưới nhiều hình thức khác nhau.
Đây là ngành học thuộc lĩnh vực công nghệ thông tin nhưng chuyên sâu về các ngôn ngữ lập trình, thiết kế website, lập trình phần mềm, viết app… Ở hệ trung cấp, ngành này còn có tên gọi là tin học ứng dụng.
Hiểu đơn giản thì trong cuộc sống hiện đại, con người đang sử dụng phần mềm, app rất phổ biến. Những thứ rất quen thuộc với chúng ta như các chương trình văn phòng (Word, Excel, Powerpoint…), hay trình duyệt (Chrome, Firefox,…), hoặc ứng dụng Facebook, Zalo… đều là các phần mềm, app do các kỹ sư phần mềm "viết" ra.
Theo thạc sĩ Võ Công Trí, ứng dụng phần mềm là ngành hiện đang có nhu cầu nhân sự rất lớn và thu nhập cao. Sinh viên cao đẳng mới ra trường có thể tìm được công việc mức thu nhập 10-15 triệu đồng… Khi kinh nghiệm nhiều thì mức lương sẽ vượt ngưỡng 20 triệu đồng. Đó là chưa kể đến cơ hội thăng tiến khi làm việc trong các tập đoàn lớn hoặc làm việc tự do, khởi nghiệp.
Rất nhiều bạn trẻ theo học ngành ứng dụng phần mềm (Ảnh: BKC).
Theo báo cáo quý III/2021 của Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực TPHCM, nhu cầu nhân sự ngành công nghệ thông tin trong những tháng "đỉnh dịch" hầu như không ảnh hưởng gì. Ngành này vẫn chiếm gần 8% tổng nhu cầu nhân lực của thành phố.
Ông Trần Anh Tuấn, Phó chủ tịch Hội Giáo dục nghề nghiệp TPHCM (GDNN TPHCM) cho rằng, ngành công nghệ thông tin nói chung là ngành chủ lực của TPHCM và luôn trong tình trạng thiếu nhân lực.
Theo Phó chủ tịch Hội GDNN TPHCM, định hướng kinh tế kỹ thuật số là mũi nhọn của TPHCM đã thúc đẩy ngành công nghệ thông tin phát triển rất mạnh mẽ, nhu cầu nhân sự tăng hàng năm với tốc độ rất cao ở tất cả các trình độ nghề, từ trung cấp đến sau đại học.
Nhiều vị trí việc làm khi ra trường
Theo thạc sĩ Võ Công Trí, Giám đốc Tuyển sinh - Truyền thông BKC, ở hệ cao đẳng, sinh viên ngành Ứng dụng phần mềm được học nhiều môn chuyên ngành như tin học văn phòng, cấu trúc máy tính, mạng máy tính, lập trình cơ bản, cấu trúc dữ liệu và giải thuật, lắp ráp và bảo trì máy tính…
Ngoài ra, sinh viên còn học kiến thức chuyên sâu về ngôn ngữ lập trình, hệ điều hành Windows, quản trị cơ sở dữ liệu, thiết kế và quản trị website, đồ họa ứng dụng…
Ở hệ trung cấp, học viên được học những kỹ năng cơ bản hơn hệ cao đẳng (Ảnh: Trung cấp Nguyễn Tất Thành).
Còn ở hệ trung cấp, học viên được học những kiến thức nền tảng nhưng ít kỹ năng hơn, chủ yếu có thể tham gia công việc ở các công ty phần mềm như một nhân viên kỹ thuật, hỗ trợ. Nếu muốn thành công, học viên trung cấp cần đào sâu tự học những mảng công việc cụ thể mà mình yêu thích, giỏi nghề.
Theo ông Mai Hoàng Lộc, Trưởng khoa Công nghệ thông tin - Tự động hóa trường Trung cấp Nguyễn Tất Thành, học viên trung cấp ngành Tin học ứng dụng được học các nguyên lý lập trình căn bản, kỹ thuật xử lý ảnh, cấu trúc dữ liệu và giải thuật để giải quyết các bài toán lập trình.
Ngoài ra, học viên còn được dạy những khái niệm cơ bản về kiến trúc máy tính và hệ điều hành máy tính; Nguyên lý, cách làm việc, phân tích thiết kế và chi tiết về một số hệ điều hành thông dụng hiện nay; Kiến thức về thiết kế hệ thống thông tin, hệ thống mạng máy tính, thiết kế Web, xử lý số liệu thống kê…
Theo thạc sĩ Võ Công Trí, sau khi ra trường, sinh viên ngành này có thể làm nhiều vị trí công việc như lập trình viên phần mềm máy tính, ứng dụng điện thoại; Chuyên viên thiết kế, quản lý dữ liệu, quản trị mạng; Chuyên viên điều phối các dự án công nghệ thông tin…
Những tố chất cần thiết để theo học ngành Ứng dụng phần mềm (Ảnh: Tùng Nguyên).
Tùng Nguyên/dantri.com.vn