Quốc Dũng xuất sắc là thủ khoa khối A đại học Lâm Nghiệp Việt Nam, tốt nghiệp Đại học với GPA 3.87/4, giành học bổng thạc sĩ toàn phần Erasmus Mundus có tình yêu lớn với rừng.
Phan Quốc Dũng (26 tuổi) hiện đang là cán bộ của một dự án do Liên minh Châu Âu tài trợ, với mục tiêu phát triển chuỗi giá trị toàn diện và bền vững cây tre tại Việt Nam.
Tình yêu với rừng
Trở lại Việt Nam sau 2 năm du học Quốc Dũng đã lựa chọn là một cán bộ hiện trường, công việc gắn liền với những chuyến công tác dài ngày lên các huyện vùng núi nên Dũng vẫn được mọi người gọi đùa là chàng trai thôn bản.
Tại Việt Nam ngành "Lâm nghiệp" vẫn còn là một công việc khá mới mẻ với giới trẻ. Nhưng Dũng đã chọn một lối đi riêng, bản sắc riêng cho mình trong "Nghề rừng".
Dũng chia sẻ thêm về Tình yêu của mình đối với "Rừng": "Từ nhỏ, mình đã may mắn có những tương tác đầu đời với những cánh rừng, với màu xanh của cây cối cùng tiếng chim hót và muông thú. Giữa khung cảnh rộng lớn và hùng vĩ ấy, tự nhiên có một cảm giác vừa thoải mái vừa hào hứng.
Và cảm giác đó đã theo mình, âm ỉ trong tiềm thức khiến quá trình trưởng thành của mình cũng luôn có những quan tâm đặc biệt tới những chương trình truyền hình về rừng, về thiên nhiên và thế giới động vật".
Mọi người thường nói Quốc Dũng là " người rừng" chính hiệu.
"Lớn hơn một chút, mình thi vào trường Đại học Lâm nghiệp, vì anh nghĩ có lẽ đó là môi trường phù hợp để bản thân khám phá nhiều hơn về những điều mình luôn tò mò và quan tâm.
Ngay sau khi tốt nghiệp, Mình lại may mắn nhận học bổng toàn phần và có cơ hội tiếp tục quá trình học tập và nghiên cứu của mình ở Châu Âu cho chương trình thạc sỹ. Càng học, càng được đi nhiều nơi và đắm chìm trong những cảnh sắc thiên nhiên tuyệt đẹp khiến anh "nghiện" rừng từ lúc nào không biết.
Và cho tới bây giờ, sau khi về nước, mình vẫn đang làm việc và theo đuổi ngành nghề này, nó rất thú vị vì hiện tại các giới trẻ có xu hướng đi phượt khám phá thiên nhiên nhiều hơn. Mình rất vui vì có thể làm việc vừa được trải nghiệm, khám phá đất nước Việt Nam mình", anh chàng cho biết thêm.
Trải nghiệm với "đam mê"
Không thể phủ nhận ngành nghề nào cũng sẽ có những khó khăn, vất vả và chính những điều đó mới mang lại giá trị đặc biệt cho xã hội. Với riêng nghề rừng, dù bản thân Dũng cũng chỉ mới là một người trẻ đang chập chững những bước đầu tiên nhưng cũng đã dần cảm nhận được những khó khăn nhất định và đặc thù của ngành nghề.
Làm về rừng nên sẽ phải thường xuyên đi rừng và những công tác xa nhà dài ngày là chuyện thường. Không chỉ vậy, việc đi rừng luôn tiềm ẩn những rủi ro từ địa hình hiểm trở cho tới những loài động thực vật rừng nguy hiểm. Tuy nhiên Dũng chia sẻ nhìn các bác các chú băng rừng thoăn thoắt lại càng khiến Dũng cảm thấy cần phải cố gắng và nỗ lực nhiều hơn nữa.
Những trải nghiệm với người bản địa.
Bên cạnh đó vẫn có những câu chuyện hài hước mà chỉ " người rừng" như Dũng mới hiểu được.
"Có rất nhiều phong tục tập quán, cũng như ngôn ngữ mà người dưới xuôi không biết, thành ra nhiều lúc đôi bên không hiểu ý nhau. Ví dụ như việc không gọi tên thật của nhau trong lúc đi rừng, thành ra mỗi người phải tạo cho mình một "tiếng hú" riêng để phân biệt.
Thế là cứ người nọ hú người kia xốn xang cả một góc rừng. Về tới bản, nghe mọi người kể lại, nghe xa xa cứ tưởng có đàn khỉ nào mới băng qua, khiến anh và mọi người chỉ biết ôm bụng cười", anh chàng bộc bạch.
Giới trẻ tìm đến thiên nhiên
Những món quà kỳ diệu mà "thiên nhiên" ban tặng cho chúng ta không thể nào kể hết. Chính vì thế mà Dũng luôn muốn những người trẻ như mình trân trọng và yêu quý "thiên nhiên - rừng" như cách "thiên nhiên - rừng" yêu quý chúng ta.
Dũng cho hay: "Mình nhận thấy, hình như mình đang đi một con đường hơi khác phần đông các bạn trẻ. Việc anh chia sẻ những hình ảnh, câu truyện trong những chuyến công tác phần nào giúp các bạn có cái nhìn khác về rừng núi, thôn bản và lâm nghiệp.
Có vẻ mọi người khá thích thú vì những nội dung mới lạ mà anh được trải nghiệm. Nên trong thời gian tới, mình cũng sẽ cố gắng làm công việc mà tự bản thân cảm thấy giỏi nhất, là chụp ảnh, để ghi lại những khoảnh khắc thiên nhiên tươi đẹp, con người thôn bản dễ mến dễ gần để chia sẻ nhiều hơn tới tất cả mọi người vẫn đang theo dõi anh trên các nền tảng mạng xã hội.
Và hy vọng mọi người vẫn sẽ yêu quý và chờ đợi những hành trình tiếp theo của "chàng trai thôn bản" này".
Trong thời kỳ cả nước đang phải đối mặt với dịch bệnh Covid nặng nề, Dũng cảm thấy từ "xanh" xuất hiện nhiều hơn trong cuộc sống. Không chỉ đơn giản là sống xanh, mang không gian xanh vào môi trường sống và làm việc, mà các bạn trẻ hiện nay cũng quan tâm nhiều hơn tới thiên nhiên và môi trường.
Dũng nghĩ sự quan tâm này là cần thiết vì chúng ta đều biết những giá trị tuyệt vời mà rừng cây mang lại. Thông qua những chuyến du lịch về với rừng, Dũng tin không ít các bạn trẻ cũng bắt đầu nhen nhóm những tình yêu đặc biệt với thiên nhiên, cây cối.
Cụ thể là ngày càng nhiều bạn quyết tâm "bỏ rừng về phố" để sống, để bắt đầu những dự định và kế hoạch riêng. Cá nhân Dũng cảm thấy rất vui vì chính các bạn cũng đã và đang đi trên một con đường hơi ngược với số đông, giống như chính bản thân Dũng của hiện tại vậy.
Dũng trong chuyến công tác vào rừng của mình.
Hiểu rừng, biết được giá trị của rừng và mang những giá trị ấy gần hơn với số đông theo cách nào đi chăng nữa thì đó cũng đều là những hành động tích cực và có giá trị.
Từ yêu tới đam mê là một hành trình dài, từ quan tâm tới quyết tâm cũng như vậy. Theo đuổi một ngành nghề không chỉ đơn giản phụ thuộc vào cảm giác nhất thời mà cần thêm rất nhiều yếu tố khác.
Với những bạn yêu rừng, thì ít nhất các bạn đã có 51% để có thể thành công nếu thực sự muốn theo đuổi ngành nghề đặc biệt này rồi. Bản thân Quốc Dũng cũng bắt đầu từ đam mê với rừng, với cây cối và với những chuyến đi, trải qua tới gian tích lũy và trải nghiệm thì có anh của ngày hôm nay thôi.
Thu Trang - Văn Hiền/dantri.com.vn