Liên quan đến bất thường ở đề thi môn Sinh, một tiến sĩ khảo thí của Mỹ cho biết quá trình rút đề thô là ngẫu nhiên, xác suất để 4 đề thô trước khi chốt có hơn 90% câu hỏi trùng nhau là cực kỳ nhỏ.
Bộ Công an phát hiện một số sơ hở trong quy trình ra đề và xây dựng ngân hàng đề thi của kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 (Ảnh: Mỹ Hà).
Liên quan đến bất thường của đề thi môn Sinh học tốt nghiệp THPT 2021, tại cuộc họp báo của Bộ Công an chiều 28/12, đại diện Cục An ninh chính trị nội bộ (Bộ Công an) cho hay, ngay sau khi dư luận, báo chí thông tin có dấu hiệu nghi vấn lộ, lọt đề thi, Bộ công an đã đề nghị Bộ GD-ĐT thành lập tổ công tác liên ngành vào cuộc xác minh.
Sau khi xác minh làm rõ, đơn vị này đã phát hiện một số tồn tại sơ hở trong việc ra đề và xây dựng ngân hàng đề thi của kỳ thi tốt nghiệp THPT.
Trao đổi với PV Dân trí ngày 28/12, một tiến sĩ khảo thí (xin được giấu tên) hiện đang công tác tại Mỹ đã chỉ ra 3 điểm bất thường khi xây dựng đề thi tốt nghiệp THPT năm 2021 môn Sinh học.
Thứ nhất theo vị tiến sĩ này, nếu ngân hàng đề thi môn Sinh học đủ nhiều (ví dụ 1.000 câu) và quá trình rút đề thô là ngẫu nhiên, thì xác suất để 4 đề thô trước khi chốt có hơn 90% câu hỏi trùng nhau là cực kỳ nhỏ.
Ảnh chụp màn hình so sánh đề thi môn Sinh của thầy Phan Khắc Nghệ và đề chính thức của Bộ GD-ĐT.
Kể cả cho dù đây là kết quả của quá trình rút đề ngẫu nhiên thì việc rà soát, chỉnh sửa để chốt 4 đề thô bởi con người cũng dễ dàng phát hiện ra vấn đề này.
Thứ hai, sau khi chốt, việc có tới 80% câu hỏi trong 4 đề thô trùng hoặc rất giống các câu hỏi trong đề ôn tập trước ngày thi của thầy Phan Khắc Nghệ (Hà Tĩnh) cũng là một điểm rất bất thường.
Một trong những yêu cầu cơ bản của các ngân hàng câu hỏi cho các kỳ thi có tầm quan trọng cao như thế này là các câu hỏi phải hoàn toàn mới và chưa hề xuất hiện ở trong bất cứ sách vở, tài liệu nào sẵn có.
"Đảm bảo việc này là trách nhiệm của cả tập thể bao gồm người viết từng câu hỏi, người rà soát chỉnh sửa từng câu hỏi, và người duyệt đưa câu hỏi này vào đề thi, người duyệt đề thi", tiến sĩ này khẳng định.
Điều thứ 3 mà tiến sĩ này đưa ra, việc có sự trùng lặp lớn giữa đề thi tốt nghiệp và đề ôn tập của thầy Nghệ có thể tạo ra sự bất công cho những thí sinh không được tiếp cận đề ôn tập của thầy Nghệ trước khi thi. Điều này làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới tính giá trị của điểm thi môn Sinh học và tính công minh của kỳ thi.
Học sinh được tiếp cận với đề của thầy Nghệ trước khi thi sẽ có lợi thế biết trước đề nên sẽ được điểm cao hơn. Nếu các em dùng điểm này để ứng tuyển vào các cơ sở giáo dục đại học, các em sẽ có lợi thế hơn các bạn thí sinh không được biết trước đề.
Tuy nhiên, điều quan trọng ở đây là các học sinh được tiếp cận với đề của thầy Nghệ trước khi thi không chủ ý gây ra sự bất bình đẳng này.
Nội dung ôn luyện của thầy Nghệ và đề thi giống nhau cả hình vẽ (Ảnh: Đ. Hiền).
Trao đổi với PV Dân trí, thầy Đinh Đức Hiền - người đầu tiên "tố" những bất thường trong đề thi môn Sinh học ở kỳ thi tốt nghiệp THPT 2021 cũng cho rằng, theo quy chế thi THPT, đầu tiên thư ký hội đồng ra đề (cán bộ thuộc Bộ GD-ĐT) sẽ rút các câu hỏi ngẫu nhiên trong ngân hàng đề bằng phần mềm chuyên dụng.
Ngân hàng đề này chứa hàng ngàn câu hỏi khác nhau, gồm các câu hỏi đã chuẩn hóa do các giáo viên, chuyên gia tham gia xây dựng, đóng góp, và tất cả các câu hỏi đều phải ký bảo mật.
Các câu hỏi này sẽ được tạo thành 16 đề thô. Sau khi có đề thô, tổ ra đề thi tốt nghiệp THPT môn Sinh học sẽ chọn ra ngẫu nhiên 4 mã đề bằng phần mềm chuyên dụng.
Cả 4 mã đề này sau đó sẽ được chỉnh lý, phản biện để trở thành các đề duyệt chốt. Các đề duyệt chốt sẽ được phần mềm chuyên dụng đảo trộn câu hỏi thành 24 mã đề khác nhau và đưa vào kì thi.
Như vậy, có thể thấy rằng với quy trình này, việc trùng khớp đến 39/40 câu đề thô, 37/40 câu đề chốt là điều phi thực tế với tài liệu chỉ trong một buổi dạy trước khi thi.
Đặc biệt, trong biên bản thẩm định của tổ chuyên gia khi vào cuộc tìm hiểu sự việc đã chỉ rất rõ, các câu hỏi trong 4 mã đề thô đều trùng nhau theo thứ tự các câu hỏi tương ứng và khác biệt hẳn với các câu hỏi trong 12 mã đề còn lại, đây là điều không thể.
Hiểu một cách đơn giản, người làm đề đã chọn được 4 dãy số giống nhau, mỗi dãy có gồm 40 con số một cách ngẫu nhiên.
Theo thầy Hiền, với hai lần chọn ngẫu nhiên như vậy nhưng lại cho thấy sự trùng khớp quá cao đặt ra nghi vấn có sự can thiệp trong quy trình làm đề và cần Bộ GD-ĐT làm rõ.
Mỹ Hà/dantri.com.vn