Khi bước vào tuổi dậy thì, nhiều trẻ có sự thay đổi lớn về tâm lý và hành vi. Đối diện với những cảm giác âm tính của trẻ, thay vì gạt bỏ, phụ huynh nên dành thời gian để giáo dục cảm xúc cho con.
Tham dự tọa đàm "Nghe sao cho con nói - Nói sao cho con nghe", PGS.TS Tâm lý Lê Văn Hảo - Nguyên Phó viện trưởng Viện Tâm lý học, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam đã chia sẻ với các phụ huynh về những thông tin liên quan đến lứa tuổi dậy thì với nhiều biến động trong hành vi, tâm lý; để từ đây cha mẹ có thể hiểu con, nắm bắt những nguyên tắc quan trọng cơ bản trong việc xây dựng mối quan hệ với trẻ.
Hãy giám sát thay vì kiểm soát con trẻ
Trao đổi tại tọa đàm, PGS.TS Lê Văn Hảo cho biết, quan hệ giữa cha mẹ, con cái là mối quan hệ kéo dài suốt đời, đóng vai trò quan trọng khi tác động trực tiếp đến sự phát triển về mọi mặt, mọi lĩnh vực của trẻ.
Những người lớn mà trong 16 năm đầu đời coi những gì cha mẹ làm với mình là quan tâm, chăm sóc chứ không phải kiểm soát, thì họ là những người hài lòng, hạnh phúc và khỏe mạnh hơn trong cuộc sống.
Tuy nhiên, bước vào giai đoạn dậy thì, nhiều ông bố, bà mẹ lại bày tỏ sự lo lắng khi con như "biến" thành người khác, khiến khoảng cách và sự giao tiếp giữa cha mẹ, con gái gặp nhiều khó khăn.
Lý giải cho sự thay đổi trong mối quan hệ giữa phụ huynh - con cái khi trẻ bước vào tuổi dậy thì, chuyên gia Lê Văn Hảo phân tích:
"Đối với trẻ, đặc biệt với những em trong giai đoạn dậy thì, các em sẽ có xu hướng tìm đến sự độc lập nhiều hơn. Con mong muốn được tự mình đưa ra những lựa chọn, quyết định, đồng thời vươn đến những mối quan hệ mới. Điều này khiến cha mẹ đặt ra câu hỏi, liệu rằng con đã sẵn sàng, con đi đúng đường hay chưa và không ngừng lo lắng.
Bên cạnh đó, trẻ dậy thì thường ẩm ương, thay đổi cảm xúc một cách thất thường. Nhưng bố mẹ cần hiểu, các con không muốn như vậy. Trong giai đoạn dậy thì, hoocmon điều tiết, tác động đến cảm xúc khiến con "sáng nắng chiều mưa". Thực tế, cha mẹ cũng đã từng trải qua những cảm giác của con, nhưng thời gian quá lâu khiến phụ huynh quên đi, và nhìn sự thất thường ấy với suy nghĩ con hư. Điều này khiến hai thế hệ bị ngắt kết nối, con cứ dần xa cách bố mẹ".
Chuyên gia cho biết, đối diện với sự thay đổi của trẻ, nhiều cha mẹ băn khoăn giữa triết lý giáo dục: Liệu rằng sẽ kiểm soát, bảo vệ con vì sự an toàn của trẻ; hay là "thả diều" - tức là con "bay" thì cha mẹ sẽ nới dây để con có thể phát triển.
"Tôi biết, khi con vượt khỏi tầm kiểm soát cả về vật lý lẫn tâm lý, nhiều phụ huynh có xu hướng kiểm soát con. Nhưng thực tế, không ai có đủ năng lực để kiểm soát, đặc biệt với lứa tuổi ẩm ương, mới lớn.
Do đó, thay vì kiểm soát, phụ huynh hoàn toàn có thể thay thế bằng việc giám sát - tức là luôn để con trong tầm mắt, dùng sự kết nối, mong muốn của mình để thiết lập mục tiêu và cùng con đồng hành trên quãng đường ấy. Điều này vừa giúp con cảm thấy bản thân không bị kiểm soát, nhưng con vẫn "an toàn" trong vòng tay cha mẹ.
Bên cạnh giám sát, cha mẹ có thể thay đổi con bằng cách dùng sự ảnh hưởng, hay nói một cách khác chính là biện pháp nêu gương. Thông qua cách cha mẹ đối xử với nhau trong hôn nhân hay các mối quan hệ với người thân trong gia đình, trẻ sẽ nhanh chóng học tập và điều chỉnh hành vi.
"Để "kéo" gần khoảng cách giữa cha mẹ và con cái, phụ huynh có thể áp dụng nguyên tắc 3C. Chữ C thứ nhất là Connect (Kết nối). Khi con trưởng thành, việc trẻ dần xa cách bố mẹ về mặt vật lý là điều không thể tránh khỏi. Nhưng về mặt tâm lý, bố mẹ cần tạo ra sự kết nối giữa phụ huynh và con trẻ.
Khi có kết nối, cần tiến đến bước giao tiếp (Communicate). Bố mẹ lưu ý, khi giao tiếp, trò chuyện cùng con, cần đặt yếu tố tôn trọng, quan tâm lên hàng đầu.
Có được kết nối, giao tiếp, trẻ sẽ hiểu vấn đề mình gặp phải và hợp tác (Cooperate) với bố mẹ. Theo nghiên cứu mà tôi đã thực hiện trong những năm gần đây, những người lớn mà trong 16 năm đầu đời coi những gì cha mẹ làm với mình là quan tâm, chăm sóc chứ không phải kiểm soát, thì họ là những người hài lòng, hạnh phúc và khỏe mạnh hơn trong cuộc sống.
Theo PGS.TS Lê Văn Hảo, để "kéo" gần khoảng cách giữa cha mẹ, con cái, phụ huynh có thể áp dụng nguyên tắc 3C: Kết nối (Connect) - Giao tiếp (Communicate) - Hợp tác (Cooperate) (Ảnh: chụp màn hình).
Cần lắng nghe để giáo dục cảm xúc cho trẻ dậy thì
Chia sẻ tại tọa đàm, phụ huynh Mỹ Hạnh (có con gái học lớp 7) trăn trở, đã có lần chị bỏ qua cảm xúc của con. Lần đó, đi học về, con tỏ ra buồn phiền do kết quả của buổi thuyết trình không như mong đợi. Con bày tỏ được chia sẻ với mẹ để tìm giải pháp cho lần thuyết trình sau được tốt hơn; tuy nhiên, mẹ đã không để ý và phớt lờ nỗi buồn của con gái.
Theo chuyên gia Lê Văn Hảo, câu chuyện mà chị Mỹ Hạnh gặp phải chính là bài học cho các ông bố, bà mẹ khi đối diện với cảm xúc thất thường của con. Khi con có tâm trạng không tích cực, hay những cảm giác âm tính như thất vọng, tức giận, buồn bã… phụ huynh không nên gạt bỏ tâm trạng của trẻ bởi điều đó sẽ khiến đứa trẻ hiểu rằng cảm xúc của con không có giá trị. Thay vào đó, bố mẹ cần dành thời gian để giáo dục cảm xúc cho con.
"Bước đầu, phụ huynh cần quan sát để nhận ra cảm xúc của con. Sau đó, cha mẹ cần hiểu để gọi tên cảm xúc giúp trẻ. Điều này sẽ giúp con hình dung được vấn đề tâm lý mình gặp phải để có hướng giải quyết phù hợp.
Ngay lúc này, phụ huynh cần trò chuyện, đặt bản thân mình vào địa vị của trẻ. Điều này sẽ giúp con hiểu được một thông điệp vô cùng mạnh mẽ "Bố mẹ chính là người hiểu cảm xúc của con", từ đây con sẽ thêm trân trọng, gần gũi với cha mẹ".
Có con học lớp 9, phụ huynh Nguyễn Hà bày tỏ băn khoăn: "Năm nay là năm cuối cấp, tôi rất lo lắng nhưng con thì vẫn mải chơi, không chú tâm học hành. Tôi đã dùng nhiều biện pháp, nặng có, nhẹ có nhưng không có kết quả. Tôi không biết phải làm thế nào để con học hành hiệu quả hơn".
Chia sẻ nỗi lo với bà mẹ này, PGS.TS Lê Văn Hảo cho biết, khi trẻ ngang bướng, hay có hành vi bất thường, phụ huynh có xu hướng tìm cách bắt lỗi và chỉ trích con, sau đó mới tìm cách cho con sửa. Tuy nhiên, để "nghe sao cho con nói - nói sao cho nghe", các ông bố, bà mẹ cần thay đổi lại thứ tự xử lý.
"Thông thường, bố mẹ thường quá chú tâm đến hành vi, vì kết quả của kỳ thi vô cùng quan trọng. Nhưng trong trường hợp này, cần thống nhất quan điểm kết nối trước, chỉnh sửa sau. Phụ huynh cần tìm cách kết nối, giúp trẻ giải tỏa về mặt cảm xúc, hiểu được tại sao con cứ mải chơi. Sau đó, cha mẹ mới nên đề cập đến hành vi.
Chúng ta có thể biểu đạt với con về sự lo lắng cho kỳ thi cuối cấp, hỏi han mục tiêu sắp tới của con. Từ đó, cần chỉ cho con thấy được khoảng cách giữa những gì con đang làm và mục tiêu trước mắt, để con nhìn nhận và cố gắng.
Sau khi kết nối, cha mẹ hãy chỉnh sửa hành vi cho con. Bản chất của việc làm sai hay mắc lỗi là do trẻ thiếu kỹ năng trong quá trình trưởng thành. Do đó, sự chỉnh sửa hành vi cần đi kèm hướng dẫn con nên làm thế nào.
Nếu biện pháp này không khả thi, phụ huynh có thể cân nhắc đến việc sử dụng quy tắc "hệ quả logic". Theo đó, bố mẹ cần thỏa thuận với con về nề nếp, quy tắc con sẽ được gì khi thực hiện theo yêu cầu của cha mẹ; thông thường trẻ sẽ dễ dàng đồng ý nhưng lại quên đi vì theo thói quen. Lúc này, phụ huynh có thể trở thành "trọng tài".
Nếu con vi phạm quy tắc lần đầu, cần cảnh cáo. Lỗi lầm lặp lại lần hai, bố mẹ hoàn toàn có thể nhắc nhở bằng lời nói. Còn nếu vi phạm đến lần thứ ba, cần mạnh tay "tước" đi quyền sử dụng có giới hạn, nhưng những quyền này phải liên quan đến lợi ích của trẻ; nếu không hành động này sẽ biến thành hình phạt chứ không còn là kỷ luật tích cực" - PGS.TS Lê Văn Hảo đề xuất.
Kiều Phương/dantri.com.vn