Giáo viên phải phát "tờ rơi" tuyển sinh, trường nghề còn "gian nan" đầu vào

Thứ 7, 08.01.2022 | 14:56:09
1,024 lượt xem

Các trường nghề đang dùng nhiều cách để tiếp cận các trường phổ thông, cho học sinh làm quen với các nghề trong xã hội để các em dễ lựa chọn nghề nghiệp tương lai.

Chọn đúng đối tượng

Ông Trần Anh Tuấn, Phó Chủ tịch Hội Giáo dục nghề nghiệp TPHCM kể, trong một lần tham gia tư vấn hướng nghiệp, ông ngồi cạnh một lãnh đạo ngành giáo dục và vị này hỏi: "Sao không thấy trường trung cấp nào đến tư vấn tuyển sinh?".

Ông Tuấn đã chia sẻ, không phải các trường trung cấp không đến, hay không muốn đến trường phổ thông tuyển sinh mà là không được đến, nhiều giáo viên trung cấp phải đứng phát tờ rơi quảng cáo tuyển sinh ở cổng trường.

Theo Phó Chủ tịch Hội GDNN TPHCM, đó là một thực trạng không mới trong một xã hội có văn hóa ưa chuộng bằng cấp như ở Việt Nam.

Ông cho rằng, nói các trường phổ thông "kỳ thị" trường trung cấp cũng không phải, vì nguyện vọng của học sinh và cha mẹ học sinh đều là muốn vào đại học thì trường ưu tiên mời các trường đại học về tư vấn tuyển sinh cũng là đúng.

Giáo viên phải phát tờ rơi tuyển sinh, trường nghề còn gian nan đầu vào - 1

Các trường nghề đang nỗ lực nhiều cách để tiếp cận hướng nghiệp, truyền thông tuyển sinh cho các em học sinh THCS (Ảnh: TC Nguyễn Tất Thành).

Tiến sĩ Nguyễn Hoàng Chương (trường Trung cấp Việt Giao) cho biết, ngay trong các giờ sinh hoạt hướng nghiệp cho các học sinh cuối cấp thì đều tập trung vào các nội dung như muốn học ngành này nên chọn trường đại học nào, học sinh có bao nhiêu nguyện vọng; điểm chuẩn các năm trước là bao nhiêu…

"Rất hiếm thấy phụ huynh nào đặt câu hỏi liên quan đến học nghề ", thầy Chương chia sẻ.

Theo ông Trần Anh Tuấn, dù rất khó khăn nhưng trường nghề muốn tuyển sinh được bắt buộc phải đẩy mạnh truyền thông tuyển sinh tại các trường phổ thông. Điều quan trọng là phải xác định đúng đối tượng tuyển sinh.

Trước hết là phải đặt trọng tâm truyền thông vào học sinh ở những trường phù hợp với nhóm trường nghề như các trung tâm giáo dục thường xuyên; hay trường THCS, THPT ở các khu vực nghèo khó, tỉnh lẻ, trường tốp cuối…

Ông nói vui: "Chứ trường trung cấp mà đến trường chuyên tuyển sinh thì thua!".

Tìm đúng hướng đi

Ngoài chọn đúng đối tượng tuyển sinh, thạc sĩ Thái Thủy Chung, Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh - Truyền thông trường Trung cấp Nguyễn Tất Thành góp ý: "Phải tìm mọi cách tăng cường sự hiện diện của trường Trung cấp tại các trường mà mình muốn tuyển sinh".

Theo thạc sĩ Thái Thủy Chung, phải liên tục kết nối, tạo mối quan hệ với các trường THCS, THPT mà mình xác định là mục tiêu tuyển sinh, làm nhiều hoạt động hỗ trợ trường bạn, đồng thời lồng ghép đưa hình ảnh dạy nghề vào các hoạt động này cho học sinh làm quen.

Cô Chung chia sẻ một ví dụ, trường Nguyễn Tất Thành thực hiện chiến lược "cùng ăn, cùng học, cùng chơi" với các em học sinh THCS bằng các hoạt động như: tham gia hỗ trợ các hội diễn văn nghệ; tổ chức các hội thi tìm hiểu nghề nghiệp; tổ chức các sân chơi, giao lưu biểu diễn nghề nghiệp tại các hội xuân…

Trường sẽ cử thành viên các câu lạc bộ nghề nghiệp đến các trường THCS hỗ trợ trang điểm, biểu diễn nghề nghiệp như làm gian hàng sơn móng tay, chăm sóc da mặt…

"Thường những hoạt động như vậy rất thu hút học sinh THCS. Khi tụ tập lại theo dõi, tham gia, các em sẽ được trải nghiệm, hiểu hơn về nghề đó và em nào yêu thích sẽ lựa chọn theo học nghề", thạc sĩ Thái Thủy Chung chia sẻ.

Giáo viên phải phát tờ rơi tuyển sinh, trường nghề còn gian nan đầu vào - 2

Trình diễn nghề nghiệp tại các lễ hội của trường THCS cũng là một cách để đưa hình ảnh nghề nghiệp đến với học sinh (Ảnh: TC Nguyễn Tất Thành).

Còn trường Trung cấp Việt Giao thì liên kết chặt chẽ với Đoàn Thanh niên địa phương mình trú đóng để tăng cường hướng nghiệp, đưa hình ảnh trường nghề đến cho học sinh trên địa bàn.

Anh Ngô Minh Tiến, Phó chủ tịch Hội Liên hiệp thanh niên quận 10 (TPHCM) cho biết, Đoàn Thanh niên Quận 10 thường xuyên tổ chức các đoàn học sinh đến trường Trung cấp Việt Giao tham quan công tác dạy nghề, cho các em đến siêu thị trải nghiệm một ngày làm nhân viên siêu thị…

Các hoạt động này không chỉ giúp các em hiểu hơn các nghề nghiệp trong xã hội mà còn rèn luyện cho các em khả năng giao tiếp, xử lý tình huống, yêu thích lao động…

Theo thạc sĩ Thái Thủy Chung, các trường trung cấp phải liên kết chặt chẽ với trường THCS mục tiêu mà mình nhắm đến để cùng thực hiện những hoạt động trải nghiệm nghề nghiệp mang tính cộng đồng và giáo dục, dẫn dắt cách nghĩ cho các em về việc xác định con đường nghề nghiệp tương lai phù hợp với sở thích, năng lực và điều kiện của bản thân.


Tùng Nguyên/dantri.com.vn

https://dantri.com.vn/giao-duc-huong-nghiep/giao-vien-phai-phat-to-roi-tuyen-sinh-truong-nghe-con-gian-nan-dau-vao-20220108065229999.htm

  • Từ khóa