Một ngày sau khi đón học sinh lớp 1,2 đến kiểm tra học kỳ trực tiếp, các trường tiểu học ở Mê Linh lại phải đóng cửa. Một giáo viên đặt câu hỏi: "Chúng ta trốn dịch đến bao giờ?".
Vừa mừng vừa lo
Sau 8 tháng nghỉ chống dịch, sáng 6/1, hàng nghìn học sinh lớp 1,2 của huyện Mê Linh (Hà Nội) đến trường kiểm tra học kỳ trực tiếp do đa số xã, phường ở đây đều thuộc vùng 1, một số nơi thuộc vùng 2, đủ điều kiện cho học sinh học trực tiếp.
Riêng với khối lớp 1, sau 4 tháng kể từ ngày khai giảng, đây là lần đầu tiên các em được gặp trực tiếp thầy cô. Một số học sinh chưa quen, còn thút thít khóc trong ngày đầu tiên đến trường nhưng phần đa các em đều bỡ ngỡ, háo hức và nhanh chóng theo giáo viên vào lớp.
Chia sẻ với PV Dân trí, cô Nguyễn Thị Thu Hương, Hiệu trưởng Trường tiểu học Tiền Phong B cho hay, để tổ chức buổi kiểm tra học kỳ trực tiếp, nhà trường đã chuẩn bị chu đáo từ máy đo thân nhiệt, chăng dây các lối đi riêng để đảm bảo giãn cách, lau bàn ghế lớp học bằng dung dịch sát khuẩn…
Lần đầu tiên sau 4 tháng, học sinh lớp 1 ở Mê Linh (Hà Nội) được gặp trực tiếp cô giáo (Ảnh: N. Hà).
Vào lớp, mỗi em ngồi một bàn; trước giờ kiểm tra, giáo viên yêu cầu học sinh ngồi nghiêm túc, không nô đùa tiếp xúc.
"Sau 8 tháng sân trường vắng bóng học sinh, ngày đầu tiên các em học sinh lớp 1,2 trở lại trường học trực tiếp, đội ngũ giáo viên chúng tôi cũng chứa chan bao nhiêu cảm xúc, vừa mừng, vừa lo.
Mừng là vì địa phương đang ở vùng an toàn (vùng 1,2) nên các em được phép kiểm tra học kỳ trực tiếp, đặc biệt giáo viên phần nào an tâm hơn vì không lo học sinh trục trặc máy móc khi kiểm tra.
Nhưng ngược lại, là người đứng đầu cơ sở nhà trường, chúng tôi cũng lo lắng, bởi mong muốn kết quả tốt cho các em đã đành, song phải an toàn chống dịch", cô Hương tâm sự.
Cũng theo cô Hương, tham gia chuẩn bị cơ sở vật chất với nhà trường, không chỉ có cán bộ, giáo viên mà nhiều phụ huynh, tình nguyện viên. Thấy nhà trường chuẩn bị kĩ càng, phụ huynh cũng yên tâm hơn.
Và sau hai ngày (một ngày ôn tập và một ngày kiểm tra), hơn 200 học sinh lớp 1,2 của trường này đã hoàn thành việc kiểm tra học kỳ trực tiếp.
Theo đánh giá kết quả kiểm tra ban đầu của nhà trường, các em đảm bảo được nội dung cốt lõi của chương trình.
Riêng khối học sinh lớp 1, các em đã biết đọc, viết nhưng do học trực tuyến kéo dài nên nhiều học sinh cầm bút sai cách và nhà trường khẳng định, điều này sẽ được giáo viên khắc phục khi tình hình dịch ổn định, các em trở lại trường trực tiếp.
Giáo viên, tình nguyện viên đo thân nhiệt cho học sinh lớp 1 trong ngày đầu đến trường kiểm tra học kỳ trực tiếp (Ảnh: N. Hà).
Giáo dục "trốn dịch" đến bao giờ?
Đó là câu hỏi mà thầy giáo Nguyễn Xuân Khang, Hiệu trưởng Trường Marie Curie (Hà Nội) đặt ra trong bối cảnh hiện nay.
Chia sẻ với PV Dân trí, thầy Khang băn khoăn: "Nếu ngành y tế tập trung chống dịch mỗi khi bùng phát thì ngành giáo dục chẳng còn cách nào khác là bảo nhau ở nhà dạy và học online. Như thế gọi là "trốn dịch" để duy trì việc học. Lần này trốn lâu quá, không còn trốn tạm thời nữa. 8 tháng đóng cửa trường, thầy trò kiên trì ở nhà "trốn dịch". Đóng cửa trường mãi sao? Các con phải "trốn dịch" đến bao giờ?"
Cũng theo thầy Khang, sau khi thành phố Hà Nội có kế hoạch cho các địa phương vùng 1,2 được đến trường trực tiếp, nhà trường đã khảo sát ý kiến phụ huynh học sinh.
Theo đó, toàn trường có 84% phụ huynh đồng ý cho học sinh nghỉ học và chỉ 16% phụ huynh đồng ý cho học sinh đi học trong bối cảnh này.
Trở ngại lớn nhất hiện nay là tâm lý lo lắng của phụ huynh khi cho con trở lại trường học. Lo con nhiễm bệnh trở thành F0 chỉ một phần, nhưng lo nhiều hơn khi con trở thành F1, F2 rồi phải đi cách ly tập trung nơi này, nơi khác.
Trước tình huống đó, mặc dù đã hơn 8 tháng học sinh chưa được đến trường nhưng trường này cũng phải tiếp tục cho các em học trực tuyến vì không thể đi ngược lại phần lớn mong muốn của phụ huynh.
Hiệu trưởng này cho rằng, các địa phương, các trường học phải bình tĩnh, có cách ứng xử với F0, F1, F2 xuất hiện trong trường một cách hợp lý để phụ huynh yên tâm.
Phụ huynh cần vượt qua nỗi lo, tỉnh táo và yên tâm cho trẻ đến trường khi địa phương có điều kiện thích hợp.
Mỹ Hà/dantri.com.vn