Rời bản làng để học nghề, tìm việc làm ổn định chính là mục tiêu hướng đến của nhiều con em đồng bào dân tộc. Đây là bước đệm để lao động vùng cao nâng cao trình độ, ổn định cuộc sống.
Bước đệm để lao động vùng cao có việc làm
Thời gian qua, nhiều doanh nghiệp, đơn vị tại Quảng Bình đã cùng chung tay hỗ trợ, tạo việc làm cho đồng bào dân tộc thiểu số. Tuy nhiên, để có việc làm ổn định cũng đòi hỏi phải có trình độ chuyên môn, đây là một trong những nguyên nhân khiến công tác tìm kiếm việc làm của lao động nông thôn, đặc biệt là đồng bào dân tộc bị hạn chế.
Để xóa dần khoảng cách chênh lệch về giáo dục giữa miền ngược và miền xuôi, việc đào tạo nghề cho đồng bào dân tộc tại Quảng Bình đang rất được chú trọng. Bên cạnh đó, qua công tác vận động, tuyên truyền, rất nhiều lao động miền núi hiện nay đã thay đổi tư duy, quyết tâm rời bản làng để học nghề, nâng cao trình độ, tạo việc làm, ổn định cuộc sống.
Công tác đào tạo nghề cho đồng bào dân tộc tại Quảng Bình đang rất được chú trọng trong những năm qua.
Hồ Ngọc Trai (SN 1998), trú bản Pa Choong, xã Trọng Hóa, huyện Minh Hóa là một trong những người như vậy. Trước đây, Trai chỉ quanh quẩn trên nương, rẫy, không có công việc ổn định, cuộc sống gia đình càng khó khăn hơn khi Trai lấy vợ, sinh con.
Một ngày, Hồ Ngọc Trai đã được các giáo viên Trường Cao đẳng kỹ thuật Công - Nông nghiệp Quảng Bình cùng với chính quyền xã đến tận nhà vận động đi học nghề. Nhận thấy đi học là cơ hội để có việc làm ổn định, hơn là chỉ biết trông chờ vào lúa rẫy, chàng trai người Khùa đã quyết định xuống phố, học hệ trung cấp ngành máy công trình. Sau hai năm vừa học nghề, vừa học văn hóa tại trường, Trai đang chuẩn bị cho kỳ thực tập trước khi tốt nghiệp.
"Thầy cô với các anh, chị ở xã lên vận động, phân tích, tôi đã hiểu phải có trình độ, có nghề nghiệp mới thoát nghèo được nên quyết định đi học. Càng học tôi càng thấy thích nghề lái máy xúc, khi ra trường có cái nghề trong tay cũng sẽ dễ tìm kiếm việc làm, có tiền để chăm lo cho gia đình", Hồ Ngọc Trai chia sẻ.
Còn với Hoàng Thị Hà (SN 1997), người dân tộc Vân Kiều, trú tại xã Kim Thủy, huyện Lệ Thủy, tưởng chừng sau khi học xong THCS sẽ ở nhà lấy chồng. Thế nhưng khi được tư vấn, Hà đã quyết định đi học nghề may, sau khi tốt nghiệp, Hà được giới thiệu vào làm tại một xưởng may ở thị trấn Kiến Giang, huyện Lệ Thủy với mức thu nhập hơn 5 triệu đồng/tháng.
Không chỉ chú trọng công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn, đồng bào dân tộc thiểu số, tỉnh Quảng Bình hiện cũng triển khai hiệu quả chương trình liên kết giữa người lao động, chính quyền địa phương, cơ sở đào tạo nghề và doanh nghiệp.
Gần đây nhất, tại xã biên giới xã Trọng Hóa, huyện Minh Hóa cũng có 12 thanh niên đồng bào dân tộc thiểu số vừa tốt nghiệp học nghề vận hành máy công trình và được doanh nghiệp nhận vào làm việc thông qua chương trình liên kết "bốn nhà".
Chú trọng đào tạo lao động nông thôn
Theo ông Đào Hoài Linh, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng kỹ thuật Công - Nông nghiệp Quảng Bình, những năm gần đây, các chính sách giáo dục và đào tạo vùng dân tộc, miền núi đã góp phần đặc biệt quan trọng trong quá trình nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo nhanh, bền vững.
Nhiều lao động nông thôn đã có được việc làm ổn định sau đào tạo nghề.
Đào tạo nghề là một trong những giải pháp tốt nhất để giúp cho lao động nông thôn nói chung và lao động dân tộc thiểu số nói riêng từng bước chuyển dịch lao động, thay đổi phương thức sản xuất.
"Tại trường chúng tôi, đối tượng học sinh, sinh viên là đồng bào dân tộc chiếm khá lớn, với gần 20% tổng số quy mô đào tạo của nhà trường. Ngành nghề đào tạo chủ yếu là chăn nuôi, thú y, lâm sinh, vận hành máy…", ông Linh cho biết thêm.
Theo số liệu thống kê của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) Quảng Bình, giai đoạn 2013-2020, đã có 2.565 người dân tộc thiểu số được quan tâm, đào tạo nghề. Riêng trong năm 2021, số lượng tuyển sinh học nghề đối tượng đồng bào dân tộc là 421 người.
Thực hiện Chương trình phát triển nguồn nhân lực tỉnh Quảng Bình giai đoạn 2021-2025, Sở LĐ-TB&XH Quảng Bình tiếp tục có những biện pháp để nâng cao chất lượng dạy nghề gắn giải quyết việc làm cho lao động. Trong đó tập trung vào 2 đối tượng chính là lao động trẻ sau phân luồng học sinh tốt nghiệp THCS, THPT để đào tạo cao đẳng, trung cấp nghề và lao động nông thôn, nâng cao tay nghề phục vụ sản xuất nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch hiện nay.
Theo bà Đinh Thị Ngọc Lan, Phó giám đốc Sở LĐ-TB&XH Quảng Bình, để thu hút học viên cũng như nâng cao chất lượng đào tạo nghề, tỉnh Quảng Bình cũng đã thông qua nghị quyết hỗ trợ học viên học nghề đối với những đối tượng khó khăn. Đây là lần đầu tiên, tỉnh Quảng Bình có chính sách hỗ trợ học nghề, chia sẻ khó khăn với người lao động do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Mặt khác, các cơ sở dạy nghề đã có nhiều ưu đãi bằng cách giảm học phí, hỗ trợ tiền ăn, nội trú để thu hút học viên vào học.
Tiến Thành/dantri.com.vn