Xã hội ngày càng phát triển, tiến bộ về mọi mặt đã nâng cao đời sống con người, xã hội ngày càng văn minh hơn. Tuy nhiên, trong quá trình vận động và phát triển đã nảy sinh những mặt trái của xã hội đương đại, do vậy, cần sự quan tâm, chung sức giải quyết ở cấp độ quốc gia và toàn cầu.
Ðến với các khóa tu của các chùa, tự viện, các em hiểu được cội nguồn nhân quả, phân biệt được việc đúng sai, từ đó ngăn cản những hành vi bạo lực. Ảnh: TÂM MINH
Chẳng hạn vấn đề suy thoái đạo đức, con người trở nên vô cảm và thiếu niềm tin. Chúng ta cần tham khảo và đưa giáo lý Phật giáo ứng dụng vào trong giáo dục và đào tạo, góp phần giải quyết các vấn đề về đạo đức xã hội.
Trải qua hơn 2.500 năm nhìn lại, những quan điểm về giáo dục Phật giáo đến nay vẫn còn nguyên giá trị. Ngày nay, giáo dục Phật giáo không những tập trung ở Tăng đoàn mà còn phát triển ra ngoài cộng đồng xã hội, ở các tầng lớp từ những em thiếu niên, nhi đồng đến tầng lớp thanh, thiếu niên, người trung tuổi và người cao tuổi có xu hướng tìm hiểu Phật giáo ngày càng tăng.
Ðường hướng giáo dục Phật giáo không đề cao, cổ vũ niềm tin mù quáng, ngược lại lấy chính trí, chính kiến làm nền tảng cho giác ngộ giải thoát, làm động lực thúc đẩy sự phát triển xã hội, cũng là nền móng cho sự thương yêu, cảm thông. Vì chỉ có trí tuệ và từ bi mới đẩy lùi những hành vi bất chính như các tệ nạn xã hội, bạo lực học đường, gia đình; tranh giành quyền lợi… vốn xuất phát từ vô minh.
Giáo dục Phật giáo rất giàu nhân bản, nhân văn, luôn luôn nhắm đến mục tiêu đào tạo con người hướng thiện, có niềm tin chân chính, đem đến lợi lạc cho bản thân, gia đình và xã hội, cùng cộng đồng chung tay xây dựng nền hòa bình, thịnh vượng. Ðiều này càng có ý nghĩa khi hiện tượng bạo lực học đường đang là hồi chuông cảnh báo về sự bất lực của một số nhà trường, gia đình. Khi xem những clip bạo lực của học sinh nhiều lứa tuổi, nhiều người không khỏi xót xa, phẫn nộ trước tình trạng bạo lực học đường đang ngày một nghiêm trọng, không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe mà còn ảnh hưởng tinh thần của học sinh, tạo tâm lý bất an cho học sinh, phụ huynh và cả xã hội. Khó ai biết, mỗi ngày đi học, con em mình có bị xâm hại thân thể, tinh thần hay không; bất cứ lúc nào, ở đâu, học sinh cũng có thể gây gổ với nhau.
Một giải pháp hữu hiệu trong Phật giáo để góp phần giải quyết vấn đề bạo lực học đường đó là các bậc cha mẹ học sinh nên khuyến khích các em tìm hiểu tinh thần vì nhân sinh được “gieo trồng” hạt giống yêu thương, nhân ái, hiểu được cội nguồn nhân quả, phân biệt được việc đúng sai, từ đó, ngăn cản những hành vi bạo lực. Thông qua những khóa học ở chùa đã giúp các em có cơ hội nhìn ra lỗi lầm của mình, nhiều em sau khi đến chùa đã có lối sống tích cực hơn.
Bạo lực học đường đứng trên quan điểm của Phật giáo thì có thể đưa ra các nguyên nhân căn bản của nó chính là phát khởi bởi lòng “tham-sân-si”. Ba nguồn độc này đã dẫn các em đi vào con đường sai lạc trong hành vi đạo đức. Vì vậy, ngoài việc giảng dạy chữ nghĩa, nhà trường cần phải dạy các em đạo đức. Bằng cách đưa vào nhà trường những bài học hiếu thảo đối với cha mẹ, biết kính trọng thầy cô giáo, và cần hun đúc cho các em bằng những phương pháp giáo dục phù hợp để đánh thức thiện tâm của các em.
Cần đưa tinh thần từ bi, không bạo động vào để các em biết thương yêu nhau, giúp đỡ lẫn nhau, diệt trừ những mối thù hận riêng tư trong mối quan hệ bạn bè. Khuyến khích các em tham gia các khóa học, tìm hiểu về đạo đức Phật giáo, giúp các em trải nghiệm và hiểu về nhân quả, đạo đức làm người, từ đó các em sẽ ý thức được hành động của mình.
Nếu chúng ta thử áp dụng những phương pháp này vào học đường, sẽ đem lại hiệu quả cao cho các em. Học tập tốt, đạo đức tốt, chấm dứt bạo lực học đường, có hiếu thảo với cha mẹ, làm cho xã hội văn minh tốt đẹp.
Bản chất của nền giáo dục Phật giáo là từ bi hỷ xả, tất cả vì con người, vì hòa bình và an lạc cho mọi chúng sinh. Nói về giáo dục có thể hiểu thành hai phần đó là giáo dục về chuyên ngành và giáo dục về đạo đức. Một người chỉ giỏi về chuyên ngành mà thiếu đạo đức thì có thể làm hại cả một quốc gia, trở thành người vô dụng như Bác Hồ từng nói: Có tài mà không có đức là người vô dụng. Có đức mà không có tài thì làm việc gì cũng khó. Như vậy muốn có những người tốt, có ích cho quốc gia, xã hội thì cần phải chú trọng vào việc bồi dưỡng cả hai.
Giáo dục về kỹ năng, giáo dục về chuyên ngành, giáo dục về kiến thức khoa học thì phải cần giáo dục về đạo đức, khơi gợi tinh thần sáng tạo, khoa học, tư duy độc lập, thích nghi được với cuộc sống hiện đại, làm được như vậy chính là đang áp dụng chính kiến, chính tư duy vào việc giáo dục.
Lê Trưởng/nhandan.vn
https://nhandan.vn/tin-tuc-giao-duc/tinh-than-giao-duc-vi-nhan-sinh-cua-phat-giao-682490/