Chưa đầy 2 tuần nữa là đến Tết Nguyên đán, nhưng với nhiều giáo viên mầm non tư thục, khoảng thời gian này những ngày tràn đầy nỗi lo khi họ phải trải qua cái Tết "không lương, không thưởng".
Chẳng dám mơ… thưởng Tết?
Cô Vũ Hà Linh (39 tuổi), có hơn 17 năm gắn bó với nghề giáo. Trước khi trở thành "cô nuôi dạy trẻ" tại một trường mầm non tư thục trên địa bàn quận Cầu Giấy, Hà Nội, cô Linh đã có khoảng thời gian dài công tác ở một cơ sở mầm non ngoài công lập tại Hải Phòng.
Khối tư thục, trường học đóng cửa do dịch bệnh đồng nghĩa với mất việc, mất nguồn thu. Năm nay, nhiều giáo viên tư thục phải đối diện với cái Tết "không lương, không thưởng". (Ảnh: K.P)
Công việc vất vả, áp lực tứ phía bủa vây, đồng lương ít ỏi khiến nhà giáo này nhiều lần không khỏi muộn phiền, thậm chí nảy sinh suy nghĩ từ bỏ. Năm 2015, cô Linh quyết định rời Hải Phòng, "khăn gói" lên Thủ đô với mong muốn sẽ tìm được công việc khác để ổn định cuộc sống. Tuy nhiên, tình yêu trẻ và chữ "duyên" đã níu cô quay trở lại với nghề nuôi dạy trẻ và gắn bó cho tới bây giờ.
Thời điểm giáp Tết, ngoài lương 7-8 triệu đồng tùy thâm niên, cô và nhiều đồng nghiệp trong trường còn nhận thưởng từ 1,5-2 triệu đồng cùng một hộp quà Tết. Tuy nhiên, đó là câu chuyện của vài năm trước…
Năm 2021, dịch Covid-19 bùng phát khiến các trường học đóng cửa, những giáo viên tư thục như cô Linh cũng lâm vào cảnh thất nghiệp kéo dài và trở nên "lao đao".
"Trường đang tạm đóng cửa, gần một năm nay thất nghiệp, lương không có, thưởng Tết sao dám mơ?" - cô Linh thở dài.
Theo cô Hà Linh, các giáo viên ở trường công cũng gặp khó khăn do thu nhập giảm vì tác động của dịch bệnh; tuy nhiên, họ vẫn còn chiếc "cọc" để bám víu đó là tháng lương cơ bản, còn giáo viên tư thục như cô thì cuộc sống như bị đóng băng, làm ngày nào ăn ngày nấy.
Những ngày cận Tết, nhìn nhà nhà, người người tất bật sắm sửa, chuẩn bị đón năm mới, trong lòng nhà giáo này càng dâng lên nỗi lo. Lo làm sao để may cho cậu con trai 6 tuổi một vài bộ quần áo mới; lo tiền tàu xe, quà cáp lễ nghi cho cả hai bên nội ngoại trong bối cảnh vật giá đều leo thang; lo làm sao cho mâm cơm ngày Tết trọn vẹn và đủ đầy như nhiều năm về trước…
"Cách đây hai tháng, tôi có tập tành làm tư vấn bảo hiểm. Nhưng tay ngang, "chân ướt chân ráo", kinh nghiệm ít nên thu nhập còn thấp, chỉ đủ mua cân giò, măng và miến. Tết này, chắc phần lớn lại dựa vào tháng lương của chồng mà thôi".
Nỗi buồn tủi vì cái Tết "không thưởng, không lương"
Dịch Covid-19 tác động tiêu cực tới nhiều lĩnh vực. Ở lĩnh vực giáo dục, các cấp phổ thông, tiểu học, học sinh còn có thể học online. Tuy nhiên, đối với bậc mầm non, hơn nửa năm qua, các em không thể tới trường. Các trường học, nhất là trường mầm non tư thục cũng vì thế mà "lao đao". Do đó, câu chuyện của cô giáo mầm non Hà Linh không phải trường hợp cá biệt.
Công tác tại trường mầm non ở huyện Đông Anh, Hà Nội, ngay cả khi chưa có dịch, cô Nguyễn Thị T. luôn "xác định tư tưởng" mức thưởng Tết ít hơn so với các ngành khác. Trong khi đó, năm nay, cô T. phải đối diện với "kỳ nghỉ không lương" dài triền miên. "Điều này đồng nghĩa với việc, Tết này tôi không có thưởng" - nhà giáo trải lòng.
Tháng 7/2021, hai tháng sau khi đợt dịch thứ tư bùng phát, nhận thấy bản thân không thể "ngồi không", cô giáo này đã kiêm thêm nghề "tay trái" là bán hàng online. Mỗi ngày, trong căn phòng trọ rộng 20m vuông, bên cạnh việc kèm con gái lớp 5 học trực tuyến, cô T. thường tranh thủ thời gian rảnh rỗi để đăng tải thông tin và hình ảnh sản phẩm lên trang Facebook cá nhân.
"Tôi bán nhiều thứ, từ khẩu trang, nước rửa chén, kem đánh răng cho đến thuốc trị mụn. Làm vậy cũng chỉ muốn có "đồng ra đồng vào", san sẻ gánh nặng kinh tế cho chồng.
Thời gian đầu, người quen ủng hộ cũng nhiều nên sức mua khá, dư dả chút tiền đi chợ. Tuy nhiên, người quen ủng hộ thì cũng chỉ mỗi người một món. Gần đây, việc buôn bán ế ẩm do tôi ít mối quan hệ, sức cạnh tranh công việc cũng lớn và tôi thiếu kinh nghiệm trong lĩnh vực này".
Chi tiêu ở thành phố đắt đỏ, thu nhập bấp bênh, tiền trọ vẫn phải chi trả đều đặn hơn 2 triệu/tháng khiến cuộc sống gia đình giáo viên này lâm vào thế khó. Vài tháng nay, bố mẹ ở quê vẫn "cứu trợ" gia đình cô bằng cách gửi lên phố chút gạo, chút rau hay thịt cá.
Mọi năm, tháng Tết cô sẽ có lương và thưởng, trong đó tiền thưởng dao động ở mức 500 đến 700 nghìn đồng. Không nhiều, nhưng cô vẫn được mong chờ, được phấn khởi khi có tiền để mua quà biếu hai bên nội ngoại. "Còn năm nay, ngay cả niềm vui bé nhỏ tôi cũng chẳng có", cô T. nghẹn ngào.
Những hy vọng trước thềm năm mới…
Với giáo viên mới vào nghề như cô Đỗ Thanh H. (TP.HCM), thưởng Tết là câu chuyện "buồn không muốn nhắc".
Tốt nghiệp năm 2019, cô gái trẻ này xin vào làm việc tại trường tư thục mầm non với mong muốn mức lương, thưởng và đãi ngộ sẽ tốt. Tuy nhiên, gần 3 năm dạy học thì cô đã phải "gắn" với "con Covid" trong suốt 2 năm.
Năm đầu tiên công tác tại trường, giáo viên này nhận được 1,4 triệu tiền thưởng Tết. Năm 2020, do một phần tác động của dịch bệnh, số tiền thưởng giảm còn một nửa, coi như nhà trường động viên mỗi giáo viên một "chiếc bánh chưng". Nhưng năm nay, "chiếc bánh chưng" động viên cũng không còn. Trong một dịp họp lớp vào cuối năm 2021, cô H. không khỏi chạnh lòng khi nghe bạn bè bàn tán tiền thưởng Tết.
"Những năm trước, tiền lương, thưởng, nếu chi tiêu hợp lý cũng phần nào giúp tôi trang trải được cái Tết đủ đầy cho gia đình. Năm nay, lương không có, thưởng càng không… Bạn bè khắp nơi "mang tiền về cho mẹ", còn Tết này, chưa chắc tôi đã sắm được cho ba mẹ một cành mai".
Buồn tủi vì cái Tết không lương, không thưởng; song với cô Đỗ Thanh H., niềm an ủi lớn nhất của cô trong thời gian này chính là việc TP.HCM đã có kế hoạch cho trẻ mầm non đi học trở lại từ tháng 2/2022.
"Tôi hy vọng tình hình dịch bệnh sẽ được kiểm soát tốt để trường học được mở cửa, các con được tới trường theo kế hoạch. Tôi thực sự nhớ các con, mong ngóng từng phút giây được dạy dỗ, vui đùa cùng con trẻ.
Hy vọng những năm tháng về sau, giáo viên mầm non tư thục chúng tôi sẽ không còn cái Tết buồn "không lương, không thưởng" nào nữa" - cô H. bày tỏ.
Trải qua một năm đầy khó khăn, nhiều giáo viên mong muốn sớm được quay trở lại với công việc dạy dỗ, chăm sóc trẻ. (Ảnh: NVCC)
Chung quan điểm, nhà giáo Nguyễn Thị T. chia sẻ, Tết "không lương, không thưởng" là điều không ai mong muốn. Bên cạnh sự khó khăn của các giáo viên, các chủ trường, hiệu trưởng cũng chịu nhiều áp lực khi phải tìm mọi cách để gồng gánh, giữ trường trong "cơn bão" Covid-19.
"Tôi mong, Nhà nước sẽ xây dựng những chính sách phù hợp nhằm quan tâm, phát triển hơn lĩnh vực mầm non ngoài công lập; đồng thời tạo cơ hội giúp các chủ trường "vực dậy" cơ sở giáo dục, đứng lên sau dịch bệnh. Chủ trường vững mạnh thì giáo viên chúng tôi mới được đảm bảo quyền lợi và có cuộc sống ấm no".
Cô T. cũng hy vọng các giáo viên mầm non tư thục sẽ giữ cho mình tình yêu trẻ, yêu nghề dù khó khăn vẫn còn tồn tại trước mắt. Tết này, câu chuyện "không lương, không thưởng" có thể diễn ra ở nhiều gia đình, tuy nhiên, "khéo ăn thì no, khéo co thì ấm".
"Tôi nghĩ, nếu nhìn nhận theo hướng lạc quan, dù tiền bạc không quá dư dả nhưng Tết vẫn sẽ đủ đầy nếu ta biết sắp xếp, vun vén. Bên cạnh đó, trải qua một năm đầy biến động với nhiều mất mát, đau thương, có lẽ một cái Tết yên vui chính là sự sum họp, bình an của tất cả mọi người, chứ không phải "mâm cao cỗ đầy" hay tiền bạc của cải.
Mong rằng dịch bệnh sẽ sớm được đẩy lùi để trẻ em được đến trường, và giáo viên chúng tôi được cống hiến" - giáo viên T. mong mỏi.
Theo dantri.com.vn