Giáo dục và Đào tạo là một trong những ngành bị ảnh hưởng nhiều nhất khi đại dịch Covid-19 xuất hiện và bùng phát. Việc kéo dài học trực tuyến không chỉ ảnh hưởng tới chất lượng giáo dục mà còn kéo theo những hệ lụy về sức khỏe, tâm lý, phát triển thể chất của học sinh.
Giờ học trực tiếp của học sinh Trường THPT Marie Curie quận 3 (thành phố Hồ Chí Minh). Ảnh: THỦY TIÊN
Ngày 19/1, Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp Bộ Y tế tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc về hoạt động dạy học trực tiếp, bảo đảm an toàn phòng, chống dịch trong các cơ sở giáo dục với mục đích tìm giải pháp đưa học sinh trở lại trường ngay sau Tết Nguyên đán.
Theo Vụ trưởng Giáo dục thể chất (Bộ Giáo dục và Đào tạo) Nguyễn Thanh Đề, thời gian qua, cùng với nhiều giải pháp được đặt ra để bảo đảm an toàn cho người học và nhà giáo trong đại dịch, cũng như thúc đẩy việc dạy và học trực tuyến nhằm tránh đứt gãy các hoạt động giáo dục, kiên trì mục tiêu chất lượng giáo dục, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đưa ra các chỉ đạo, hướng dẫn kịp thời về việc mở cửa trường học trở lại. Tính đến ngày 15/1, số học sinh từ 12 đến 17 tuổi được tiêm vắc-xin mũi 1 đạt 90,10%; mũi 2 đạt 72,24%. Số cán bộ, giáo viên, nhân viên được tiêm vắc-xin mũi 2 đạt 82%; mũi 3 đạt 28,2%. Có 43 trong số 63 tỉnh, thành phố đã cho học sinh mầm non đi học trở lại; 46 trong số 63 tỉnh, thành phố cho học sinh tiểu học đến trường; 53 trong số 63 tỉnh, thành phố cho học sinh THCS, THPT (nhất là học sinh khối lớp 7 đến lớp 12) học trực tiếp. Dự kiến đến ngày 7/2, có thêm 8 tỉnh, thành phố cho học sinh đi học trực tiếp.
Một số địa phương nằm trong tâm dịch của đợt bùng phát dịch Covid-19 lần thứ tư như thành phố Hồ Chí Minh, Bắc Giang đang tiến hành từng bước mở cửa trường học. Đại diện Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Hồ Chí Minh cho biết: Số lượng học sinh từ khối lớp 7 đến khối 12 đi học trực tiếp đạt tỷ lệ 98,48%. Hiện Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Hồ Chí Minh đang xem xét để cho học sinh mầm non và tiểu học trở lại trường từ ngày 7/2 trên tinh thần tự nguyện của phụ huynh. Còn Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bắc Giang, Mai Sơn chia sẻ: Đến ngày 18/1, mặc dù số lượng F0 vẫn còn nhiều và phát sinh hằng ngày, nhưng do triển khai thích ứng linh hoạt nên đến nay, toàn tỉnh có 543 trường tổ chức dạy học trực tiếp, chỉ còn 17 trường tổ chức dạy học trực tuyến và 189 trường tổ chức dạy học kết hợp, còn 11 trường mầm non cho trẻ nghỉ học. Để duy trì các hoạt động giáo dục, các nhà trường xây dựng kế hoạch, chủ động tổ chức xét nghiệm tầm soát ngẫu nhiên, định kỳ theo quy định cho cán bộ, giáo viên, người lao động, học sinh trong nhà trường. Tỉnh đã chỉ đạo khoanh vùng ở diện hẹp song vẫn bảo đảm an toàn, nếu lớp học có F0 thì cho lớp đó tạm dừng đến trường, chuyển học trực tuyến, các lớp khác vẫn có thể tổ chức dạy học trực tiếp hoặc kết hợp trực tuyến nếu bảo đảm an toàn.
Ủng hộ chủ trương mở cửa trở lại trường học, đại biểu Quốc hội, GS Nguyễn Anh Trí cho biết đây thật sự là thời điểm phù hợp để đưa học sinh trở lại trường học. Chúng ta chỉ có thể chọn thời điểm an toàn nhất chứ không phải an toàn tuyệt đối. Việc bảo đảm an toàn khi học sinh trở lại trường cần nhất ở ba công đoạn bao gồm ở nhà, trên đường đi và tại trường học. Trong đó, công đoạn ở nhà quan trọng nhất bởi mỗi gia đình có một lối sống khác nhau, cách thức phòng, chống dịch khác nhau. Vì vậy, trước hết, mỗi gia đình phải thật sự an toàn, sau đó mới đến các phương án chống dịch ở nhà trường nếu học sinh đi học trực tiếp. Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cũng ủng hộ chủ trương dạy học trực tiếp trở lại bởi tỷ lệ bao phủ vắc-xin hai mũi trên cả nước đạt gần 100% đối với những người từ 18 tuổi trở lên; trẻ 12 đến 17 tuổi cũng được tiêm vắc-xin. Đồng thời sẵn sàng chuẩn bị tiêm vắc-xin cho trẻ 5 đến 11 tuổi. Bộ Y tế sẽ phối hợp Bộ Giáo dục và Đào tạo xây dựng, ban hành các nội dung, hướng dẫn nhằm bảo đảm an toàn cho học sinh khi trở lại trường và sẵn sàng trao đổi, có hướng dẫn với các vấn đề nảy sinh khi trường học mở cửa trở lại.
Học sinh Trường THCS Vân Đồn, quận 4 (thành phố Hồ Chí Minh) sát khuẩn tay khi vào trường. Ảnh: PHÚ KHÁNH
Theo các chuyên gia, học sinh sẽ gặp vấn đề về tâm lý và sức khỏe thể chất khi phải học trực tuyến, qua truyền hình trong thời gian dài. Vì vậy, giải pháp cần triển khai nhanh chóng hiện nay là đề ra lộ trình đưa học sinh quay trở lại trường học. Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cho rằng, trong tình hình mới, cần có sự ứng phó chủ động và quyết liệt hơn. Nếu kéo dài hơn việc dạy học gián tiếp với các hình thức trực tuyến, trên truyền hình, thì tác động tiêu cực sẽ lớn dần, ảnh hưởng đến chất lượng dạy học, cũng như sức khỏe thể chất, tinh thần của cả người dạy, người học và các đối tượng liên quan. Đến thời điểm này, khi tỷ lệ tiêm vắc-xin trong cộng đồng cao, trong đó có đối tượng học sinh từ 12 đến 17 tuổi; kinh nghiệm phòng, chống dịch, điều kiện y tế dự phòng được tăng cường; chúng ta có đầy đủ căn cứ, kinh nghiệm, điều kiện để quyết tâm thúc đẩy mạnh mẽ hơn việc đưa học sinh quay trở lại trường học. Đây không chỉ là chuyện mở cửa trường học mà còn là củng cố, tái thiết giáo dục sau dịch bệnh.
Bộ Giáo dục và Đào tạo đề nghị lãnh đạo các địa phương, các Sở Giáo dục và Đào tạo, các cơ sở giáo dục cần khẩn trương, kiên quyết, chu đáo để đưa học sinh quay trở lại trường. Cụ thể, học sinh từ 12 đến 17 tuổi đã được tiêm vắc-xin, việc cho các em đi học trực tiếp trở lại sau Tết Nguyên Đán là phù hợp. Còn với trẻ mầm non, học sinh tiểu học, các địa phương cần có sự chuẩn bị khẩn trương, trong đó chuẩn bị về tư tưởng, nhận thức là hết sức quan trọng để tạo sự đồng thuận của phụ huynh, giáo viên, các cấp, các ngành; nhất là sự đồng thuận, hợp tác của phụ huynh. “Không có phương án tuyệt đối đáp ứng mọi yêu cầu nhưng phải chọn phương án tốt nhất, mà tốt nhất ở thời điểm hiện tại là nhanh chóng đưa học sinh trở lại trường”, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh. Ngoài ra, các địa phương lưu ý tránh rơi vào hai trạng thái cực đoan như chần chừ thái quá trong mở cửa hoặc khi chuyển sang trạng thái mới tích cực đưa học sinh tới trường lại chủ quan, chuẩn bị không chu đáo, phó mặc cho nhà trường, thầy, cô…
Trong thời gian tới, Bộ Y tế sẽ sớm có văn bản chỉ đạo điều chỉnh về cách xác định cấp độ dịch, Bộ Giáo dục và Đào tạo theo đó sẽ ban hành văn bản điều chỉnh các văn bản cũ để phù hợp với hướng dẫn của Bộ Y tế trong tình hình mới. Ngoài ra, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ có thêm một số hướng dẫn cho bậc mầm non để tạo thuận lợi cho các địa phương triển khai.
Quỳnh Nguyễn/nhandan.vn
https://nhandan.vn/tin-tuc-giao-duc/mo-cua-an-toan-de-hoc-sinh-duoc-den-truong-682997/