Bị liệt cả tay chân nhưng anh Phùng Văn Trường (43 tuổi, trú tại thôn Nhân Lý, Nam Phương Tiến, Chương Mỹ, Hà Nội) đã khổ công luyện viết chữ bằng miệng và trở thành thầy giáo của hàng chục đứa trẻ trong làng.
Cậu học trò hiếu học
Sinh ra trong gia đình thuần nông tại vùng quê Nhân Lý, cậu bé Trường cũng mạnh khỏe, bụ bẫm như bao đứa trẻ khác. Trong ký ức của nhiều người thân, cậu con trai kháu khỉnh khi ấy thường được bộ đội trong làng gọi là "cậu Liên Xô", vì trông Trường vừa mập mạp, lại chắc khỏe. Tuy nhiên, 2 tuổi, rồi... 3, 4 tuổi, khi các bạn cùng trang lứa đã chạy nhảy khắp sân nhà thì cậu vẫn chưa biết đi, mỗi lần cứ chực đứng lên thì đôi chân lại quỵ xuống.
Năm lên lớp 8, dù rất kiên cường, hiếu học nhưng cậu bé Trường buộc phải nghỉ học vì sức khỏe không cho phép.
Ngày ngày làm bạn với chiếc xe lăn, bố mẹ đi làm, các em người đi học, người đi lấy chồng, một mình anh Trường quanh quẩn trong nhà, chỉ biết nghe đài rồi lại xem phim. Lời dạy của Bác Hồ qua chuyện kể của cô giáo năm nào - "tàn nhưng không phế" lại văng vẳng bên tai, anh quyết chiến thắng số phận, thay đổi cuộc đời mình.
Anh bắt đầu tập viết chữ. Đã có lúc Trường khóc như một đứa trẻ vì khó khăn trong việc viết chữ bằng tay, chân. Không chịu khuất phục, anh nghĩ ra cách ngậm bút vào miệng để tập viết. Lúc đầu, Trường dùng bút bi, nhưng nhựa trơn nên anh vừa cho vào miệng ngậm đã tuột mất. Anh đổi sang bút chì gỗ để viết. Cây bút dài 20 cm, Trường ngậm khoảng 5 cm. Những ngày đầu tập viết rất gian nan. Bút chọc thẳng vào mồm, đau. Mồ hôi, nước mắt và nước miếng ướt đẫm cả tờ giấy. Về sau, anh nghĩ ra cách để không bị bút chọc vào miệng là ngậm bút chéo. Răng hàm, răng cửa giống như những ngón tay kẹp chặt lấy bút. Cổ điều khiển bút đi ngang, đi dọc trên trang giấy. Tập luyện một thời gian, anh Trường viết được bằng miệng.
Anh Phùng Văn Trường viết chữ bằng miệng
Nỗ lực giúp đời, giúp người
Khi viết được chữ, anh bắt đầu dạy học. Vừa bán hàng, vừa trông đứa cháu 6 tuổi cho cô em gái. Ban đầu, anh dạy cháu làm tính, dạy chữ cái, bảo cháu viết chữ.
Từ khi thấy anh Trường kèm cháu tốt, kết quả học tập khá lên, nhiều người hàng xóm đã nhờ kèm con mình những lúc anh Trường rảnh việc. Từ đó, anh Trường bắt đầu luyện chữ, dạy toán, tập đọc, sửa chính tả... những kiến thức cơ bản cho các cháu bậc tiểu học trong vùng. Cũng từ đó, anh Trường được mọi người trong vùng gọi với cái tên thân thương “thầy Trường”.
Năm 2012, anh Trường bén duyên với một cô gái trong vùng và lập gia đình, 2 vợ chồng sau đó sinh con. Vợ anh không ngăn cản mà luôn ủng hộ anh dạy các cháu nhỏ.
Năm 2014, anh Trường được tham gia chương trình “Điều ước thứ 7”. Tại đây, anh Trường đã nói về mơ ước được mở một tủ sách cho các cháu trong vùng có sách để đọc, mở mang kiến thức. Từ sự ủng hộ của mọi người, ngôi nhà vừa ở vừa dạy học của anh Trường hình thành thêm một thư viện cho các cháu trong vùng đến đọc, và mượn sách mang về hoàn toàn miễn phí.
Thư viện miễn phí của "người thầy" tật nguyền có tên Hallo world (tức Chào thế giới), với mong muốn các cháu học tập tốt, vươn xa ra thế giới. Hiện thư viện Chào thế giới đã có hàng ngàn đầu sách, từ sách văn học, toán học, địa lý, lịch sử...
"Những năm qua, nhiều nhà hảo tâm đã ủng hộ, quyên góp được hàng trăm đầu sách để vận chuyển lên tặng các cháu vùng cao khó khăn, cho các cháu được mở mang tri thức" - anh Trường nói.
Hằng ngày, căn nhà nhỏ của anh Trường không ngớt tiếng đọc bài, làm toán, tiếng ríu rít nói cười. Với anh, niềm hạnh phúc chỉ đơn giản là sống lạc quan, vui vẻ mỗi ngày bên gia đình, bên các em nhỏ nơi đây.
Đông Hồ/nld.com.vn