Tiếng lòng của nhà giáo đang được vị tư lệnh ngành lắng nghe và thấu hiểu!

Thứ 5, 03.02.2022 | 10:27:15
359 lượt xem

"Phát triển con người là gốc rễ" - Lời chia sẻ, gửi gắm của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn trên báo Dân Trí sáng mồng 1 Tết làm nức lòng giáo giới chúng tôi quá đỗi!


Tiếng lòng của nhà giáo đang được vị tư lệnh ngành lắng nghe và thấu hiểu! - 1

Người thầy đóng vai trò cốt yếu vào sự thành công của bất kỳ công cuộc đổi mới giáo dục nào (Ảnh: DT).

Nỗ lực của ngành giáo dục suốt hai năm quay cuồng cùng diễn biến bất thường của dịch bệnh thật đáng trân trọng. Và nhân dịp năm mới, Bộ trưởng mong mỏi lẫn quyết tâm "Đảm bảo an toàn học đường cho học sinh học tập trực tiếp", khẳng định "Có thầy giỏi sẽ có trò giỏi" và kiên định với mục tiêu "Phát triển con người là gốc rễ".

Giấc mơ đưa trẻ đến trường sau ngày dài quẩn quanh trong lớp học trực tuyến thiếu hụt kết nối, tương tác ngày càng bức thiết hơn bao giờ hết. Bọn trẻ đang khao khát vô cùng bước chân tung tăng đến trường, gặp thầy gặp bạn và học bao điều hay, làm nghìn việc tốt. Giấc mơ ấy giờ hiện hữu khi dịch bệnh đang dần được kiểm soát, tỷ lệ bao phủ vắc-xin đang tăng dần và trường học chủ động lên phương án phòng dịch hiệu quả.

Người thầy đóng vai trò cốt yếu vào sự thành công của bất kỳ công cuộc đổi mới giáo dục nào. Và "quả ngọt" mà người thầy cần mẫn, chắt chiu gieo trồng, vun xới chính là những cô cậu học sinh đủ đức, đủ tài rời mái trường tung cánh đi muôn phương. Có nỗi nhớ đầy vun trong tim, có lời tri ân luôn khắc tạc, có cả những bội bạc, lãng quên…

Chọn nghiệp "phấn trắng bảng đen" làm lẽ sống, bao người thầy vẫn miệt mài chèo chống từng "chuyến đò ngang". Thành tích vượt trội của trò là nụ cười. Một sự tiến bộ dẫu nhỏ nhoi của trò là niềm vui. Rồi dòng đời tấp nập, bỗng thánh thót nghe "Cô ơi", "Thưa thầy" là hạnh phúc đã ngập tràn…

Giáo dục liên tục đổi mới rồi sự chuyển dịch của thời cuộc tác động khiến nhiều giá trị đổi thay, trong đó có mối quan hệ thầy - trò, giáo viên - phụ huynh, nhà trường - xã hội.

Áp lực đè nặng đôi vai người thầy, trách nhiệm mà ngành giáo giao phó ngày càng đầy vun hơn nhưng sự thấu hiểu và đồng hành từ gia đình và xã hội để vun bồi tri thức, rèn giũa năng lực và trau dồi phẩm chất cho thế hệ trẻ tương lai đang sóng sánh ít nhiều. Chính điều này đôi lúc khiến lòng người cứ chênh chao…

May mắn thay, tiếng lòng của nhà giáo nơi nơi đang được vị tư lệnh ngành lắng nghe và thấu hiểu! Chúng tôi còn nhớ như in ngay sau khi tiếp nhận trọng trách gánh vác ngành giáo dục, Bộ trưởng đã thay chúng tôi cất lên tiếng nói về vai trò cốt yếu và trách nhiệm lớn lao của người thầy trong sự nghiệp "trồng người", về những áp lực đè nén đi kèm với nỗi trăn trở về chất lượng giáo dục, về con đường neo giữ vị thế nhà giáo xứng đáng với "nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý"!

Trong bối cảnh giáo dục nước nhà đang tồn tại những "góc khuất" đáng buồn về nạn dạy học thêm tràn lan, căn bệnh thành tích trầm kha, bạo lực học đường bùng phát… thì bức "tâm thư" của Bộ trưởng quả thật là cơn gió mát lành xoa dịu những trắc trở, tổn thương trong lòng giáo viên lẫn phụ huynh và học sinh.

"Hãy nhìn về phía học trò thân yêu, lẽ phải cao nhất và sự bù đắp lớn nhất nằm ở đó!" - Lời khẳng định của Bộ trưởng cách đây chưa lâu đã tiếp thêm sức mạnh cho giáo giới chúng tôi vững tin vào sự nghiệp trồng người của mình. Hơn ai hết, học sinh của chúng ta là người tường tận nhất, thấu hiểu nhất về người thầy nào giỏi chuyên môn, người thầy nào giàu nhiệt tâm.

Chính các em sẽ tự nhiên khắc tạc những bức tượng đài về người thầy mẫu mực trong tâm trí mình. Tấm gương sáng của thầy sẽ soi chiếu và neo giữ những giá trị tích cực trong nhận thức, thái độ và hành động của người học. Để rồi mỗi thế hệ học sinh rời mái trường sẽ mang theo một lời tri ân, có thể dễ dàng bật thốt ở bờ môi, cũng có thể chỉ hiển hiện qua việc phấn đấu trở thành một công dân tốt, gương mẫu!

Một người thầy mẫu mực cần không ngừng học tập, trau dồi chuyên môn đáp ứng những chuyển động không ngừng nghỉ của hệ thống giáo dục. Một người thầy giàu nhiệt tâm uốn nắn học sinh hướng về những điều tử tế, vừa làm cha mẹ nghiêm khắc vừa đóng vai trò bạn bè thấu hiểu hẳn là lắm nhọc nhằn.

Chỉ cần ngọn lửa nhiệt huyết vẫn bừng bừng cháy, tấm lòng vì học sinh thân yêu của chúng ta chắc chắn sẽ được xã hội ghi nhận và phụ huynh thấu hiểu. Và để neo giữ vị thế của người thầy, không phải cứ hô hào là có, không phải cứ đòi hỏi là được! Vị thế ấy phải do chính chúng ta tạo dựng, xây đắp mỗi ngày đến lớp, mỗi tiết đứng trên bục giảng và cả những đêm dài miệt mài tự học, tự bồi dưỡng…


Nguyễn Thanh/dantri.com.vn

https://dantri.com.vn/giao-duc-huong-nghiep/tieng-long-cua-nha-giao-dang-duoc-vi-tu-lenh-nganh-lang-nghe-va-thau-hieu-20220202135424872.htm

  • Từ khóa