Nhiệm kỳ làm Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ của TS. Nguyễn Quân có thể ví như một cuộc đua đường trường kéo dài 4 năm 249 ngày mà mỗi ngày ông đều lao về phía trước với tâm thế chạy nước rút.
Dù đã coi là cán đích thành công, chính trị gia xuất thân từ Bách khoa Hà Nội cảm thấy còn nhiều việc có thể làm cho khoa học Việt Nam. Giờ đây ở tuổi gần 70, ông vẫn đang cần mẫn theo đuổi giấc mơ giúp các nhà khoa học Việt Nam được sống và sống được với đam mê nghiên cứu.
TS. Nguyễn Quân, nguyên Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (Ảnh: Hạnh Phạm).
Tốt nghiệp loại giỏi ngành nhiệt điện Bách khoa Hà Nội năm 1977, tân kỹ sư Nguyễn Quân được Nhà trường giữ lại làm giảng viên. "Gần 27 năm công tác ở Bách khoa Hà Nội đã cho tôi nhiều thứ, đặc biệt rèn luyện tôi sẵn sàng cho những vị trí lãnh đạo cao hơn sau này," ông nhớ lại.
Ngay từ khi còn ở Bách khoa Hà Nội, ông Nguyễn Quân đã trăn trở với hai vấn đề: Khi bước vào nền kinh tế thị trường, hệ thống quản lý khoa học Việt Nam phải tuân theo các quy luật của kinh tế thị trường bao gồm quy luật cạnh tranh, quy luật cung - cầu và quy luật giá trị; Khoa học Việt Nam phải tiệm cận với thông lệ quốc tế, nghĩa là vốn đầu tư của Nhà nước phải được cấp theo cơ chế quỹ và nhà khoa học cần được tin tưởng và có quyền tự chủ cao trong việc nghiên cứu.
Năm 2003, TS. Nguyễn Quân rời Bách khoa. 8 năm sau, ông đảm nhận vị trí Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN).
Khi tham gia vào đội ngũ lãnh đạo Bộ Khoa học và Công nghệ, TS. Nguyễn Quân càng trăn trở với giấc mơ "cơ chế thị trường" và "thông lệ quốc tế". Nếu giải quyết được hai vấn đề này, ông tin Việt Nam sẽ giải quyết được vấn đề hiệu quả hoạt động khoa học và thúc đẩy các sản phẩm khoa học ra xã hội.
"Tôi vẫn còn nợ các nhà khoa học Việt Nam"
Nhìn lại nhiệm kỳ Bộ trưởng Bộ KH&CN của mình, TS. Nguyễn Quân không kể nhiều về khối lượng công việc đồ sộ, càng không phàn nàn về những khó khăn. Ông chỉ cảm thấy dư vị của sự luyến tiếc.
"Tôi vẫn cảm thấy còn nợ các nhà khoa học Việt Nam vì họ chưa thực sự sống được bằng sáng chế và kết quả NCKH, mặc dù Nghị quyết 20 của Trung ương Đảng và Luật KH&CN 2013 đã có nhiều quy định mang tính đổi mới căn bản, các Nghị định và Thông tư hướng dẫn đã thể chế hóa cụ thể, nhưng cho đến nay vẫn chưa đi vào cuộc sống"- TS. Nguyễn Quân nói.
Năm 2012, Bộ trưởng KH&CN Nguyễn Quân tháp tùng Thủ tướng trong chuyến thăm chính thức Hàn Quốc. Dù lịch trình dày đặc sự kiện, ông vẫn thuyết phục Thủ tướng tới thăm Viện KH&CN Hàn Quốc (KIST) - 1 trong 10 viện nghiên cứu hàng đầu thế giới, các nghiên cứu của KIST đóng góp gần 30% giá trị gia tăng sản phẩm công nghiệp của Hàn Quốc.
"Thời tôi còn làm việc ở Bách khoa Hà Nội, Hiệu trưởng Hoàng Văn Phong đưa cho đọc cuốn sách của ông Choi Hung-Sup (Viện trưởng đầu tiên của KIST) về lịch sử hình thành và phát triển Viện KIST. Từ lúc đó, tôi đã mơ ước Việt Nam có một viện khoa học tầm cỡ như vậy", TS. Nguyễn Quân nói.
Sau khi lắng nghe Bộ trưởng KH&CN tư vấn, Thủ tướng đề nghị Hàn Quốc giúp Việt Nam xây dựng một viện khoa học theo mô hình Viện KIST. Và trong cuộc hội đàm giữa hai lãnh đạo quốc gia, Hàn Quốc đồng ý viện trợ không hoàn lại cho Việt Nam 35 triệu USD để xây dựng viện khoa học và công nghệ Việt Nam - Hàn Quốc (VKIST).
Theo TS. Nguyễn Quân, yếu tố chính giúp KIST phát triển là ngay khi đi vào hoạt động, KIST được
"Chỉ những người ở vị trí lãnh đạo có tư duy khoa học mới có khả năng tạo ra những thay đổi đột phá" - TS. Nguyễn Quân.
áp dụng cơ chế tự chủ, có đạo luật riêng để thoát khỏi sự cản trở của các luật khác, được Tổng thống trực tiếp đỡ đầu và chỉ đạo. Viện được quyền tuyển dụng các nhà khoa học và có chính sách đãi ngộ thỏa đáng.
"Tổng thống Hàn Quốc còn thông qua cơ chế trả lương cho các nhà khoa học KIST cao hơn lương của chính Tổng thống, cho dù Quốc hội phản đối."- TS. Nguyễn Quân cho biết.
Ngay trong nhiệm kỳ Bộ trưởng, ông đã đề xuất và vận động Chính phủ trình Quốc hội ban hành một luật riêng cho một viện khoa học như vậy ở Việt Nam nhưng thất bại. "Quốc hội không đồng ý việc xây dựng luật riêng cho một đơn vị sự nghiệp vì chưa có tiền lệ" - TS. Nguyễn Quân nói về giấc mơ dang dở.
"Giờ chúng tôi tập trung đầu tư cho ước mơ, khát vọng của người trẻ, của các nhà khoa học trẻ. Một phần là một cách đền đáp tiếp nối," TS. Nguyễn Quân bộc bạch (Ảnh: Hạnh Phạm).
Về Bách khoa Hà Nội, viết tiếp giấc mơ
"Một trong những bất cập còn tồn tại trong lĩnh vực khoa học và công nghệ của Việt Nam là chưa định giá được tài sản trí tuệ của nhà khoa học và thiếu chế tài quản lý tài sản trí tuệ." - TS Nguyễn Quân nói về lý do ra đời của BK Fund.
Ông chỉ ra thực trạng Việt Nam hiện không hỗ trợ hiệu quả được doanh nghiệp khởi nghiệp nội địa do không đánh giá được tiềm năng phát triển và thị trường sản phẩm của các doanh nghiệp này, cũng như thiếu nguồn lực đầu tư mạo hiểm cho doanh nghiệp khởi nghiệp. Hậu quả là nhiều công ty khởi nghiệp công nghệ dần rơi vào tay các quỹ đầu tư nước ngoài.
Theo DealStreetAsia, tính đến hết tháng 9/2021, có hơn 17,2 tỉ USD đổ vào 696 thương vụ đầu tư nói chung trên toàn khu vực Đông Nam Á. Dẫn đầu là Singapore. Vị trí thứ 2 thuộc về Indonesia. Việt Nam đứng vị trí thứ 3 với 10,9% số thương vụ và 8,1% giá trị mỗi thương vụ.
Công ty đầu tư mạo hiểm Patamar Capital ước tính có ít nhất khoảng 600 triệu USD từ nước ngoài sẵn sàng đầu tư vào Việt Nam năm 2022, trong đó chưa tới 1/3 số tiền này đến từ hơn 10 quỹ nội, vườn ươm nội.
"Một doanh nghiệp khởi nghiệp Việt Nam với số vốn đầu tư mạo hiểm vài trăm triệu đồng cũng có khả năng phát triển thành doanh nghiệp kỳ lân đạt mức định giá hàng tỷ USD," TS. Nguyễn Quân nói. "Và nếu doanh nghiêp này vì lý do nào đó phải đăng ký kinh doanh ở nước ngoài và khi thành công lại đóng thuế cho nước ngoài thì Việt Nam thua thiệt thế nào? Nếu nghĩ rộng ra với những phát minh, sáng chế hoặc sản phẩm công nghệ có tầm ảnh hưởng quốc gia, thậm chí tầm thế giới, việc chúng ta không quản lý được tài sản trí tuệ sẽ khiến đất nước chịu tổn thất lớn."
Mang theo trăn trở đó, nguyên Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Quân, hiện là Chủ tịch Mạng lưới cựu sinh viên của Đại học Bách khoa Hà Nội, đã huy động sức mạnh của con người Bách khoa để thành lập BK Fund - Quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo Bách khoa, thực chất là quỹ đầu tư mạo hiểm đầu tiên của một trường đại học công lập của Việt Nam.
Quỹ BK Fund huy động "chất xám" và vốn góp từ chính mạng lưới hàng nghìn cựu sinh viên cùng các nhà nghiên cứu của Bách khoa Hà Nội. BK Fund tập trung vào các công ty khởi nghiệp hạt giống hoặc tiền hạt giống của sinh viên, cựu sinh viên, và nhà khoa học xuất thân từ Bách khoa Hà Nội.
Sau gần một năm hoạt động, Quỹ BK Fund đã phê duyệt đầu tư vào 5 dự án khởi nghiệp, trong đó đã giải ngân cho ba công ty hoạt động trong ba lĩnh vực khác nhau bao gồm tài chính, giáo dục và y tế, theo báo cáo tại Đại hội các Nhà đầu tư BK Fund 2021. BK-Fund dự kiến sẽ tăng gấp đôi số vốn lên 35 tỷ đồng để rót vào 22 dự án khởi nghiệp trong năm 2022.
"Giờ chúng tôi tập trung đầu tư cho ước mơ, khát vọng của người trẻ, của các nhà khoa học trẻ. Một phần là một cách đền đáp tiếp nối," TS. Nguyễn Quân bộc bạch. "Nhưng quan trọng hơn cả, thành công của họ sẽ là câu trả lời thuyết phục cho cơ chế quản lý tài chính và quản lý khoa học mà chúng ta đã mất nhiều thời gian, công sức bàn về việc đổi mới nhưng chưa có kết quả đột phá."
Hạnh Phạm/dantri.com.vn