Gia đình quay trở lại TPHCM sau kỳ nghỉ Tết, nhà chị Hà rơi vào cảnh: Bố mẹ đi làm, đứa 9 tuổi vừa học vừa trông đứa 4 tuổi...
Không thể chờ thêm
Gần cả năm qua vật lộn với cảnh giãn cách, bố mẹ đi làm, con nghỉ học nhưng đây mới là tuần lễ căng thẳng của vợ chồng chị Lê Ngọc Hà, ở thành phố Thủ Đức, TPHCM. Cô giúp việc về quê chưa quay lại, vợ chồng đều phải đi làm, đành để đứa 9 tuổi vừa học vừa trông đứa 4 tuổi...
Sáng chị đi làm, cô út ôm chân mẹ khóc không chịu rời. Các bé đều sốc với lịch mới sau kỳ nghỉ Tết đã quen có bố mẹ bên cạnh.
Một học sinh lớp 3 vừa học online vừa giữ em tại nhà vì ảnh hưởng của dịch Covid-19 (Ảnh: HN).
"Ngày đầu lên công ty chúc Tết mà tôi suốt ruột không yên, gọi cho con liên tục để xem tình hình. Chắc hôm nay tôi phải xin nghỉ sớm để về với các con", chị Hà nói.
Người mẹ cho hay, chị đếm từng ngày mong đến 14/2 để con quay trở lại trường. Để các con được đi học, gặp gỡ bạn bè, mọi người và cũng để giải quyết khó khăn cho bố mẹ. Một tuần phía trước với chị giờ dài dằng dặc...
Từng kiên quyết "còn dịch bệnh còn ở nhà", "học cả đời, nghỉ một năm không sao"... nhưng gần đây chính anh Nguyễn Văn Minh, ở Gò Vấp, TPHCM lại mong mỏi con được quay lại trường ngay, càng sớm càng tốt.
Thuận lợi hơn nhiều gia đình khi có người giữ con nhưng anh Minh ngày càng thấy rõ những bất ổn các con đang phải đối mặt khi đang ở nhà quá lâu, mất kết nối với môi trường học đường.
Bé lớn con anh học lớp 4, phải nói rất tự lập, có thể tự ăn, tự học, tự chơi nhiều trò. Vậy nhưng, ở nhà quá lâu, từ một đứa trẻ vui tươi, nhẹ nhàng cháu trở nên hay cáu gắt, khó chịu. Trong người cháu như mang hòn đá nặng trịch mà vợ chồng anh nỗ lực mọi cách cũng chỉ có thể giảm tổn thương phần nào.
Nhưng bé sau mới thật sự đáng thương. Bé 4 tuổi, do ảnh hưởng của dịch bệnh, tính đến nay chỉ hơn hai tháng được đến trường hồi đầu năm 2021. Gần hai năm qua, hầu hết cháu chỉ ở trong nhà, đi lại quanh quẩn cũng rất hiếm.
"Cháu không thuộc các bài hát, ít nói chuyện, không có bạn, sử dụng điện thoại nhiều. Mấy năm qua, con nhìn cuộc sống, mọi người xung quanh qua... lớp khẩu trang", ông bố trải lòng.
Theo anh Minh, cuộc sống, mọi việc của người lớn chỉ có thể thật sự "bình thường mới" một cách ổn định khi con trẻ quay lại trường. Không ông bố người mẹ nào có thể yên tâm, làm việc hiệu quả khi con nhỏ còn vật vờ, không được học hành, thiếu an toàn. Chưa kể, anh băn khoăn, lo lắng về dịch bệnh phải chăng đã làm chúng ta quên đi những tổn thương tâm lý, sự phát triển lên con trẻ mà có thể bây giờ chưa hiện hữu?
Anh Minh cho rằng, cho trẻ quay lại trường là việc cần làm ngay, không thể chờ thêm, dù chỉ một hai ngày. Đi làm đầu năm mà anh chỉ mong nhanh qua tuần sau, hai vợ chồng sẽ đích thân đưa con đến trường. Hiện tại, anh cũng đang chuẩn bị tâm lý, kỹ năng cần thiết cho con quay lại trường.
Khảo sát về việc cho trẻ đi học lại của TPHCM qua các đợt cũng ghi nhận nhiều thay đổi theo hướng mong con quay lại trường. Thay vì "sợ" cho con đi học lại như dịp đầu tháng 12/2021 thì nay tỷ lệ phụ huynh đồng thuận cho con trở lại trường sau Tết Nguyên đán tăng cao.
Kế hoạch TPHCM đón 1,7 triệu học sinh trở lại trường
Sau hơn 9 tháng nghỉ tránh dịch và lần lượt đi học lại theo khối lớp, TPHCM quyết định đón học quay lại trường vào ngày 14/2 tới.
Đối với bậc mầm non, Sở GD-ĐT TPHCM hướng dẫn tuần đầu tiên 14-18/2, các trường chưa tổ chức ăn sáng. Từ tuần thứ hai 21-25/2, trường bắt đầu tổ chức hoạt động theo nội dung chương trình và thời gian năm học, xây dựng các hoạt động tại nhóm lớp, tăng cường cho trẻ làm bài tập cá nhân. Trường ưu tiên cho trẻ mẫu giáo 5 tuổi làm quen chữ viết, toán để chuẩn bị vào lớp 1.
TPHCM lên kế hoạch đón học sinh từ bậc mầm non quay lại trường từ ngày 14/2 (Ảnh: CTV).
Ở địa bàn cấp độ 1 và 2, toàn bộ trẻ từ 25 tháng tuổi trở lên được đến trường, tổ chức đầy đủ hoạt động bán trú, ăn sáng từ tuần thứ hai. Ở địa phương cấp độ 3, chỉ tổ chức cho trẻ 4-6 đến trường; không tổ chức ăn sáng, hạn chế hoạt động ngoại khóa. Ở địa phương thuộc cấp độ 4, trẻ chưa đến trường.
Ở tiểu học, ở địa bàn cấp độ 1, nhà trường được hoạt động dạy hai buổi mỗi ngày hoặc bán trú cho tất cả khối theo nhu cầu của học sinh, phụ huynh.
Trong tuần đầu, giáo viên hướng dẫn học sinh thói quen phòng dịch; củng cố, nắm bắt học sinh về hiệu quả học trực tuyến. Tổ chức kiểm tra định kỳ học kỳ I cho học sinh khối 1, 2.
Từ tuần thứ hai trở đi, trường được tổ chức đầy đủ các hoạt động theo tiến độ của chương trình, kể cả các chương trình tăng cường tiếng Anh, học tiếng Anh với người nước ngoài, kỹ năng sống, các câu lạc bộ ngoài giờ.
Ở địa phương thuộc cấp độ 2, trong tuần đầu, nhà trường được dạy học hai buổi, bán trú cho khối 1, 2, 5. Riêng khối 3, 4 chỉ học trực tiếp một buổi. Công việc trong các tuần tiếp theo được thực hiện tương tự địa bàn ở vùng xanh.
Các trường ở địa bàn cấp độ 3 chỉ tổ chức cho lớp 1, 2, 5 học một buổi; học sinh khối 3, 4, 5 học trực tuyến. Với địa bàn cấp độ 4, tất cả trường tiếp tục tổ chức dạy trực tuyến.
Sở GD-ĐT TPHCM cũng nhấn mạnh, sau khi các cơ sở giáo dục thực hiện công tác chuẩn bị đón học sinh quay lại trường, từ ngày 10/2, các trường tổ chức họp cha mẹ học sinh triển khai các vấn đề cần lưu ý trong công tác phối hợp với nhà trường trong chăm sóc, giáo dục học sinh trong điều kiện mới.
Hoài Nam/dantri.com.vn