Một phương châm giáo dục được Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhắc đi nhắc lại nhiều lần khi làm việc với Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), với ngành giáo dục, với các thầy, cô giáo và nhà trường là phải “lấy học sinh là trung tâm, giáo viên là động lực, nhà trường là nền tảng”, coi đây là thế chân kiềng vững chắc để góp phần thúc đẩy, nâng cao chất lượng GD&ĐT trong tình hình hiện nay.
Theo Thủ tướng, trước nay chúng ta vẫn xác định phương châm “lấy học sinh là trung tâm” trong toàn bộ quá trình giáo dục. Điều này đúng song chưa đủ. Vì vậy, cần phải bổ sung yếu tố giáo viên là động lực, nhà trường là nền tảng để tạo nên chỉnh thể thống nhất biện chứng trong nhận thức, tư duy và hành động của ngành giáo dục nói riêng, toàn xã hội nói chung đối với việc chấn hưng và nâng cao chất lượng sự nghiệp “trồng người” của nước nhà.
Giáo dục là quốc sách hàng đầu. Ảnh minh họa: Tuyengiao.vn. |
Lấy “học sinh là trung tâm” có ý nghĩa quan trọng nhất, vì học sinh là chủ nhân tương lai của đất nước, là đối tượng trực tiếp thụ hưởng giáo dục, là người tiếp thu kiến thức văn hóa, khoa học. Do đó, mọi hoạt động của giáo viên và nhà trường phải luôn xoay quanh “trục chính” là học sinh, hướng tới sự phát triển toàn diện của học sinh cả về đức, trí, thể, mỹ. Đồng thời, giáo viên và nhà trường cần thông qua các biện pháp thiết thực, nhân văn, phù hợp để khích lệ, khơi dậy, phát huy vai trò của học sinh trong học tập, tu dưỡng, rèn luyện, qua đó giúp các em nhận thức đúng, xác định rõ vị thế chủ thể của mình là nhân tố quan trọng nhất để bản thân tiến bộ, trưởng thành.
Lấy “giáo viên là động lực” bởi lẽ giáo viên là lực lượng chủ yếu thúc đẩy, nâng cao chất lượng giảng dạy, giáo dục học sinh. Không ai khác, chính giáo viên là người “truyền lửa”, niềm tin, niềm cảm hứng, tinh thần năng lượng tích cực cho học sinh say mê, thích thú với việc tiếp thu kiến thức, hấp thụ bài giảng, ham học thầy, hỏi bạn để không ngừng làm giàu tri thức cho bản thân. Mặt khác, đội ngũ giáo viên cũng là “đòn bẩy” tạo ra những sáng kiến, hiến kế, giải pháp thiết thực, khả thi để tạo dựng động lực nâng cao chất lượng GD&ĐT đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước và hội nhập quốc tế.
Lấy “nhà trường là nền tảng” vì nhà trường là nơi tạo ra nền móng về mọi mặt (cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, sách giáo khoa, giáo trình, học liệu...) để phục vụ nâng cao chất lượng dạy học. Bên cạnh đó, nhà trường còn là nơi kiến tạo môi trường văn hóa học đường lành mạnh, tạo lập và phát huy mối quan hệ thầy-trò tốt đẹp; đồng thời giữ vai trò phối hợp, gắn kết giữa giáo dục gia đình và giáo dục xã hội. Ngoài ra, vai trò nền tảng của nhà trường còn thể hiện ở góc độ kiến tạo các giá trị về văn hóa công sở, văn hóa quản trị, đưa mọi hoạt động giáo dục vào nền nếp khoa học, nhân văn, theo đúng tinh thần “Kỷ cương, tình thương, trách nhiệm” và “Tất cả vì học sinh thân yêu”.
Có thể khẳng định, việc xác định và thực hiện phương châm “Lấy học sinh là trung tâm, giáo viên là động lực, nhà trường là nền tảng” trong giáo dục có ý nghĩa quan trọng cả về nhận thức và thực tiễn. Về mặt nhận thức, phương châm này góp phần giúp giáo viên, nhà trường và học sinh (sinh viên) hiểu rõ về vị trí, ý nghĩa, vai trò của từng yếu tố cấu thành hoạt động giáo dục, đặt các yếu tố trong tổng thể mối quan hệ thống nhất biện chứng, không tuyệt đối hóa hay coi nhẹ yếu tố nào.
Về mặt thực tiễn, khi thực hiện phương châm này sẽ phát huy được sức mạnh tổng hợp của cả giáo viên, học sinh (sinh viên) và nhà trường để góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện. Mặt khác, khi hiện thực hóa phương châm này cũng không ngoài mục đích làm cho “Thầy ra thầy, trò ra trò, trường ra trường” mà sinh thời Thủ tướng Phạm Văn Đồng, một nhà văn hóa lớn từng mong muốn đối với ngành giáo dục. Đó cũng là cái đích hướng tới một nền giáo dục “Học sinh hạnh phúc, thầy cô hạnh phúc và nhà trường hạnh phúc”.
PHÚC NỘI.qdnd.vn