Cơ sở giáo dục phải xây dựng được kế hoạch giáo dục nhà trường phù hợp với điều kiện thực tiễn; phải xây dựng phân phối chương trình và xếp thời khóa biểu không quy định “cứng” trong cả học kỳ mà linh động theo từng tuần, bảo đảm tính khoa học, sư phạm và phù hợp với thực tiễn.
Tham dự Hội nghị có đại diện lãnh đạo các vụ, cục thuộc Bộ (điểm cầu Bộ GD&ĐT) và đại diện lãnh đạo 63 Sở GD&ĐT (điểm cầu các địa phương)
Ngày 18/2, Bộ GD&ĐT tổ chức Hội nghị trực tuyến đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ học kỳ I năm học 2021-2022 đối với giáo dục phổ thông.
Trong thời gian qua, ngành giáo dục thường xuyên nhận được sự chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền địa phương, sự quan tâm, đồng thuận của cha mẹ học sinh và cộng đồng xã hội. Chú trọng duy trì, mở rộng số lượng lớp học, bổ sung phòng học kiên cố, bán kiên cố và giảm số phòng học tạm, mượn, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục, sẵn sàng thực hiện hiệu quả chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Việc triển khai thực hiện kế hoạch tập huấn, bồi dưỡng giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục đạt được những kết quả tích cực. Bên cạnh kết quả đạt được từ mô hình bồi dưỡng thường xuyên, liên tục, ngay tại trường qua mạng với sự hỗ trợ của đội ngũ giáo viên cốt cán, cán bộ quản lý giáo dục phổ thông cốt cán và giảng viên sư phạm chủ chốt, Bộ GD&ĐT đã tổ chức các kỳ tập huấn chuyên đề góp phần nâng cao năng lực tổ chức dạy học thích ứng phòng chống dịch COVID-19.
Các cơ sở giáo dục đã xây dựng kế hoạch và phương án dạy học trong điều kiện phòng, chống dịch COVID-19 bảo đảm an toàn. Đa số giáo viên đồng thuận, tích cực ứng dụng công nghệ thông tin vào quá trình dạy học; chủ động, tự giác học tập, bồi dưỡng kỹ năng, xây dựng và lựa chọn học liệu; bước đầu biết sử dụng các ứng dụng, phần mềm dạy học khi được tập huấn. Phần lớn cha mẹ học sinh đồng tình với chủ trương của ngành trong dạy học trực tuyến; tạo các điều kiện học tập cho con em mình như: Máy tính, laptop, điện thoại thông minh, kết nối mạng.
Các nhà trường đã chú trọng đổi mới công tác quản lý, quản trị trường học theo hướng phát huy tính chủ động, linh hoạt của nhà trường và năng lực tự chủ, sáng tạo của tổ chuyên môn, giáo viên trong việc thực hiện chương trình giáo dục phổ thông, tập trung dạy học những nội dung cốt lõi theo hướng dẫn của Bộ GD&ĐT.
Đồng thời, khai thác, sử dụng sách giáo khoa, các nguồn học liệu, thiết bị dạy học hiệu quả, phù hợp thực tiễn; vận dụng linh hoạt các phương pháp, hình thức tổ chức dạy học nhằm phát triển năng lực, phẩm chất học sinh.
Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản trị hoạt động giáo dục của nhà trường; bảo đảm tính dân chủ, công khai, thống nhất giữa các tổ chức trong nhà trường; phối hợp giữa nhà trường, cha mẹ học sinh và các cơ quan, tổ chức có liên quan tại địa phương trong việc tổ chức thực hiện kế hoạch giáo dục của nhà trường.
Đến nay cơ bản các địa phương đã hoàn thành chương trình học kỳ I và triển khai thực hiện chương trình học kỳ II theo đúng kế hoạch, thời gian năm học.
Tuy nhiên, dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, ảnh hưởng không nhỏ đến việc tổ chức các hoạt động dạy học, giai đoạn đầu năm học, nhiều học sinh phải học trực tuyến để bảo đảm các biện pháp phòng, chống dịch. Đến nay, nhiều địa phương đã đón học sinh trở lại trường học tập nhưng chưa được tổ chức dạy học 2 buổi/ngày.
Chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý không đồng đều, còn thừa thiếu cục bộ. Cơ sở vật chất tại các cơ sở giáo dục vẫn chưa đáp ứng đầy đủ các điều kiện để thực hiện chương trình và các nhu cầu phục vụ học tập khác của các trường...
Việc triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018 giữa bối cảnh trong nước và thế giới chịu tác động của dịch COVID-19 lên mọi mặt đời sống xã hội đã tác động không nhỏ đến quá trình giáo dục tại các địa phương, dẫn đến việc biên soạn, lựa chọn, bồi dưỡng, tập huấn, in ấn, phát hành, sử dụng sách giáo khoa và trình phê duyệt tài liệu giáo dục địa phương gặp những trở ngại nhất định.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ nhấn mạnh để chuẩn bị tốt cho học kỳ II, các địa phương tập trung vào một số nội dung quan trọng. Trước hết về an toàn phòng chống dịch, lưu ý không chủ quan, lơ là nhưng cũng không quá hoang mang, căng thẳng. Các nhà trường nỗ lực vận động học sinh ra lớp, cố gắng chỉ có lớp học trực tuyến chứ không có trường học trực tuyến; nhưng phải bảo đảm yêu cầu phòng chống dịch.
Về chương trình giáo dục phổ thông 2018, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ cho rằng, triển khai chương trình mới trong điều kiện bình thường đã khó, trong điều kiện dịch bệnh lại càng khó khăn, nên rất cần sự quyết tâm, nỗ lực cố gắng của các nhà trường, địa phương. Nhắc lại những điểm mới của chương trình 2018, Thứ trưởng đặc biệt lưu ý từng cơ sở giáo dục phải xây dựng được kế hoạch giáo dục nhà trường phù hợp với điều kiện thực tiễn; phải xây dựng phân phối chương trình và xếp thời khóa biểu không quy định "cứng" trong cả học kỳ mà linh động theo từng tuần, bảo đảm tính khoa học, sư phạm và phù hợp với thực tiễn.
Bên cạnh đó, các địa phương cần quan tâm liên quan đến đội ngũ giáo viên, nhấn mạnh đến nội dung bồi dưỡng, đào tạo và tạo động lực cho đội ngũ. Theo đó, cần tập trung bồi dưỡng đại trà để không xảy ra trường hợp giáo viên chưa được bồi dưỡng đứng lớp. Quan tâm tới việc đào tạo, tổ chức các lớp để giáo viên có điều kiện được nâng chuẩn. Thầy cô cũng rất cần một môi trường làm việc năng động, sáng tạo, thân thiện, tạo được động lực để có thể làm việc hiệu quả nhất.
Về cơ sở vật chất, các địa phương dựa trên văn bản quy định của Bộ GD&ĐT để mua sắm trang thiết bị, đồ dùng dạy học phù hợp; không được để thiết bị về trường nhưng không ra lớp. Tiếp tục quan tâm đến việc xây dựng trường chuẩn quốc gia và thực hiện kiểm định chất lượng giáo dục. Thực hiện phân bổ ngân sách cho giáo dục đúng theo Quyết định 30 của Thủ tướng Chính phủ về nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ dự toán chi thường xuyên ngân sách Nhà nước năm 2022: dành 81% nguồn ngân sách phân bổ cho giáo dục để chi lương và các khoản theo lương; 19% là chi khác.
Nhật Nam/baochinhphu.vn
https://baochinhphu.vn/trien-khai-nhiem-vu-hoc-ky-ii-cua-giao-duc-pho-thong-102220218161301036.htm