Chiều 18-2 đã khai mạc hội thảo khoa học quốc tế “Những vấn đề giao lưu tiếp biến văn hóa trong bối cảnh dạy tiếng Nga như một ngoại ngữ”.
Hội thảo diễn ra theo hình thức trực tiếp ở hai đầu cầu Nga, Việt, kết hợp trực tuyến, do Phân viện Puskin (Cục Hợp tác quốc tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo), Trường Đại học Hà Nội và Trường Đại học Sư phạm quốc gia Matxcơva tổ chức. Với ngôn ngữ tiếng Việt và tiếng Nga, hội thảo diễn ra trong hai ngày 18 và 19-2.
Ban tổ chức đã nhận được gần 90 bài nghiên cứu và tham luận bằng tiếng Nga của các nhà nghiên cứu đến từ 12 nước gồm Nga, Việt Nam, Mỹ, Đức, Syria, Tây Ban Nha, Croatia, Trung Quốc, Uzbekistan, Kazakhstan, Kyrgyzstan, Belarus.
Phát biểu tại Lễ khai mạc, ông Gennady Stepanovich Bezdetko, Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Liên bang Nga tại Việt Nam cho rằng: “Hiện nay có đến hơn 300 triệu người nói tiếng Nga ở các quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Đối với nhiều thế hệ người Việt Nam đã học tập và làm việc ở đất nước chúng tôi trong những giai đoạn khác nhau thì tiếng Nga đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống của họ, giúp họ có được những kiến thức và kỹ năng cần thiết để trưởng thành để phát triển nghề nghiệp”.
Đại sứ Nga phát biểu tại hội thảo. |
“Chúng tôi vui mừng nhận thấy thế hệ trẻ Việt Nam vẫn dành sự quan tâm tới tiếng Nga. Hằng năm, có khoảng 1.000 sinh viên Việt Nam được tuyển chọn vào học tại các trường đại học hàng đầu của Nga theo học bổng Nhà nước. Họ đang được học các chuyên ngành mới, hiện đại trong nhiều lĩnh vực kinh tế, tài chính, năng lượng, các công nghệ cao và tất nhiên họ sẽ duy trì truyền thống học tiếng Nga từ các thế hệ đi trước. Quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Nga-Việt trong những năm gần đây được củng cố về cả chiều sâu lẫn chiều rộng tới nhu cầu ngày càng tăng đối với các chuyên gia biết tiếng Nga trong nhiều lĩnh vực khác nhau. Việc giảng dạy tiếng Nga đang được khôi phục lại trong các trường phổ thông và các trường đại học nhiều khóa học tiếng Nga chuyên ngành hẹp, từ du lịch đến công nghệ thông tin đã được mở. Chúng tôi hy vọng rằng xu hướng tích cực này sẽ tiếp tục và chúng tôi sẵn sàng hỗ trợ tối đa cho các hoạt động này”, Đại sứ nói.
Sau lễ khai mạc là phiên toàn thể tập trung làm sáng tỏ một số vấn đề về phương pháp giảng dạy tiếng Nga như một ngoại ngữ, ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy-học tiếng Nga thời đại dịch Covid-19. Ngoài ra, hội thảo còn diễn ra với 5 phiên họp của các tiểu ban về: Các vấn đề lý thuyết và phương pháp luận của quá trình tiếp biến văn hóa trong giao tiếp liên văn hóa; Các khía cạnh văn hóa và nhân học của giao tiếp giữa các ngôn ngữ; Sự hài hòa giữa các cách tiếp cận và các phương pháp dạy tiếng Nga như một ngoại ngữ trong không gian giáo dục toàn cầu; Tiếng Nga trong bối cảnh toàn cầu hóa kỹ thuật số và Tiếng Nga trong không gian văn hóa xã hội Việt Nam.
THU HẰNG/qdnd.vn