Kiến nghị không tinh giản biên chế đối với cấp học mầm non, tiểu học

Thứ 7, 26.02.2022 | 09:59:51
576 lượt xem

Sáng 25/2, tại Hà Nội, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội tổ chức phiên giải trình về việc thực hiện chính sách, pháp luật trong tuyển dụng, sử dụng, quản lý đội ngũ giáo viên mầm non, phổ thông. Đây là những vấn đề lớn mà Chính phủ và các địa phương đang tập trung chỉ đạo; cũng là vấn đề được các đại biểu Quốc hội và cử tri đặc biệt quan tâm.


Thứ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Hữu Độ báo cáo tại phiên giải trình.

Theo ban tổ chức, mục đích của phiên giải trình nhằm đánh giá công tác chỉ đạo, điều hành và việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của các bộ, ngành hữu quan trong việc thực hiện chính sách, pháp luật về tuyển dụng, sử dụng, quản lý đội ngũ giáo viên mầm non, phổ thông và tình hình tổ chức triển khai dạy học trong bối cảnh Covid-19. Đồng thời, làm rõ trách nhiệm của các bộ, ngành trong việc xác định các nhiệm vụ, giải pháp để đạt được các mục tiêu về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.

Một số đại biểu phát biểu ý kiến tại phiên giải trình cho rằng, bên cạnh thực trạng thừa, thiếu giáo viên chưa được khắc phục, thì chế độ đãi ngộ, mức lượng của giáo viên hiện còn thấp, nhất là giáo viên mầm non. Thực tế khi giám sát hoạt động này tại các địa phương cho thấy, giáo viên mầm non rất vất vả, phải đi sớm, về muộn, có người làm việc 10 đến 16 giờ/ngày.

Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có giải pháp gì hỗ trợ giáo viên mầm non khi mức lương còn thấp, thời gian làm việc nhiều. Trong bối cảnh còn thiếu giáo viên, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần tăng cường hoạt động xã hội hóa, có thể cho phép các trường hợp đồng với các trung tâm ngoại ngữ, tin học uy tín để dạy các môn học này khi chưa có nguồn tuyển giáo viên, thiếu giáo viên; chuyển đổi mô hình các cơ sở giáo dục mầm non, THPT từ công lập ra ngoài công lập ở những nơi có khả năng xã hội hóa cao để khắc phục tình trạng nói trên. Đồng thời, có giải pháp đặt hàng, đào tạo bồi dưỡng đội ngũ giáo viên còn thiếu...

Báo cáo tại phiên giải trình, Thứ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Hữu Độ cho biết, căn cứ quy định về định mức số giáo viên/lớp, số lượng giáo viên của các cấp học mầm non, phổ thông, ngành Giáo dục thừa khoảng 10.000 giáo viên và thiếu khoảng 94.700 giáo viên (trong đó: thiếu 48.718 giáo viên mầm non, 20.210 giáo viên tiểu học, 14.653 giáo viên THCS, 11.133 giáo viên THPT). Vẫn còn tình trạng thừa, thiếu cục bộ ở một số môn học, cấp học và một số địa phương như trong cùng một địa phương thừa giáo viên các môn như: Ngữ văn, Toán.. thiếu giáo viên dạy các môn đặc thù như: Tin học, tiếng Anh, Nghệ thuật.... Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành các văn bản đề nghị các địa phương giải quyết tình trạng thừa giáo viên cấp phổ thông.

Tuy nhiên, trong bối cảnh, số học sinh huy động ra lớp ngày càng tăng, yêu cầu về bảo đảm chất lượng giáo dục ngày càng cao, trong khi biên chế giáo viên không tăng đã gây ra áp lực không nhỏ đối với ngành Giáo dục. Bộ Giáo dục và Đào tạo đã thống nhất với Bộ Nội vụ báo cáo, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, bổ sung số biên chế trên theo lộ trình đến năm 2025, trước mắt năm học 2021-2022 trình bổ sung 27.850 biên chế giáo viên mầm non, phổ thông. Các địa phương không tinh giản biên chế đối với cấp học mầm non, tiểu học vì chưa bố trí đủ giáo viên theo định mức nhưng vẫn yêu cầu giảm 10% biên chế dẫn đến thiếu nhiều giáo viên đứng lớp, trong bối cảnh tỷ lệ huy động trẻ ra lớp ngày càng cao và thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới.

Phát biểu kết thúc phiên giải trình, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh cho biết, nội dung giải trình đã tập trung làm rõ những vấn đề đại biểu Quốc hội, cử tri và dư luận xã hội quan tâm. Đề nghị Chính phủ sớm trình xây dựng Luật Nhà giáo nhằm luật hóa các quan điểm chỉ đạo của Đảng và Nhà nước về vị thế nhà giáo và đặc điểm nghề nhà giáo cũng như các chính sách nhằm phát triển đội ngũ nhà giáo đáp ứng yêu cầu phát triển giáo dục trong thời kỳ mới. Đồng thời, chỉ đạo hoàn thiện chính sách tiền lương, thực hiện tinh giản biên chế gắn với cải cách tiền lương đối với đội ngũ giáo viên công lập; xây dựng cơ chế, chính sách thu hút, huy động các nguồn lực xã hội tham gia vào hoạt động giáo dục.

Bộ Giáo dục và Đào tạo rà soát, tham mưu cho Chính phủ hoàn thiện các văn bản pháp luật về nhà giáo, đặc biệt xây dựng Luật Nhà giáo, tạo sự thống nhất, đồng bộ trong hệ thống pháp luật nhằm phát triển đội ngũ nhà giáo đáp ứng yêu cầu phát triển giáo dục trong thời kỳ mới. Thống nhất với Bộ Nội vụ và các cơ quan liên quan trong việc xác định biên chế nhà giáo; điều chỉnh cách tính định biên phù hợp với địa bàn, vùng miền; phù hợp xu thế tăng, giảm dân số cơ học tại một số địa phương, khu vực. Có cơ chế, chính sách tuyển dụng phù hợp; khuyến khích, thu hút người giỏi vào ngành Giáo dục, thu hút giáo viên về công tác tại các địa phương vùng dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới; có giải pháp bảo đảm nhân lực dạy một số bộ môn học theo chương trình giáo dục phổ thông mới...


QUÝ TÙNG/nhandan.vn

https://nhandan.vn/tin-tuc-giao-duc/kien-nghi-khong-tinh-gian-bien-che-doi-voi-cap-hoc-mam-non-tieu-hoc-687016/

  • Từ khóa