Đưa trò chơi dân gian vào trường học: Hiệu ứng tích cực

Thứ 4, 02.03.2022 | 15:28:02
1,220 lượt xem

Việc đưa trò chơi dân gian vào trường học đã được triển khai từ nhiều năm nay trên địa bàn tỉnh. Đây được xem là một trong những nội dung của phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” do Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) phát động.

Năm học 2021 – 2022, toàn tỉnh có 675 đơn vị trường học với tổng số hơn 200.000 học sinh từ bậc mầm non đến THPT. Theo thông tin từ Sở GD&ĐT, những năm qua, hầu hết các trường mầm non, tiểu học đã tích cực đưa trò chơi dân gian vào chương trình giáo dục. Nếu như trước đây, các trò chơi dân gian chỉ xuất hiện trong chương trình học của bậc học mầm non, thì từ năm học 2014 – 2015 đến nay, 100% các đơn vị trường học đã đưa trò chơi dân gian vào trường rộng rãi hơn. Các trò chơi dân gian như: nhảy dây, đánh bi, chơi ô ăn quan, bịt mắt bắt dê, bịt mắt đánh trống, nhảy bao, thi cắm cờ, tung vòng, múa sạp… phù hợp với lứa tuổi học sinh đã được các trường tích cực đưa vào các hoạt động vui chơi, ngoại khóa, giờ học thể dục…

Học sinh Trường Mầm non Hoàng Văn Thụ, thành phố Lạng Sơn chơi trò nhảy bao

Vào một ngày trong học kỳ II năm học 2021 – 2022, ghi nhận tại Trường Mầm non thị trấn Na Sầm, huyện Văn Lãng, chúng tôi thấy các trò chơi dân gian được nhà trường lồng ghép tổ chức trong các tiết học và hoạt động vui chơi ngoài trời hoặc sau giờ ngủ trưa của trẻ. Đối với những trẻ từ 2 đến 3 tuổi, nhà trường cho các em tham gia những trò chơi dễ nhớ, dễ thực hiện như: chi chi chành chành, kéo cưa lừa xẻ, nu na nu nống… Với các bé từ 4 đến 5 tuổi được chơi các trò như: mèo đuổi chuột, kéo co, bịt mắt bắt dê… Cô Hà Thị Lại, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Với phương châm “học mà chơi, chơi mà học”, trường đã tổ chức cho trẻ chơi những trò chơi dân gian ở mọi lúc mọi nơi, trong lớp và ngoài trời. Các hoạt động này giúp trẻ được rèn luyện sức khỏe, tinh thần, góp phần để nhà trường thực hiện tốt mục tiêu giáo dục toàn diện ở cấp học mầm non.

Qua tìm hiểu thêm, chúng tôi được biết, một số trường ở các cấp học còn lại trên địa bàn tỉnh đã đưa trò chơi dân gian vào trường học từ cách đây gần chục năm và ngày càng được tăng cường, mở rộng. Cô Nguyễn Thị Bích Hường, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Chi Lăng, thành phố Lạng Sơn cho biết: Trường chúng tôi đã đưa trò chơi dân gian vào trường học từ năm học 2014 – 2015. Những năm học gần đây, số lớp, số trò chơi dân gian càng được mở rộng hơn, chúng tôi phân chia từng góc sân với những trò chơi khác nhau, dễ dàng cho các em sử dụng trong mỗi giờ ra chơi, do đó thu hút đông đảo học sinh. Khi tham gia các trò chơi này, học sinh rất hào hứng. Một số học sinh thường ngày ít giao tiếp nhưng khi tham gia các trò chơi dân gian thì mạnh dạn, tự tin hơn…

Thời gian qua, việc tổ chức các trò chơi dân gian trong trường học đã nhận được sự hưởng ứng tích cực của học sinh. Em Nông Thị Phương, lớp 12A8, Trường THPT Tràng Định cho biết: Những năm học gần đây, chúng em thường được tham gia nhiều trò chơi dân gian như: kéo co, nhảy bao, đẩy gậy… do nhà trường tổ chức. Các hoạt động này thường diễn ra trong tác tiết học thể dục, hoạt động ngoại khóa, cuộc thi thể dục thể thao hoặc các sự kiện, ngày lễ diễn ra ở trường. Tham gia các trò này, chúng em được vận động, giúp cơ thể khỏe mạnh hơn và có tinh thần thoải mái khi học tập, đồng thời chúng em hiểu hơn về nhiều nét đẹp văn hóa đặc sắc của dân tộc mình.

Trong 5 năm gần đây, để các trò chơi dân gian được tổ chức tại các trường học một cách sâu rộng, Sở GD&ĐT, phòng GD&ĐT các huyện, thành phố đã thường xuyên đôn đốc các trường thực hiện hiệu quả phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”; tích cực giáo dục những nét đẹp văn hóa cổ truyền của dân tộc đến học sinh; tổ chức lồng ghép các trò chơi dân gian trong các hoạt động vui chơi, ngoại khóa hoặc các sự kiện diễn ra tại trường… đặc biệt, một số trường như: THPT chuyên Chu Văn An, THPT Bắc Sơn,… đã tổ chức thêm một số trò chơi dân gian gắn liền với văn hóa Xứ Lạng vào các dịp lễ lớn của nhà trường như: đi cà kheo, chơi cù…

Ông Hồ Công Liêm, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT cho biết: Việc tổ chức các trò chơi dân gian trong nhà trường không những tạo ra sân chơi lành mạnh, góp phần thực hiện hiệu quả, sâu rộng phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” mà còn góp phần bảo tồn nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc Việt Nam. Thời gian tới, Sở GD&ĐT tiếp tục yêu cầu các trường bố trí không gian phù hợp, tăng cường lồng ghép tổ chức các trò chơi dân gian vào các tiết sinh hoạt, ngoại khóa, giờ thể dục; khuyến khích các trường đưa một số trò chơi dân gian thành môn thi đấu trong các cuộc thi thể dục thể thao… Bên cạnh đó, bồi dưỡng, tập huấn cho giáo viên phụ trách đội để có thêm nhiều trò chơi mới tạo nên sự đa dạng, phong phú, thu hút đông đảo học sinh.


THU HIỀN/baolangson.vn

https://baolangson.vn/xa-hoi/giao-duc/484510-dua-tro-choi-dan-gian-vao-truong-hoc-hieu-ung-tich-cuc.html

  • Từ khóa