Mô hình “Trường học hạnh phúc” ở An Vũ

Thứ 5, 03.03.2022 | 14:26:46
439 lượt xem

Tự tìm tòi, nghiên cứu rồi bổ khuyết, hoàn thiện mô hình với tên gọi “Trường học hạnh phúc”, thầy và trò Trường Tiểu học và Trung học cơ sở An Vũ (huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình) trong gần 3 năm qua đã xây dựng được môi trường giáo dục thân thiện, lành mạnh, có văn hóa để “Mỗi ngày đến trường là một ngày vui”.

Cô giáo Mai Thị Bích Nguyện, Hiệu trưởng Trường Tiểu học và Trung học cơ sở An Vũ (Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình) hướng dẫn học sinh truy cập phần mềm giáo dục do cô và đồng nghiệp nghiên cứu.

Cô giáo Mai Thị Bích Nguyện, Hiệu trưởng Trường Tiểu học và Trung học cơ sở An Vũ chia sẻ: Từ lễ phát động “Triển khai Kế hoạch nâng cao năng lực ứng xử sư phạm, đạo đức nhà giáo vì một trường học hạnh phúc” diễn ra tháng 4/2019 do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức, cô cùng tập thể nhà trường bắt tay xây dựng mô hình “Trường học hạnh phúc” dựa trên ý tưởng từ mô hình Happy School của Tổ chức UNESCO.

Để xây dựng được “Trường học hạnh phúc”, các thầy cô phân tích, làm rõ khái niệm, ý nghĩa của cụm từ này, từ đó đã có định hướng và giải pháp sát, đúng và trúng. Theo đó, “Trường học hạnh phúc” là nơi không có bạo lực học đường, không có hành vi vi phạm đạo đức nhà giáo, không có những hành xử xúc phạm danh dự, nhân phẩm, thân thể nhà giáo và học sinh. “Trường học hạnh phúc” là nơi thầy cô và học sinh vui sống trong sẻ chia, cảm thông và yêu thương nhau. Đồng thời, nơi đó cũng là mái nhà chung mà mỗi ngày giáo viên cũng như học trò đến trường là một niềm vui và có động lực.

Từ đây, nhà trường xây dựng bộ tiêu chí “Trường học hạnh phúc” gắn với xây dựng trường đạt chuẩn Quốc gia, trong đó tập trung theo tiêu chuẩn 3 P gồm: People (con người), Process (hệ thống) và Place (môi trường).

Mô hình “Trường học hạnh phúc” ở An Vũ -0

Một lớp học thông minh được triển khai tại Trường Tiểu học và Trung học cơ sở An Vũ (Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình).

Cô Phạm Thị Tươi, giáo viên chủ nhiệm lớp 8A bộc bạch: Muốn có một môi trường hạnh phúc thì phải kiến tạo một không gian học đường an toàn, thân thiện. Nhằm hiện thực hóa ý tưởng này, nhà trường tổ chức các sân chơi, các tình huống trong tiết chào cờ, tiết sinh hoạt dưới hình thức sân khấu hóa, hoặc các câu hỏi nhằm giúp các bạn học sinh hiểu được ý nghĩa của “Trường học hạnh phúc”. Đó là tạo ra sự an toàn cho người học, tức là người học được sống, học tập trong môi trường lành mạnh, đậm tính nhân văn, dân chủ. Cũng từ đây, học sinh tự đề xuất với nhà trường xây dựng khẩu hiệu “Trường như nhà, thầy cô như mẹ cha, bạn bè như anh em ruột thịt”.

Có mặt tại trường Tiểu học và Trung học cơ sở An Vũ những ngày này, chúng tôi khá ấn tượng với việc tổ chức đối thoại, tạo diễn đàn để học sinh giao tiếp. Đây là hoạt động đã trở thành nền nếp nhiều năm nay, mục đích tạo thêm cơ hội để học sinh mạnh dạn chia sẻ tâm tư, nguyện vọng, nêu đề xuất, kiến nghị của mình. Sau đó, lãnh đạo nhà trường, thầy cô giáo, các tổ chức đoàn thể trong trường tiến hành hồi đáp những đề xuất, hay băn khoăn chính đáng của các em.

Để tạo sự dân chủ, nhà trường xây dựng lịch cụ thể tiếp học sinh vào các ngày thứ 2, 5, 7 hằng tuần (thời gian từ 16 giờ đến 17 giờ 30 phút). Trên thực tế, không phải học sinh nào khi gặp khó khăn, vướng mắc trong cuộc sống cũng dám đối diện với giáo viên để trao đổi. Vì vậy, nhà trường chỉ đạo Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh lập hòm thư “Điều bạn muốn nói”, đây là kênh giao tiếp phù hợp với tâm lý các em để mạnh dạn chia sẻ. Ngoài ra, học sinh có thể gửi thư trực tiếp vào hòm thư điện tử của cô hiệu trưởng để kịp thời nắm bắt, lắng nghe những suy nghĩ của trò.

Mô hình “Trường học hạnh phúc” ở An Vũ -0

Những bức thư, cánh thiệp gửi gắm tình cảm của học trò muôn nơi gửi về thầy, cô giáo Trường Tiểu học và Trung học cơ sở An Vũ (Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình).

Trường Tiểu học và Trung học cơ sở An Vũ còn chú trọng đổi mới tiết sinh hoạt, tăng thời lượng giáo dục đạo đức, giá trị sống. Có thể là những trò chơi, những câu đố vui, những câu chuyện ý nghĩa, những video nêu gương người tốt việc tốt, hay tiết học “Em tập làm cô giáo”. Đây chính là cơ hội để các thầy cô gần gũi, thấu hiểu học sinh hơn. Kỹ năng sống cũng được đưa vào giảng dạy tại tất cả các khối lớp, nhưng được cải thiện cách tiếp cận và xử lý các mối quan hệ giữa học sinh với học sinh, học sinh và thầy cô, thầy cô với cha mẹ học sinh thông qua các cuộc họp hội đồng nhà trường, họp phụ huynh, các tiết sinh hoạt lớp hay như hoạt động chủ điểm tháng.

Chia sẻ về mô hình “Trường học hạnh phúc”, cô giáo Phạm Thị Ngọc, Chủ nhiệm lớp 9B tâm sự: Để đạt được thì bản thân mỗi cán bộ giáo viên cần cho học sinh thấy đến trường là hạnh phúc, là vui vẻ, làm sao để các em khát khao đến trường. Và để ngôi trường thực sự hạnh phúc, thì trước hết thầy cô phải thấy được hạnh phúc khi dạy trò. Từ đó, mới có đam mê, tâm huyết, đổi mới để mang niềm hạnh phúc cho con trẻ. Thầy hạnh phúc thì trò sẽ hạnh phúc!

Tình cảm của người giáo viên trường làng gắn bó với học sinh thân yêu được thể hiện chân thành, dung dị trong những mùa dịch đã qua trên vùng quê này. Người dân nơi đây đã kể cho chúng tôi nghe về tấm gương tận tụy yêu nghề của thầy  gióa Hòa Quang Khâm, giáo viên dạy Toán trường Tiểu học và Trung học cơ sở An Vũ. Trong thời điểm khi các em tạm dừng đến trường học tập, thầy  Khâm tự bỏ tiền cá nhân mua thiết bị dạy học trực tuyến cho các học sinh lớp 6B, 6C.

Thầy Khâm âm thầm thực hiện công việc dạy học trực tuyến chính từ sự thúc ép của bản thân, mong muốn các con tiếp tục được học tập, trau dồi tri thức trong thời điểm trường tạm thời đóng cửa suốt hơn tháng qua do dịch bệnh bùng phát. Cùng với thầy, cô Nguyễn Thị Mùi, giáo viên dạy môn Anh văn khối lớp 5, lớp 6 cũng lặng lẽ bỏ tiền túi mua thiết bị dạy học trực tuyến cho học sinh.

Trường Tiểu học và Trung học cơ sở An Vũ tập hợp rất nhiều học sinh từ khắp các xã lân cận theo học như: An Lễ, An Tràng, An Dục, An Bài, An Quý. Để một giờ học trực tuyến diễn ra trôi chảy, các thầy cô không quản thời gian, xăng xe đi quanh các xã có học sinh để cài đặt chương trình. Học sinh nào gia cảnh khó khăn, không có ti-vi, không có máy tính thì xuống tận nhà phát đề cương ôn tập, rồi xuống thu và chấm bài. Sau đó, lại cất công đến trả bài, phát đề cương mới… Công sức ấy không thể đong đếm được, tất cả vì tương lai của các em và cũng an lòng dân.

Hiệu trưởng trường Tiểu học và Trung học cơ sở An Vũ Mai Thị Bích Nguyện cho biết: Việc triển khai “Trường học hạnh phúc” đã đem đến những chuyển biến quan trọng, được cụ thể hóa bằng chất lượng học tập được nâng lên rõ rệt. Năm học 2018-2019, trường được tặng Cờ Thi đua Chính phủ. Năm học 2019-2020, được Bộ Giáo dục và Đào tạo tặng Bằng khen. Năm học 2020-2021, trường nhận cờ dẫn đầu bậc học, được đề nghị Chính phủ tặng Cờ Thi đua; Liên đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh được Tỉnh đoàn Thái Bình tặng cờ. Hiện nay, học sinh giỏi xếp tốp đầu của huyện Quỳnh Phụ, không có học sinh xếp hạnh kiểm yếu…

Theo cô Nguyện, suy cho cùng “Trường học hạnh phúc” chính là nơi đạt đến sự toàn diện về mọi mặt. Ở đó, thầy cô và học sinh cùng thực hiện một mục tiêu, đó là “Coi trường là nhà, coi học sinh là con”. Mô hình “Trường học hạnh phúc” ở An Vũ là mô hình đầu tiên được triển khai tại tỉnh Thái Bình. Ý tưởng mới này đã được ghi nhận, tôn vinh tại Hội thi sáng tạo khoa học kỹ thuật cấp tỉnh tháng 12/2021 do Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thái Bình tổ chức.


Theo nhandan.vn

https://nhandan.vn/dien-dan-giao-duc/-mo-hinh-truong-hoc-hanh-phuc-o-an-vu-687749/

  • Từ khóa