Chú trọng đào tạo nghề trong cơ sở giáo dục nghề nghiệp, giáo dục thường xuyên

Thứ 5, 10.03.2022 | 15:02:00
830 lượt xem

Lạng Sơn hiện có 2 trung tâm GDTX cấp tỉnh, 9 trung tâm GDNN-GDTX cấp huyện với tổng số 3.880 học sinh theo học. Thời gian qua, các trung tâm đã có nhiều cố gắng trong thực hiện các chương trình đào tạo nghề nhằm đáp ứng nhu cầu học tập của mọi đối tượng học sinh.

Tìm hiểu tại Trung tâm GDNN-GDTX huyện Lộc Bình, chúng tôi được biết: trước đây, trung tâm chỉ đào tạo những nghề phổ thông theo điều kiện địa phương như: chăn nuôi, trồng rừng nhưng khi học sinh ra trường chủ yếu học lên tiếp và đi làm ở các công ty, xí nghiệp ngoài tỉnh, không vận dụng được kiến thức nghề vào công việc. Do đó, từ năm 2017 đến nay, trung tâm đã liên hệ với các công ty trong và ngoài tỉnh tìm hiểu nhu cầu và lựa chọn những nghề mà thị trường đang thiếu để đào tạo học sinh trên cơ sở hướng nghiệp và đăng ký theo nguyện vọng, sở thích với đa dạng nghề như: mộc, công nghệ thông tin, hướng dẫn viên du lịch, điện dân dụng…

Gian hàng của học sinh Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên huyện Cao Lộc tại ngày hội khởi nghiệp cấp tỉnh (Ảnh chụp tháng 12/2020)

Ông Hoàng Văn Tặng, Phó Giám đốc trung tâm cho biết: Nhờ cách làm trên, tỉ lệ học sinh đăng ký học nghề ngày càng tăng. Nếu như năm học 2016 – 2017 chỉ có khoảng 40% học sinh đăng ký học nghề thì năm học này, trung tâm có 421 học sinh theo học, có tới 100% học sinh đăng ký học song song văn hóa và học nghề.

Còn Trung tâm GDTX 1 tỉnh hiện có 12 lớp với 406 học sinh. Trước đây, học sinh theo học tại trung tâm chủ yếu để hoàn thành chương trình văn hóa, không chú trọng học nghề. Tuy nhiên, 5 năm gần đây, sau khi tìm hiểu thị trường lao động, trung tâm đã chủ động liên kết với các trường cao đẳng, trung cấp nghề, các doanh nghiệp có uy tín xây dựng chương trình đào tạo nghề cho học sinh gắn với nhu cầu sử dụng lao động trên thị trường chủ yếu về điện dân dụng, du lịch, ẩm thực, tin học.

Bà Nông Thủy Kiều, Phó Giám đốc trung tâm cho biết: Cùng với cách làm trên, trung tâm còn phối hợp với các đơn vị tổ chức tư vấn nghề, hướng nghiệp cho học sinh. Nhờ đó, công tác đào tạo nghề đã có nhiều chuyển biến tích cực, từ năm học 2020 – 2021 đến nay, 100% học sinh theo học đều đăng ký học trung cấp nghề và lớp văn hóa nghệ thuật.

Không chỉ 2 đơn vị trên, qua tìm hiểu tại các trung tâm GDTX, GDNN trong tỉnh, chúng tôi được biết: cách đây khoảng 5 năm học về trước, các trung tâm chỉ có chưa đến 40% học sinh đăng ký học nghề. Với việc chú trọng hơn trong hoạt động dạy nghề cho học sinh, đặc biệt là các nghề phi nông nghiệp, chỉ tính từ năm học 2017 – 2018, tỷ lệ học sinh đăng ký học nghề tại các trung tâm đã tăng lên hơn 80% và đến năm học 2020 – 2021 con số này tăng cao hơn, trong đó có một số trung tâm đạt 100%. Học sinh lựa chọn học chủ yếu là các nghề mà thị trường đang cần như nghề: cơ khí, công nghệ thông tin, điện công nghiệp và dân dụng, tạo mẫu và chăm sóc sắc đẹp, mộc, kế toán, du lịch… Trong quá trình đào tạo, các trung tâm còn thường xuyên tổ chức các chương trình khởi nghiệp, cuộc thi nghề cấp trường, đồng thời, mời các doanh nghiệp về tham dự để tiếp cận nhân lực lao động qua đào tạo.

Bà Trần Thị Hải Yến, Trưởng Phòng GDTX – Chuyên nghiệp, Sở GD&ĐT cho biết: Việc dạy văn hóa kết hợp dạy nghề ở các trung tâm được xem là giải pháp quan trọng nhằm nâng cao hiệu quả phân luồng học sinh sau THCS, giúp các em có được hai bằng sau khi tốt nghiệp (bằng tốt nghiệp THPT và trung cấp chuyên nghiệp). Để phát huy hiệu quả thế mạnh này, những năm qua, phòng đã tham mưu với lãnh đạo Sở GD&ĐT chỉ đạo các trung tâm tích cực đổi mới phương pháp đào tạo, mở rộng chương trình liên kết, hợp tác với các đơn vị và doanh nghiệp, cơ sở sản xuất để dạy nghề cho học sinh phù hợp với nhu cầu của thị trường. Cùng đó, chỉ đạo các trung tâm tổ chức dạy đủ các môn văn hóa theo quy định của Bộ GD&ĐT, linh động sắp xếp thời khóa biểu chéo để học viên không gặp khó khăn, vẫn đảm bảo được chương trình.

Để đảm bảo chất lượng đào tạo, thời gian tới, các trung tâm sẽ tiếp tục đổi mới nội dung, phương pháp, hình thức giáo dục hướng nghiệp và tư vấn phân luồng học sinh; đa dạng hóa hình thức, phương pháp, nội dung giáo dục hướng nghiệp; chủ động xây dựng các phương án đào tạo trong điều kiện dịch COVID-19 còn phức tạp nhằm đảm bảo chương trình, kế hoạch. Qua đó, từng bước đáp ứng nguồn nhân lực cho mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội trên địa bàn.


Theo baolangson.vn

https://baolangson.vn/xa-hoi/giao-duc/486075-chu-trong-dao-tao-nghe-trong-co-so-giao-duc-nghe-nghiep-giao-duc-thuong-xuyen.html

  • Từ khóa