"Việt Nam có thể nằm trong nhóm các nước dẫn đầu về trí tuệ nhân tạo vào năm 2030", TS Lương Minh Thắng, cố vấn công nghệ Viện Chống dịch ĐH Stanford (Mỹ), nhận định tại chuỗi sự kiện - chương trình hội thảo Y khoa và Công nghệ do Trường ĐH Văn Lang phối hợp với ĐH Stanford tổ chức.
Trong bài tham luận "Chuyển đổi giáo dục trí tuệ nhân tạo (Artificial Intelligence - AI) ở Việt Nam", TS Lương Minh Thắng đã nêu những thay đổi và tác động mạnh mẽ của AI trên toàn thế giới. Hiện nay, Việt Nam đang đẩy mạnh đầu tư vào trí tuệ nhân tạo với nhiều tiềm năng, song không ít thách thức còn đặt ra về vấn đề nguồn lực, cơ sở vật chất và hệ thống quản lý. Vì vậy, để đạt mục tiêu tốp 4 ASEAN và tốp 50 thế giới trong lĩnh vực nghiên cứu, phát triển và ứng dụng AI vào năm 2030 như Chính phủ đặt ra, chúng ta cần phải hành động nhanh và đầu tư đúng hướng.
Là cố vấn công nghệ Viện Chống dịch ĐH Stanford và là chuyên gia cấp cao của Google, TS Lương Minh Thắng đang từng bước đưa thành tựu của công nghệ AI từ Thung lũng Silicon áp dụng vào bối cảnh trong nước, xây dựng cộng đồng các chuyên gia AI đẳng cấp thế giới tại Việt Nam. Theo ông, cần chú trọng vào việc tổ chức các khóa đào tạo tiêu chuẩn quốc tế, lựa chọn cá nhân xuất sắc tham gia các khóa học quy mô toàn cầu và mời các chuyên gia về giảng dạy và làm việc tại Việt Nam.
Các chuyên gia trao đổi các vấn đề về y khoa và công nghệ tại Trường ĐH Văn Lang
"Mong muốn của chúng tôi là làm sao để Việt Nam tạo được dấu ấn trên bản đồ AI thế giới. Từ năm 2018, chúng tôi đã tổ chức những khóa đào tạo AI cho các tổ chức và cá nhân có nhu cầu, đặc biệt là các công ty khởi nghiệp về AI tại Việt Nam. Trong tương lai gần, chúng tôi đề xuất đưa AI vào chương trình giảng dạy bậc THPT cũng như mở các khóa học AI từ căn bản đến nâng cao cho cộng đồng" - TS Lương Minh Thắng nói.
Các chuyên gia đến từ ĐH Stanford và ĐH Công nghệ Sydney (Úc) cũng đã chia sẻ nhiều chủ đề nóng về y khoa và công nghệ, chẳng hạn như việc điều chế thuốc đặc trị viêm gan và Covid-19 hay tầm nhìn về y học chính xác trong đại dịch Covid-19.
Một đề tài khác cũng được rất nhiều người quan tâm là "Ứng dụng của blockchain (còn gọi là công nghệ chuỗi - khối) trong y tế và giáo dục" do ông Huy Nguyễn, nhà đồng sáng lập kiêm Giám đốc điều hành của KardiaChain, trình bày. Theo ông Huy Nguyễn, blockchain đang ngày càng đóng vai trò quan trọng trong khoa học kỹ thuật cũng như trong đời sống hằng ngày như giáo dục, hồ sơ điện tử quản trị bệnh viện, quản lý hồ sơ sức khỏe toàn dân và chuỗi cung ứng y tế, giám sát việc triển khai hộ chiếu vắc-xin…
Ông Huy Nguyễn kỳ vọng: "Việc áp dụng blockchain cần bảo đảm 3 yếu tố: minh bạch, an toàn và tự động. Tôi tin rằng blockchain sẽ tiếp tục phát triển và được áp dụng vào nhiều lĩnh vực khác nhau. Đây là thời điểm mà các bạn sinh viên tìm hiểu công nghệ mới này, nghiên cứu chuyên sâu để cùng với các chuyên gia phát triển đất nước trên nhiều phương diện. Việt Nam cần có lộ trình riêng để 5 năm hay 10 năm nữa, chúng ta sẽ có những "kỳ lân" công nghệ và bắt kịp hay thậm chí là dẫn đầu về AI và blockchain".
Khánh Thu/nld.com.vn