Muốn công tác xét chức danh GS, PGS được nghiêm túc, trung thực, đề cao giá trị nhân văn thì xã hội cần phải có những chuẩn mực đạo đức, chuẩn mực giá trị được mọi người thừa nhận, tôn trọng.
Ngày 12/3, Hội đồng Giáo sư Nhà nước đã họp xét công nhận tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư. Theo đó, có 405 ứng viên được công nhận là giáo sư, phó giáo sư năm 2021. Nhìn lại quá trình xét duyệt các ứng viên năm 2021, có thể thấy vấn đề nổi cộm nhất vẫn là liêm chính khoa học.
Để hiểu rõ hơn về vấn đề này, phóng viên Dân trí đã trao đổi với GS.TS NGND Trần Đức Viên, Phó Chủ tịch Hội đồng Giáo sư liên ngành Nông nghiệp - Lâm nghiệp.
GS.TS NGND Trần Đức Viên, Phó Chủ tịch Hội đồng Giáo sư liên ngành Nông nghiệp - Lâm nghiệp.
Muốn thoát khỏi "ao làng" bắt buộc phải có công bố quốc tế
Thưa GS, việc xét công nhận chức danh giáo sư, phó giáo sư những năm gần đây luôn vướng phải những lùm xùm liên quan đến bài báo khoa học đăng trên các tạp chí quốc tế, là thành viên Hội đồng giáo sư ngành, ông nghĩ gì về vấn đề này?
- Tôi thấy thế này:
Thứ nhất, Khoa học và công nghệ (KH&CN) cũng như Giáo dục & Đào tạo (GD&ĐT), nhất là đào tạo đại học (ĐH), hội nhập ngày càng sâu rộng hơn với nghiên cứu khoa học (NCKH) và giáo dục đại học (GDĐH) trong cộng đồng KH&CN quốc tế, đó là một xu thế tất yếu, đúng hướng và rất đáng mừng, rất cần được khuyến khích và tạo điều kiện.
Về KH&CN, chúng ta đi sau các nước phát triển khá nhiều, khoảng cách về mặt bằng, trình độ giữa Việt Nam và các nước phát triển còn khá xa, nên việc lấy các chuẩn mực và thông lệ quốc tế để vận dụng vào điều kiện thực tế của nước ta theo hướng từng bước tiệm cận với các chuẩn mực và thông lệ ấy, là việc làm đúng và không thể chậm trễ, càng sớm càng tốt, càng nhanh càng tốt, nếu như chúng ta thực sự muốn thoát khỏi cái "ao làng"; nếu chúng ta muốn đoạn tuyệt với các lề thói thủ cựu và lạc hậu của làng KH&CN Việt Nam trong đó có hai căn bệnh trầm kha, lưu cữu cần được chữa chạy gấp, đó là căn bệnh vừa huênh hoang, vừa giấu dốt.
Nếu chúng ta muốn một ngày KH&CN, GD&ĐT Việt Nam có thể sánh vai với các cường quốc 5 châu, thì việc chấp nhận các chuẩn mực quốc tế là điều phải làm, và làm kiên quyết, làm đến nơi đến chốn.
Vì thế, tôi ủng hộ quan điểm đúng đắn của Quyết định 37 (Quyết định số 37/2018/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành quy định tiêu chuẩn, thủ tục xét công nhận đạt tiêu chuẩn và bổ nhiệm chức danh giáo sư, phó giáo sư; thủ tục xét hủy bỏ công nhận chức danh và miễn nhiệm chức danh giáo sư, phó giáo sư) về việc yêu cầu ứng viên bắt buộc phải có công bố trên các tạp chí khoa học quốc tế uy tín, đúng chuyên ngành hoặc gần chuyên ngành với chuyên môn của ứng viên.
Trên bản đồ KH&CN thế giới, hình ảnh của Việt Nam khá mờ nhạt, dấu ấn của người Việt để lại trên các thang bậc của các công trình cống hiến cho sự phát triển của nhân loại, cho sự tiến bộ xã hội hầu như vắng bóng.
Muốn có các phát minh mang tầm "làm thay đổi thế giới" vào một ngày đẹp trời nào đó, thì chúng ta buộc phải bắt nhịp với thế giới ngay từ bây giờ với một thái độ thực sự cầu thị và trách nhiệm, trung thực và khiêm nhường.
Một trong các công việc đó là từng bước áp dụng các chuẩn mực và thông lệ quốc tế trong việc bình duyệt các công trình khoa học, về việc xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh GS, PGS.
Người Việt Nam nói chung, cộng đồng các nhà khoa học Việt Nam nói riêng, cũng đã đến lúc ý thức rõ ràng là NCKH không chỉ để nhằm phục vụ quốc kế dân sinh, mà còn để đóng góp vào kho tàng tri thức của nhân loại là trách nhiệm của chúng ta. Hơn thế, đó không chỉ là trách nhiệm, mà còn là sự thể hiện của lòng tự trọng, tự trọng của từng con người, tự trọng của mỗi cộng đồng và cao hơn là tự trọng của một dân tộc; nâng tầm của chúng ta trong con mắt bạn bè và đồng nghiệp quốc tế.
Thêm nữa, cũng nên thấy là, công bố khoa học cũng là một nét văn hóa, để cho bạn bè và đồng nghiệp nước ngoài biết được văn hóa của dân tộc mình, nét đẹp của đất nước mình, tầm vóc của dân tộc mình qua các ấn phẩm khoa học có chất lượng ngang tầm. Nghĩa là, công bố khoa học còn góp phần tạo nên hình hài, vóc dáng của văn hóa Việt Nam, phản ánh tầm vóc và hình hài của KH&CN, của GD&ĐT Việt Nam trên trường quốc tế, để bạn bè và đồng nghiệp quốc tế nhìn chúng ta với đôi mắt trọng thị.
Nghiêm ngặt, chặt chẽ với ứng viên nhưng lại thiếu chặt chẽ và đầy đủ với thành viên hội đồng
Thứ 2, những lùm xùm mấy năm gần đây, kể từ khi chính phủ yêu cầu các ứng viên phải có bài báo công bố quốc tế, xung quanh việc có không ít ứng viên thiếu trung thực, gian lận trong việc kê khai giờ giảng, nộp bài và kê khai các công bố khoa học trên các tạp chí "quốc tế". Thực tế buồn này có nguyên nhân từ nhiều phía, từ bản thân các ứng viên, từ các cấp hội đồng bình xét, từ xã hội và từ bản thân Quyết định 37.
Bất kỳ sự chuyển mình nào cũng cần có giai đoạn quá độ, giai đoạn quá độ ấy dài ngắn thế nào phụ thuộc phần lớn vào chính sách của nhà nước để điều chỉnh hành vi của từng cá nhân, của xã hội.
Giai tầng nào trong xã hội cũng là một tập hợp của những con người có những tính cách, quan niệm sống, hệ giá trị theo đuổi và khát vọng cống hiến khác nhau, tuy họ có chung những đặc điểm để có thể được thừa nhận là thuộc giai tầng ấy. Như các giai tầng khác, đội ngũ những người làm khoa học cũng có người nọ người kia, người tốt kẻ xấu. Đó là điều bình thường. Làm thế nào để cái xấu ngày một mờ đi, cái tốt ngày thêm đậm nét hơn, cũng phần lớn phụ thuộc vào chính sách của nhà nước.
Chúng ta đề ra các tiêu chí nghiêm ngặt với ứng viên, nhưng lại thiếu chặt chẽ và đầy đủ khi đề ra tiêu chí cho các thành viên Hội đồng giáo sư các cấp. Các tiêu chí này phải đủ để xã hội tâm phục khẩu phục để từ đó có thể lựa chọn được các nhà khoa học xứng đáng, được cộng đồng khoa học thừa nhận, phải công bằng giữa thày và trò, phải công bằng giữa các ngành/lĩnh vực.
Tôi không hiểu sao còn có các vị thành viên hội đồng các cấp, kể cả chủ tịch, phó chủ tịch và thư ký, lại có chỉ số H (H-index) rất thấp, có vị thấp đến thảm hại, nhiều năm gần đây không có công trình công bố quốc tế nào, dù là công trình có IF nhỏ hơn 1, có người có công bố, nhưng số trích dẫn của họ lại chỉ lèo tèo vài chục, thậm chí nhiều công bố của họ có cited bằng zero, nếu có trích dẫn thì lại là tự trích dẫn (?); cũng có người đã 5-10 năm nay không lên lớp (bao gồm cả hướng dẫn cao học và NCS) cho một lớp đại học hay sau đại học nào.
Chúng ta quy định đo đếm giờ dạy của ứng viên rất kỹ, rất chi tiết, nhưng không có một quy định tương xứng nào về giảng dạy đại học, sau đại học của các thành viên hội đồng. Đấy là chưa kể đến đạo đức làm thày, đạo đức và trách nhiệm công vụ.
Thế mà họ vẫn cầm cân nảy mực các công việc đòi hỏi sự nghiêm cẩn cao độ là xét các điều kiện và tiêu chuẩn cho các chức danh GS, PGS góp phần xây dựng nên đội ngũ các nhà khoa học đầu đàn, làm rường cột cho nền KH&CN, cho nền GD&ĐT nước nhà.
Thày nào tớ ấy, thày đã không ra thày thì trò khó mà thành trò. Trình độ chuyên môn không đủ tầm, cộng với khả năng tiếng Anh yếu, cộng với các tiêu cực quanh chuyện "chạy" GS, PGS lúc âm ỉ, lúc râm ran ngoài xã hội, nên việc để lọt lưới không ít trường hợp ứng viên gian dối, cũng là điều dễ hiểu.
Những con người này, bất luận vì lý do gì, cũng rất cần phải loại bỏ ra khỏi danh sách ứng viên, góp phần làm trong sạch đội ngũ các nhà khoa học Việt Nam, đây là những kẻ cơ hội, những người không trung thực. Bởi trung thực là phẩm chất đầu tiên và tối thiểu buộc phải có với những con người đã chọn NCKH làm sự nghiệp, làm lẽ sống để cống hiến và mơ ước…
Tồn tại xã hội quyết định ý thức xã hội, và con người là tổng hòa các mối quan hệ xã hội, xã hội thế nào thì có những con người thế ấy. Khi thang bậc giá trị trong xã hội thay đổi thì mọi thứ cũng thay đổi theo.
Một xã hội trọng chữ nghĩa, thang bậc giá trị của xã hội dựa trên hệ giá trị của chuẩn mực đạo đức, của các giá trị tư tưởng cao quý, của sự đóng góp thực sự của từng cá nhân, từng con người cho sự hưng thịnh của cộng đồng, cho sự tiến bộ của xã hội, của thời đại, thì ở xã hội đó mọi thứ đều rõ ràng, đều tường minh, đều có thể kiểm chứng thì những cái giả dối, lừa mị sẽ bị loại bỏ, bởi ở đó không có chỗ dung thân cho những cái "giả", không chấp nhận cái "giả".
Khi một xã hội coi tiền bạc, địa vị chính trị là những thước đo tuyệt đối cho "tầm vóc" cho "thân phận" của một con người, thì tất yếu là mọi người trong xã hội ấy sẽ đua nhau chạy theo của nả, tiền bạc, tài sản, danh vọng, chức tước, địa vị chính trị; và họ được xã hội nể trọng, vinh danh. Xã hội ấy giành rất ít chỗ, nếu không muốn nói là không có chỗ, cho những người tài thật sự, cũng như cho sự liêm sỉ.
Những xã hội chấp nhận thang bậc giá trị như thế thường chỉ chấp nhận và dung nạp những người tài ngợi ca, tài xu nịnh, tài ăn theo nói leo minh họa cho ý kiến của chủ soái, tài làm vừa lòng thủ trưởng, tài tỏ ra có tài, tài biết đi cửa trước biết luồn cửa sau, tài biết chọn thời cơ để chui sâu leo cao trên quan lộ, tài tỏ rất trung thành với chế độ, … Trong một xã hội như thế, những người tài thật bị "bật" ra ngoài các thang bậc giá trị, có người phải đợi đến sau khi đã rời "cõi tạm" thì xã hội mới nhận ra họ, vì họ không có được những cái tài ấy.
Cho nên, muốn công tác xét chức danh GS, PGS được nghiêm túc, trung thực, chính xác, đề cao giá trị nhân văn của công tác bình duyệt, thì xã hội cần phải có những chuẩn mực đạo đức, hệ thống giá trị và chuẩn mực giá trị được mọi người thừa nhận, tôn trọng và tự giác thực hiện. Nếu không thì, như trên tôi đã nói, "rừng nào cọp ấy", một mình hệ thống Hội đồng giáo sư, dù có cố gắng mấy, cũng khó mà có thể tự trong sạch được.
Trả công việc xét giáo sư, phó giáo sư về cho các cơ sở giáo dục đại học
Vì sao giáo sư lại có so sánh "rừng nào cọp ấy"?
- Tôi nghĩ thế này, GS, PGS là thang bậc học thuật dành cho những người làm công tác NCKH và giảng dạy tại các cơ sở giáo dục đại học (CSGDĐH). Ai giảng dạy ĐH, SĐH thì tham gia, ai không còn giảng dạy tại các CSGD ĐH thì ra "sân" khác mà đua chen. Lúc đó, chức danh GS, PGS chỉ là chức danh danh dự.
Phấn đấu có chức danh GS, PGS để được kéo dài thời gian công tác, để được trả tiền công giờ giảng, giờ khám chữa bệnh cao hơn, vừa đáng trách, vừa thấy buồn, thật buồn. Phấn đấu có chức danh GS để đi kiếm tiền như thế thì thật đáng thương; Nếu chỉ với mục đích kiếm tiền thì nhận chân tư vấn cho các tổ chức quốc tế, các dự án phát triển, kiếm vài ba trăm đô la Mỹ một ngày, cũng ích nước lợi dân, lại chẳng nhàn nhã và sung sướng hơn.
Chức danh GS, PGS là thể hiện sự đánh giá công lao và mức độ cống hiến cho KH&CN, GD&ĐT của các giảng viên đại học, vinh danh các cống hiến của họ, được giới khoa học thừa nhận và được xã hội tôn vinh; đồng thời, chức danh này còn nhằm nâng cao trách nhiệm của họ với khoa học, với giáo dục đại học, với cộng đồng và với đất nước.
Vì vậy, có lẽ đã đến lúc nên coi Hội đồng giáo sư các cấp như là các tổ chức xã hội nghề nghiệp của giới học thuật, của các nhà chuyên môn, không phải là một tổ chức "của" nhà nước (tất nhiên là nhà nước vẫn quản lý nhưng theo một cách khác); hoặc có thể vẫn là một tổ chức của nhà nước nhưng được nhà nước giao quyền tự chủ toàn diện.
Theo tôi, tốt nhất là trả công việc này về cho các cơ sở giáo dục đại học. Khoa học chân chính nào thì cũng phụng sự dân tộc, phục vụ đất nước và góp phần làm giàu có thêm kho tàng tri thức của dân tộc, của nhân loại.
Hội đồng yếu, kết quả thẩm định chắc chắn bị sai lệch
Trở lại với việc xét GS,PGS năm 2021, ngày 12/3, Hội đồng GSNN đã họp, xét và công nhận 405 ứng viên đạt tiêu chuẩn GS,PGS sau khi nhiều "lùm xùm" từ phản ánh của dư luận xã hội, từ phản ánh của diễn đàn Liêm chính khoa học. Là Phó Chủ tịch Hội đồng giáo sư liên ngành Nông nghiệp - Lâm nghiệp, theo ông, khi xét ứng viên, Hội đồng giáo sư ngành có thực hiện theo đúng QĐ 37 không? Các thành viên hội đồng đếm bài báo nhưng có xem chất lượng bài báo đó không?
- Cũng tùy chất lượng các Hội đồng cũng như sự liêm chính, uyên thâm, thạo việc của vị chủ tịch, thư ký và các thành viên hội đồng. Với các hội đồng yếu, người thẩm định không đủ phẩm chất và năng lực thẩm định đúng hồ sơ ứng viên thì kết quả thẩm định chắc chắn bị sai lệch; với các thành viên này, thường là họ không đọc kỹ bài báo, thậm chí là không đọc, hoặc đọc đấy mà không hiểu hoặc không hiểu hết bài báo, nên không đánh giá đúng chất lượng bài báo, chất lượng công trình khoa học.
Những người này thường chỉ đếm đầu bài báo, tùy theo bài đăng ở đâu thì cho điểm, với người thân quen thì cho điểm tối đa theo qui định, với người xa lạ thì cho điểm từ 1/2 đến 2/3 điểm tối đa theo qui định, bài đăng ở nước ngoài thì cho điểm cao hơn bài trong nước, bài đăng trên các tạp chí của các trường đại học lớn thì cho điểm cao hơn bài đăng trên các tạp chí khác… thực hiện như vậy cho nó lành, không ai chê bai hay oán trách mình được.
Như vậy có thể hiểu, có những thành viên Hội đồng đã không thực hiện nghiêm túc QĐ 37, họ đã không thực hiện đầy đủ bổn phận và trách nhiệm được giao theo quy định, nên đã cho điểm tùy thiện theo kiểu "cá kể đầu rau kể mớ" cho xong việc.
Nên có quy định cấm các ứng viên GS,PGS đăng bài trên các tạp chí "dỏm", các ứng viên khai man giờ dạy, khai man công trình không được nộp hồ sơ 3 năm liên tiếp.
Nên rà soát lại hồ sơ của tất cả các thành viên Hội đồng giáo sư các cấp
Có lẽ vì vậy mà vài năm trở lại đây tranh cãi liên quan đến bài báo khoa học đăng trên tạp chí quốc tế của các ứng viên GS,PGS vẫn chưa có hồi kết. Làm thế nào để giải quyết được bài toán này ở Việt Nam, thưa ông?
- Mỗi người có quan điểm riêng, có cách nhìn riêng, có giải pháp riêng.
Như tôi đã đề cập, việc bình duyệt bài báo, công trình khoa học, xét và công nhận các chức danh chuyên môn là việc của giới chữ nghĩa, của giới khoa học giảng dạy bậc đại học; là chuyện nghề nghiệp, chuyện chuyên môn của giới học thuật, nhà nước nên giao lại cho giới khoa học.
Ở đa số các nước phát triển, đó là công việc nội bộ của CSGD ĐH, không phải việc của nhà nước. Với điều kiện cụ thể của nước ta, để tránh láo nháo, tùy tiện, Nhà nước có thể ban hành các tiêu chí, tiêu chuẩn khung tối thiểu, như kiểu điểm sàn, còn xét duyệt thế nào, điểm chuẩn ra sao là việc của các trường hoặc các khối trường (như khối Y Dược, Khối Công nghệ, Khối Nông lâm ngư, khối Toán học, Khối Lịch sử, Khối Văn học). Vấn đề nằm ở chỗ chất lượng các hội đồng, nên để cộng đồng khoa học và xã hội giám sát.
Việc xây dựng đội ngũ thày mang tính quyết định vì vậy phải rà soát lại hồ sơ của tất cả các thành viên HĐGS, từ cấp Nhà nước đến cấp cơ sở; công khai lý lịch khoa học trên mạng, những ai trong 5 năm liên tục không công bố quốc tế nên loại, những ai không giảng dạy bậc ĐH 5 năm liên tục cũng nên loại.
Cấm các ứng viên đăng bài trên các tạp chí "dỏm", các ứng viên khai man giờ dạy, khai man công trình không được nộp hồ sơ 3 năm liên tiếp.
Thanh tra chuyên ngành, có bộ phận tiền kiểm phát hiện và xử lý nghiêm các hiện tượng mờ ám, hậu kiểm, công khai danh tính người thẩm định và chủ tịch hội đồng để lọt lưới các ứng viên "dỏm"; các trường hợp ứng viên còn có vấn đề chưa sáng tỏ, còn có những tồn nghi, để lại xem xét sau, không nhất thiết phải xét cùng đợt với các ứng viên đã đủ tiêu chuẩn và điều kiện.
Có ý kiến đề xuất không nên coi trọng công bố quốc tế trong xét GS, PGS, ông nghĩ sao?
- Không nên và không thể. Không thể cứ kéo dài tình trạng một mình một chợ mãi, phải hòa đồng, phải hội nhập.
Nền kinh tế đất nước đã chuyển mình theo kinh tế thị trường từ lâu rồi, lấy các thông lệ và chuẩn mực quốc tế về thị trường để soi vào nền kinh tế của chúng ta từ lâu rồi, chẳng lẽ KH&CN không chuyển mình theo, lại cứ muốn một mình một sân, một mình một chợ mà lại cứ muốn quay về với các lề thói cũ, các chuẩn mực cũ.
Muốn được đồng nghiệp quốc tế coi trọng, muốn mở mày mở mặt, đi đứng nói năng tự tin trên các diễn đàn quốc tế về KH&CN, về GD&ĐT thì phải dùng một cái thước đo chung, một đơn vị đo lường chung với "thiên hạ" để đo cao thấp nặng nhẹ to bé.
Không thể ra biển lớn với tư duy ao làng, tư duy nhất mẹ nhì con, tư duy "đặc thù" mãi. Càng duy trì lâu, càng cố níu kéo lối suy nghĩ không chịu lớn, không muốn lớn cũ kĩ và lỗi thời, chỉ càng làm cho chúng ta yếu đi, nhỏ bé đi, lạc lõng thêm.
Về mặt cá nhân, tôi coi trọng các phát minh, sáng kiến, các công nghệ và kĩ thuật phục vụ trực tiếp quốc kế dân sinh hơn là các công bố quốc tế nọ kia.
Một quốc gia không sở hữu một công nghệ nguồn nào, không có bài toán lõi nào, thì đất nước ấy chỉ có suốt đời đi làm thuê, đi làm gia công cho người khác trên chính quê hương mình.
Tôi cũng đề nghị phải xem xét thấu đáo thêm về các ngành khoa học đặc thù, các lĩnh vực được coi là thuộc bí mật quốc gia.
Ý kiến cuối cùng là cần có tiêu chí nghiêm túc và khả thi khi đánh giá về "tính mới" của các công bố trong nước. Công bố nào cũng buộc phải có tính mới, không có tính mới thì nghiên cứu làm gì.
Không ít bài báo đọc mãi không tìm ra tính mới, chỉ là sự lặp lại, sự xào xáo, sự minh họa, sự tô vẽ thêm cho một cái đã có sẵn, nhưng cái tô vẽ này chưa đủ tầm để được coi là mới, chỉ tốn giấy tốn mực tốn tiền bạc của xã hội, và tốn thời gian của người thẩm định, phải cố tìm cho ra cái mới.
Vậy ai là người có trách nhiệm cuối cùng để "lọt lưới" những ứng viên có bài báo quốc tế "dỏm"?
Ba thành viên Hội đồng thẩm định hồ sơ cấp cơ sở, ba ủy viên hội đồng thẩm định hồ sơ ứng viên của hội đồng ngành/liên ngành, các vị chủ tịch của các hội đồng này.
Người chịu trách nhiệm cuối cùng là chủ tịch, phó chủ tịch, tổng thư ký và các ủy viên HĐGSNN, theo điều 14 và 15 của Quyết định 37, khi họ đã không làm tròn bổn phận và trách nhiệm trước Thủ tướng, trước xã hội, trước cộng đồng các nhà khoa học Việt Nam.
Trân trọng cám ơn GS về cuộc trao đổi này!
Hồng Hạnh/dantri.com.vn