Hiện nay, việc học sinh sử dụng Internet, mạng xã hội (MXH) vừa để học tập, giao lưu vừa giải trí đã trở nên phổ biến, do đó, việc giáo dục kỹ năng sống, kỹ năng sử dụng MXH an toàn cho học sinh thời gian qua được các trường học trên địa bàn tỉnh quan tâm.
Cô Vương Xuân Thuận, Hiệu trưởng Trường THPT Dân tộc nội trú tỉnh cho biết: Trường hiện có hơn 600 học sinh. Qua khảo sát, 100% học sinh nhà trường có tài khoản MXH. Để định hướng và trang bị kỹ năng giao tiếp trên MXH cho học sinh, nhà trường đã thành lập câu lạc bộ (CLB) truyền thông nội trú, cử giáo viên phụ trách và xây dựng trang fanpage chính thống. Các em học sinh tham gia CLB là lực lượng nòng cốt tuyên truyền và theo dõi, phát triển trang fanpage, cập nhật những thông tin chính thống, bổ ích… thường xuyên sinh hoạt, tuyên truyền giáo dục văn hóa ứng xử trên MXH cho bạn bè.
Học sinh Trường THPT Bắc Sơn tham gia hoạt động ngoại khóa về ứng dụng công nghệ thông tin trong giáo dục
Tương tự, Trường THPT Việt Bắc, thành phố Lạng Sơn có 31 lớp với trên 1.400 học sinh thì hiện nay, 100% học sinh đều sử dụng điện thoại thông minh và sử dụng các trang MXH như: zalo, facebook, instagram… Do đó, nhà trường đã chỉ đạo giáo viên chủ nhiệm thường xuyên định hướng học sinh cảnh giác với những trang thông tin phản động, đăng tin sai sự thật những video, clip lừa đảo, bịa đặt, nói xấu, kích động bạo lực… Khi phát hiện mâu thuẫn cá nhân giữa các em trên MXH, nhà trường đã tư vấn, giải thích rồi yêu cầu các em xóa bỏ bình luận với lời lẽ thô tục, thiếu văn hóa gây mất đoàn kết…
Chia sẻ về việc sử dụng Internet và MXH, em Hoàng Văn Tuấn Vũ, lớp 10D5, Trường THPT Bắc Sơn cho biết: Thời gian học tại trường, nhà trường, thầy cô đều nhắc nhở chúng em về văn hóa ứng xử khi sử dụng các trang MXH, thận trọng khi đăng tải những thông tin, hình ảnh của cá nhân. Từ đó, chúng em ý thức hơn và chỉ sử dụng MXH để giao lưu, trò chuyện, kết bạn với bạn bè cùng trang lứa, trao đổi kinh nghiệm học tập, chia sẻ kỹ năng sống, khai thác tư liệu phục vụ học tập và học trực tuyến…
Thực tế với vai trò của mình, các trường học trên địa bàn tỉnh đã lồng ghép nội dung giáo dục khai thác sử dụng Internet an toàn, lành mạnh vào chương trình Tin học từ lớp 3 đến lớp 12 thông qua chủ đề dạy học đạo đức, pháp luật và văn hóa trong môi trường số. Đặc biệt, ở khối lớp 12, các nội dung giáo dục nhận thức và tự bảo vệ mình trên môi trường mạng đã được cụ thể hóa hơn qua các nội dung bài học như: phân tích được ưu và nhược điểm về giao tiếp trong thế giới ảo qua các ví dụ cụ thể; phân tích được tính nhân văn trong ứng xử ở một số tình huống tham gia thế giới ảo…
Bà Phan Mỹ Hạnh, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT cho biết: Để giúp học sinh phòng tránh các hành vi lệch chuẩn, tiêu cực trên không gian mạng, thời gian qua, sở đã chỉ đạo các nhà trường chú trọng giáo dục học sinh về đạo đức, lối sống, kỹ năng sống, kỹ năng sử dụng Internet và MXH an toàn, hiệu quả. Đặc biệt, sau khi triển khai Quyết định 3296/QĐ-BGDĐT năm 2018 của Bộ GD&ĐT về phê duyệt đề án “Tăng cường quản lý, giáo dục chính trị, tư tưởng đối với học sinh, sinh viên trên môi trường mạng đến năm 2025”, đến nay, 100% trường phổ thông đều lồng ghép nội dung này vào những bộ môn: tin học, công nghệ, giáo dục công dân, giúp các em học sinh hiểu hơn về an ninh mạng, biết cách phòng, chống những hành vi, vi phạm pháp luật trên không gian mạng.
Hiện nay, toàn tỉnh có 443 trường từ cấp tiểu học đến trường chuyên nghiệp với trên 152.000 học sinh, sinh viên. Bởi vậy, ngoài việc giáo dục học sinh, các nhà trường cần tích cực tổ chức các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao để tạo ra môi trường hoạt động lành mạnh, bổ ích, tạo hứng thú cho học sinh. Cùng với đó, cần kết hợp chặt chẽ ba môi trường giáo dục: nhà trường – gia đình – xã hội trong phòng ngừa, chống vi phạm pháp luật trên mạng Internet đối với học sinh.
HOÀNG TÙNG/baolangson.vn