Ý thức được chuyển đổi số trong học tập, đào tạo đóng vai trò vô cùng quan trọng nâng cao năng lực đội ngũ nhân sự của Viettel nói riêng và cộng đồng nói chung, Học viện Viettel, Tập đoàn Công nghiệp-Viễn thông Quân đội (Viettel) đã sáng tạo ra ứng dụng By Day Learning (BDL)-“Phương thức duy trì học tập hằng ngày” trên mobile app (ứng dụng trên điện thoại di động).
Trong 6 tháng đưa vào hoạt động, ứng dụng này cho thấy tính ưu việt, khả thi, góp phần hình thành văn hóa học tập, tạo môi trường học tập mọi lúc, mọi nơi.
Thuận tiện cho người học, phong phú về nội dung
Hiện nay, môi trường không gian mạng cho phép lưu trữ một lượng kiến thức khổng lồ, hiệu quả hơn cách lưu trữ truyền thống như trong thư viện, bảo tàng, nhà văn hóa... Khai thác hiệu quả tương tác trên internet, nhiều tổ chức, cá nhân đã tìm cách tổng hợp, biên soạn kiến thức về các lĩnh vực... thành các clip, video, bài giảng với nhiều định dạng nhằm thu hút “công dân mạng”. Các tổ chức, cá nhân này cũng thu lợi nhất định thông qua số lượt truy cập và quảng cáo. Nhược điểm của những nội dung tồn tại trên không gian mạng là đôi khi thiếu chính xác, thiếu cập nhật do “tự biên, tự diễn” chứ không phải do các chuyên gia, nhà khoa học có uy tín biên soạn. Một số vấn đề nhạy cảm, chưa phản ánh đúng thực chất, không phù hợp với quan điểm chính thống vẫn được đăng tải, tác động thiếu tích cực đến nhận thức, tư tưởng của người tiếp nhận.
Trung tá, TS Bùi Quang Tuyến, Giám đốc Học viện Viettel giới thiệu về ứng dụng By Day Learning. |
BDL là phương thức học tập trên môi trường không gian mạng qua giao diện mobile app được Học viện Viettel nghiên cứu, phát triển. Người học chỉ cần cài đặt app trên điện thoại thông minh hoặc thiết bị khác có kết nối internet là có thể duy trì việc học tập mọi lúc, mọi nơi.
Điểm ưu việt là những bài học trên ứng dụng đều được thiết kế ngắn gọn (dưới 10 phút) theo cấu trúc nhất định (giới thiệu-nội dung chính-đúc rút kiến thức cốt lõi-câu hỏi kiểm tra ngắn), nội dung biên soạn được số hóa theo các định dạng phong phú thành bài học là video clip, audio, hoạt hình. Với nội dung, hình thức và cách truyền tải nội dung học tập nêu trên thực sự phù hợp với đặc điểm của người đi làm tham gia học tập, bám sát quan điểm “học suốt đời-học kịp thời”. Trung tá, TS Bùi Quang Tuyến, Giám đốc Học viện Viettel, chủ nhiệm dự án, cho biết: “BDL là ứng dụng thể hiện rõ chuyển đổi số trong học tập, đào tạo, tạo ra sự đột phá trong cách thức tiếp nhận tri thức, nâng cao năng lực đội ngũ, cũng như xây dựng văn hóa học tập của mỗi tổ chức, doanh nghiệp. Yếu tố cốt lõi trong văn hóa học tập là có nhiều người mong muốn, chủ động tham gia học tập trên một nền tảng, do đó bên cạnh việc xây dựng nội dung học tập phong phú, đa dạng, dễ tiếp cận, thì cần phải tạo dựng môi trường học tập, công cụ, phương tiện học tập, cơ chế chính sách... là những yếu tố cơ bản, quan trọng để duy trì học tập thường xuyên, học suốt đời-học kịp thời, học mọi lúc, mọi nơi”.
Kết quả bước đầu khi triển khai BDL tại Viettel rất khả quan. Sau hơn 6 tháng áp dụng (từ tháng 8-2021 đến tháng 2-2022), với 600 bài học, đã có hơn 45.500 lượt tải và đăng ký app trên điện thoại, trung bình gần 2.000 người học/ngày, tổng số lượt học đạt 2,1 triệu lượt. Là người sử dụng BDL thường xuyên, chị Nguyễn Mai Linh, kỹ sư giải pháp nghiệp vụ (Trung tâm Giải pháp Chính phủ, Tổng công ty Giải pháp doanh nghiệp Viettel), cho biết: “Cá nhân tôi thường xuyên sử dụng app để tìm các bài học về kỹ năng mềm. Nhờ những bài học ngắn gọn, tôi có thể tự tin giao tiếp với đồng nghiệp, tiếp thị sản phẩm tới khách hàng, xử lý các tình huống phát sinh trong quá trình thực hiện dự án... giúp ích rất nhiều trong công việc được giao”.
Chung tay đóng góp của cộng đồng
Sự chung tay đóng góp vào sự thành công của BDL từ cộng đồng trước hết là sự chia sẻ, lan tỏa để cùng sử dụng, tham gia học tập. Nhưng đó chưa phải điều quan trọng nhất, theo kỹ sư Võ Hoàng Anh, Bí thư Đoàn cơ sở Học viện Viettel: “Để BDL trở thành phương thức học tập có sức lan tỏa thì sự vào cuộc của lãnh đạo các cơ quan, đơn vị, tổ chức về đào tạo, học tập hết sức quan trọng. Khi đã được chỉ đạo, giao nhiệm vụ, các tổ chức có thể chủ động lựa chọn những nội dung đào tạo chuyên biệt, phù hợp với tính chất công việc đã được tích hợp vào app nhằm bồi dưỡng, huấn luyện cho anh chị em, bù đắp những khoảng trống về kiến thức, kỹ năng”.
BDL được xây dựng theo hướng mở và tùy biến. Bên cạnh những “bài học chung”, trên giao diện app còn để mở các phần nội dung sẽ được đóng góp từ các đơn vị-“bài học của đơn vị”. Bên cạnh đó, app còn có nhiều tính năng hữu ích như: Tự động phản hồi, kiểm tra nhóm nào học tốt, chưa tốt, tiến độ học đến đâu, đồng thời nhắc nhở, đánh giá người sử dụng... từ đó nhà quản lý có giải pháp quản trị, điều hành để việc học của các thành viên trở thành thói quen tích cực, người học có thể chủ động học khi có thời gian rảnh rỗi chỉ với 10 phút mỗi ngày.
Được biết, phương thức này đã được Cục Nhà trường (Bộ Tổng Tham mưu) đưa vào thử nghiệm, lấy ý kiến một số học viện, nhà trường trong quân đội để tiếp tục lan tỏa, mở rộng. Sau khi tham quan, làm việc tại Học viện Viettel, nghe giới thiệu và cài đặt dùng thử BDL, Thượng tá Trần Viết Năng, Trưởng ban Thanh niên Quân đội, cho biết: “BDL có thể giúp cán bộ, đoàn viên, thanh niên quân đội học tập kịp thời, thường xuyên, liên tục. Trước mắt, chúng tôi sẽ tuyên truyền đến đội ngũ cán bộ đoàn, giới thiệu cho đoàn viên, thanh niên trong một số cơ quan đơn vị được phép sử dụng điện thoại thông minh để tìm hiểu về app và học tập thử nghiệm. Trong tương lai, Ban Thanh niên Quân đội sẽ phối hợp với Viettel biên soạn các bài học về lý luận chính trị, giáo dục lịch sử truyền thống, kỹ năng sáng tạo, hội nhập; tạo thuận lợi cho đoàn viên, thanh niên tìm hiểu, học tập”.
Cá nhân, tập thể có nhu cầu trải nghiệm, sử dụng ứng dụng By Day Learning của Học viện Viettel có thể liên hệ thông qua địa chỉ email: viettelacademy@viettel.com.vn |
TRẦN HOÀNG HOÀNG/qdnd.vn
https://www.qdnd.vn/giao-duc-khoa-hoc/cac-van-de/ho-tro-nhu-cau-hoc-suot-doi-hoc-kip-thoi-688989