Nhiều sinh viên gặp phải hậu chấn tâm lý hay rối loạn căng thẳng sau sang chấn (PTSD) đang rất cần các trường có giải pháp hỗ trợ, tham vấn
TS Lê Minh Công, Phó trưởng Khoa Công tác xã hội - Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐH KHXH&NV) thuộc ĐHQG TP HCM, cho biết tính từ năm 2019 đến nay, trung bình mỗi tháng có khoảng 100 sinh viên tại TP HCM bị hậu chấn tâm lý tìm đến nhờ tham vấn.
Các yếu tố nguy cơ thường gặp
Nam sinh viên T., đang theo học tại Trường ĐH FPT TP HCM, cho biết có bố làm trong quân đội, khá gia trưởng và nóng tính. Từ lúc ấu thơ cho đến khi trưởng thành, T. luôn luôn bị cha đánh đập. Bản thân T. là đồng tính nam nên hai bố con không chung quan điểm, sinh viên này không thể tâm sự hay gần gũi với bố. Cách đây không lâu, T. chứng kiến cái chết của bố. Điều này khiến em đau khổ và ám ảnh.
Một trường hợp khác đáng chú ý: Nữ sinh viên tên B. đang theo học tại Trường ĐH Quốc tế TP HCM từng bị ngược đãi, bị bạo hành về thân thể và tinh thần dẫn đến sang chấn tâm lý nặng nề. B. cho biết có giai đoạn bản thân không tìm thấy niềm vui trong cuộc sống, không biết mục đích sống của mình là gì.
Đó là hai trong số rất nhiều trường hợp mắc chứng rối loạn căng thẳng sau sang chấn. TS Lê Minh Công cho biết thêm: Trong tháng 8-2021, Trường ĐH KHXH&NV đã thực hiện nghiên cứu "Sức bật tinh thần và các triệu chứng cơ thể hóa của người Việt trong đại dịch Covid-19" với 1.338 người tham gia, trong đó đa số là sinh viên tại TP HCM. Kết quả cho thấy đa số có các triệu chứng lo âu, trầm buồn, căng thẳng, buồn chán, bứt rứt, cáu gắt, mất hứng thú, mất động lực, khó tập trung chú ý và các triệu chứng cơ thể như đau đầu, mất ngủ, mỏi cơ, căng cơ, biếng ăn. 40% người được khảo sát có nhu cầu được chăm sóc sức khỏe tâm thần.
Các triệu chứng của rối loạn căng thẳng sau sang chấn thường bắt đầu trong vòng 3 tháng của sự kiện. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, những triệu chứng bắt đầu xuất hiện sau nhiều năm. Mức độ nghiêm trọng và thời gian kéo dài khác nhau tùy mỗi người. Một số hồi phục trong vòng 6 tháng, một số bị ảnh hưởng trong thời gian dài.
"Cần phải đánh giá, chẩn đoán và tiên lượng một cách chính xác để xây dựng chiến lược can thiệp thích hợp, hiệu quả; đồng thời tiếp cận đa ngành trong trị liệu" - TS Lê Minh Công nhấn mạnh. Tuy nhiên, ông cũng thừa nhận đội ngũ chuyên gia tâm lý lâm sàng, bác sĩ tâm thần, nhân viên công tác xã hội lâm sàng trong lĩnh vực này đang có sự thiếu hụt lớn, tỉ lệ bác sĩ tâm thần/1.000 dân rất thấp trong khi các chuyên gia tâm lý có chuyên môn cao lại không nhiều.
Hai chuyên gia trao đổi về chủ đề “Nhận diện và can thiệp trầm cảm ở sinh viên” do Trường ĐH KHXH&NV, ĐHQG TP HCM tổ chức
Giải quyết gốc rễ vấn đề
Có một sự thật là nhu cầu được trị liệu hậu chấn tâm lý trong xã hội cao, song người mắc triệu chứng trên lại không tìm đến các bác sĩ kịp thời mà chỉ khi nào bệnh diễn tiến trầm trọng mới đi khám; điều này dẫn đến khó khăn trong việc điều trị.
Theo TS Lê Minh Công, đối với trường hợp nam sinh viên T. nói trên, do cái chết của người bố xảy ra cách đây chưa lâu và T. tìm đến chuyên gia tâm lý kịp thời nên kết quả điều trị rất khả quan. Cảm giác ám ảnh giảm bớt, em cũng dần thoải mái tinh thần khi được sống đúng với giới tính của mình.
Tuy nhiên, không phải lúc nào chuyên gia tâm lý cũng thành công, cụ thể là trong trường hợp của B. Sau khi kết thúc liệu trình và quay trở lại cuộc sống bình thường, B. tiếp tục đối mặt với những nguy cơ mới như áp lực thi cử, quá trình tìm việc làm, bạn trai bỏ rơi… Chính những nguyên nhân này khiến B. bị trầm cảm nặng và có ý định tự tử. Ngay lập tức, các chuyên gia tâm lý phải phối hợp với các bác sĩ tâm thần để can thiệp kịp thời.
Theo PGS-TS-BS Nguyễn Văn Thọ - nguyên Giám đốc Bệnh viện Tâm thần Trung ương II, nguyên Phó Viện trưởng Viện Giám định Pháp y Tâm thần quốc gia, phụ trách Phân viện phía Nam - người điều trị rối loạn căng thẳng phải xây dựng những kỹ năng cảm xúc giúp nâng cao khả năng đương đầu và chống lại những điều bất hạnh, những chấn thương tâm lý và những mất mát trong cuộc sống. Họ phải tập kìm nén những cảm xúc tiêu cực như tức giận, ghen tuông, đố kỵ… bằng nỗ lực của bản thân cùng với sự giúp đỡ của người thân, bạn bè và chuyên gia.
Đồng tình với quan điểm này, TS Lê Minh Công nhận định nếu chỉ điều trị các triệu chứng mà không giải quyết gốc rễ vấn đề thì nguy cơ tái mắc bệnh cao; bên cạnh đó, yếu tố cá nhân đóng một vai trò rất quan trọng. Một khi bản thân người bị rối loạn căng thẳng quyết tâm vượt qua, thay đổi lối sống và suy nghĩ một cách tích cực thì hiệu quả sẽ cao hơn, trong thời gian ngắn hơn.
Phân biệt với trầm cảm
TS Lê Minh Công nhấn mạnh: Cần phải phân biệt giữa rối loạn căng thẳng sau sang chấn và trầm cảm. Nếu như trầm cảm khiến cho tâm trạng trở nên buồn chán, tiêu cực trong hầu hết thời gian, không có hứng thú với cuộc sống xung quanh và lúc nào cũng nghĩ đến cái chết thì ngược lại, rối loạn căng thẳng khiến cá nhân đó cảm giác đau buồn, mất mát chỉ trong thời gian ngắn, họ không đánh giá thấp bản thân và vẫn có những suy nghĩ tích cực. Vì vậy, cần phải nhìn nhận rõ ràng để có phương pháp xử lý hoặc điều trị thích hợp.
Khánh Thu/nld.com.vn