Do dân số tăng cơ học nhanh nên bình quân mỗi năm tại thành phố Hồ Chí Minh có thêm hàng chục nghìn học sinh. Đây là vấn đề nan giải và tạo áp lực không nhỏ về xây dựng mạng lưới trường lớp, trang thiết bị dạy, học để bảo đảm mục tiêu phát triển toàn diện của ngành giáo dục thành phố.
Giờ ăn trưa khi học bán trú của học sinh Trường tiểu học Phan Đình Phùng, quận 3.
Giữa tháng 3 này, Ủy ban nhân dân quận 3, thành phố Hồ Chí Minh đưa vào sử dụng Trường THCS Lương Thế Vinh cơ sở 2. Công trình rộng hơn 2.190 m², gồm năm tầng với 32 phòng học, bảy phòng chức năng và các phòng làm việc. Việc đưa vào sử dụng trường học này nhằm giảm gánh nặng về sĩ số học sinh cho các trường THCS tại các phường lân cận và hướng đến mục tiêu xây dựng một trường THCS đạt chuẩn về chất lượng giáo dục.
Trong hai năm qua, quận 3 xây mới và đưa vào sử dụng năm trường học. Ông Phạm Đăng Khoa, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận 3 cho biết: Thời gian qua, quận đã tập trung quy hoạch, đầu tư mạng lưới trường, lớp để nâng cao chất lượng giáo dục; giải quyết áp lực về sĩ số học sinh tại chỗ cho một số trường.
Theo thống kê, giai đoạn từ năm 2003 đến năm 2020, bình quân mỗi năm số học sinh ở thành phố Hồ Chí Minh tăng khoảng 50 nghìn. Trong đó, tăng nhanh tại các quận: 7, 12, Tân Phú và thành phố Thủ Đức cùng các huyện ngoại thành như Bình Chánh, Hóc Môn, Củ Chi.
Các địa phương này có số học sinh tăng nhanh là do đang trong giai đoạn đô thị hóa nhanh, tập trung các khu chế xuất, khu công nghiệp, dân số tăng cơ học cao. Riêng năm học 2021-2022, toàn thành phố có 1,7 triệu học sinh từ bậc mầm non đến THPT, tăng thêm 31 nghìn em so với năm học 2020-2021 và được xem là mức tăng thấp nhất trong nhiều năm qua. Trong 1,7 triệu học sinh này, hơn 370 nghìn em, chiếm khoảng 22% số học sinh toàn thành phố chưa có hộ khẩu tại thành phố Hồ Chí Minh.
Học sinh tăng nhanh, thành phố Hồ Chí Minh phải cấp bách triển khai xây dựng trường, lớp để bảo đảm đủ chỗ học cho các em. Trong gần 20 năm qua, thành phố xây mới 1.047 trường, nâng tổng số trường học đến nay gần 2.370 trường với tổng số phòng học khoảng 48.100 phòng. Hiện, thành phố cơ bản bảo đảm chỗ học cho con em nhân dân trong độ tuổi đến trường. Tuy nhiên, sĩ số học sinh/lớp vẫn còn cao so với quy định.
Cụ thể, tại quận 12, Gò Vấp, Tân Phú, và huyện Hóc Môn, Bình Chánh… sĩ số học sinh/lớp các cấp học, bậc học cao; nhất là bậc tiểu học với sĩ số học sinh hơn 45 học sinh/lớp. Từ đó kéo theo chưa bảo đảm điều kiện để thực hiện mục tiêu học hai buổi/ ngày cho tất cả học sinh và trường đạt chuẩn quốc gia; tỷ lệ học sinh học hai buổi/ngày và trường đạt chuẩn quốc gia còn thấp. Đây là nguyên nhân chính dẫn đến tỷ lệ học sinh học hai buổi/ngày tiểu học mới đạt 74,1%; THCS là 57,89% và THPT là 95,68%. Ông Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ:
Ngành giáo dục thành phố đang gặp khó khăn về quỹ đất để xây dựng trường, lớp mới. Việc xây mới, xây thay thế, nâng cấp cải tạo, mở rộng các trường học phần lớn được thực hiện trên đất hiện hữu. Nhiều khu vực thậm chí đã được phê duyệt nhưng không thể triển khai xây dựng trường học, dẫn đến gia tăng áp lực sĩ số học sinh/lớp, không đáp ứng được phòng học đạt chuẩn; gây khó khăn trong việc triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới.
Tính đến nay, diện tích đất giáo dục đúng quy hoạch hiện hữu tại các quận, huyện ở thành phố chỉ đạt 57,48% so với quy hoạch được phê duyệt. Do đó, việc xây dựng mới trường, lớp và tăng số phòng học, diện tích đất/học sinh chưa đạt theo mục tiêu của thành phố đặt ra. Dự báo từ nay đến năm 2030, tổng số học sinh ở thành phố tăng thêm gần 400 nghìn học sinh cho nên cần xây thêm gần 1.000 trường học mới với hơn 21 nghìn phòng học.
Tuy nhiên, để thực hiện được điều này ngành giáo dục gặp nhiều khó khăn, bởi thực trạng diện tích đất công theo các đồ án quy hoạch được sắp xếp, bố trí để xây dựng các công trình giáo dục còn hạn chế. Vị trí quy hoạch chủ yếu trên đất của tổ chức, hộ gia đình, cá nhân nên chi phí đền bù, giải phóng mặt bằng cao, ảnh hưởng đến tính khả thi của quy hoạch. Trong khi nguồn lực từ ngân sách dành cho giáo dục mặc dù đã được quan tâm, ưu tiên bố trí nhưng vẫn chưa đáp ứng yêu cầu. Các nguồn lực đầu tư từ xã hội hóa chưa được khai thông do chưa có chính sách hấp dẫn, còn nhiều khó khăn vướng mắc về quy hoạch, dẫn đến hạn chế trong việc đẩy mạnh xã hội hóa đầu tư xây dựng trường học…
Để tháo gỡ khó khăn này, theo ông Nguyễn Văn Hiếu, thời gian tới, Sở Giáo dục và Đào tạo sẽ tham mưu Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh điều chỉnh quy hoạch đất dành cho giáo dục phù hợp với tình hình thực tế ở các quận, huyện. Đồng thời, đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án xây mới hoặc thay thế, nâng cấp, mở rộng phòng học, đầu tư hiện đại hóa trang thiết bị phòng học nhằm nâng cao chất lượng giáo dục.
Ngoài ra, Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh giao Sở Giáo dục và Đào tạo phối hợp với các quận, huyện, thành phố Thủ Đức và các đơn vị liên quan, lập kế hoạch và thực hiện lộ trình sáp nhập các trường mầm non, trường phổ thông, các cơ sở giáo dục nhỏ lẻ hạn chế về điều kiện cơ sở vật chất thành cơ sở đạt quy chuẩn trường học.
Đối với những trường công lập có diện tích quá nhỏ (dưới 0,5 ha) ở trong khu vực nội thành cần có giải pháp chuyển đổi đất và mở rộng diện tích khuôn viên; nâng tầng, tăng diện tích sử dụng. Bố trí nguồn vốn bồi thường giải phóng mặt bằng cho toàn bộ quỹ đất, đây được xem là giải pháp cơ bản để giữ được quỹ đất cho quá trình phát triển lâu dài cho ngành giáo dục thành phố…
Theo nhandan.vn
https://nhandan.vn/tin-tuc-giao-duc/thanh-pho-ho-chi-minh-truoc-ap-luc-so-hoc-sinh-tang-cao-690127/