Với 2 giải nhất, 1 giải nhì và 1 giải ba, Hà Nội là địa phương có thành tích tốt nhất tại Cuộc thi khoa học kỹ thuật (KHKT) cấp quốc gia dành cho học sinh trung học năm học 2021-2022.
Tổ chức trong bối cảnh dịch Covid-19, nhưng cuộc thi đã thu hút được sự quan tâm hưởng ứng tích cực của các cấp quản lý, ban giám hiệu và giáo viên hướng dẫn cùng đông đảo học sinh trung học say mê nghiên cứu khoa học (NCKH) trên địa bàn TP Hà Nội. Từ 88 đề tài tham gia cuộc thi cấp thành phố ở nhiều lĩnh vực nghiên cứu, 4 đề tài xuất sắc nhất đã tham dự cuộc thi cấp quốc gia.
Trường THPT Phan Huy Chú (quận Đống Đa) giành giải nhất Cuộc thi khoa học kỹ thuật cấp quốc gia dành cho học sinh trung học năm học 2021-2022. Ảnh do nhà trường cung cấp |
Một trong những đề tài xuất sắc giành giải nhất lần này thuộc lĩnh vực khoa học xã hội và hành vi của học sinh Trường THPT Phan Huy Chú, quận Đống Đa. Dự án cũng được Bộ Giáo dục và Đào tạo chọn tham gia Cuộc thi khoa học kỹ thuật quốc tế năm 2022 (ISEF 2022) bằng hình thức trực tuyến, tổ chức tại Hoa Kỳ vào tháng 5 tới. Với dự án “Nghiên cứu hành vi tiêu dùng có trách nhiệm bảo vệ môi trường của thanh niên”, học sinh Phạm Nguyễn Quang Huy và Phạm Nguyễn Gia Bảo cho thấy giới trẻ hiện nay rất quan tâm đến bảo vệ môi trường. Cách tiếp cận khoa học của các em hết sức gần gũi nhưng thể hiện tinh thần làm việc sáng tạo, nghiêm túc. Điều đó khẳng định cuộc thi nghiên cứu KHKT không chỉ tạo sân chơi bổ ích mà còn khuyến khích học sinh trung học vận dụng kiến thức đã học vào giải quyết những vấn đề thực tiễn cuộc sống.
Cùng với thành tích đó, học sinh của Trường THPT Phan Huy Chú từng hai lần đoạt giải nhất quốc gia, xếp thứ 3 và thứ 4 tại kỳ thi quốc tế về Tin học văn phòng; giải nhì quốc gia về môn Khoa học cơ bản... Cô Ngô Thị Thành, Phó hiệu trưởng Trường THPT Phan Huy Chú cho biết: "5 năm gần đây, Ban giám hiệu luôn quan tâm, chú trọng đầu tư cho hoạt động NCKH. Giải thưởng không chỉ mở rộng cánh cổng trường đại học cho các em mà còn là sự khởi đầu cho những thành công của học sinh trong chặng đường tương lai".
Để hoạt động này của học sinh đạt hiệu quả và lan tỏa hơn, cô Thành cho rằng sự đồng hành của ban giám hiệu rất quan trọng, trong đó có sự khuyến khích thầy, cô giáo có năng lực và đam mê tích cực tham gia hướng dẫn NCKH cho học sinh; sự quan tâm tạo môi trường giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm, đẩy mạnh hoạt động NCKH cho học sinh. Học sinh được tham gia các hoạt động theo định hướng NCKH cùng cấp hoặc của các trường đại học, tổ chức phát động.
Từ năm học 2011-2012, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã triển khai hoạt động NCKH của học sinh trung học và tổ chức Cuộc thi KHKT cấp quốc gia dành cho học sinh trung học (VISEF). Đây là hoạt động quen thuộc mang dấu ấn của sự hội nhập quốc tế, thu hút hàng nghìn học sinh tham gia. Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Hữu Độ khẳng định: "Cuộc thi góp phần thúc đẩy đổi mới hình thức tổ chức, phương pháp dạy học và đánh giá kết quả học tập, phát triển năng lực học sinh; đồng thời nâng cao chất lượng dạy và học trong các cơ sở giáo dục trung học; tạo hiệu ứng đổi mới tích cực NCKH trong học sinh".
THÁI AN/qdnd.vn
https://www.qdnd.vn/giao-duc-khoa-hoc/tin-tuc/uom-mam-cho-nhung-sang-tao-khoa-hoc-690541