Phụ huynh có có trẻ trong độ tuổi mầm non tại Hà Nội vẫn đang mòn mỏi chờ ngày được "giải phóng", bởi việc vừa phải đi làm trở lại, vừa tính cách trông con nhỏ gây xáo trộn rất lớn đến cuộc sống.
Từ ngày 6/4, học sinh lớp 1 - 6 tại 30/30 quận, huyện, thị xã của Hà Nội đã được đi học trực tiếp.
Tuy nhiên, ngày "đến trường" của nhóm trẻ mầm non của Thủ đô vẫn chưa được quyết định.
Tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 3 diễn, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn cho biết, đến nay cả nước chỉ còn riêng Hà Nội chưa cho học sinh mầm non trở lại trường học.
Nhiều phụ huynh có trẻ trong độ tuổi mầm non tại Hà Nội vẫn đang mòn mỏi chờ ngày được "giải phóng", bởi việc vừa phải đi làm trở lại, vừa tính cách trông con nhỏ gây xáo trộn rất lớn đến cuộc sống.
Chị Nguyễn Thanh Quyên, ở Ngọc Khánh, Hà Nội, có hai con nhỏ - một học tiểu học, một đang ở lứa tuổi mầm non - chia sẻ: "Với tính chất công việc làm ca kíp nên để có thể chăm sóc hai cháu, một cháu năm nay học lớp 4, một cháu 4 tuổi, vừa tiểu học, vừa mầm non, quả thực thời gian qua, tôi và gia đình nhỏ đã rất vất vả. Có những lúc chúng tôi đều cảm thấy kiệt sức vì vừa đi làm, vừa chăm con nhỏ".
"Đây là thời điểm tốt nhất để Hà Nội mở cửa lại trường mầm non", nhận định của PGS.TS Đỗ Văn Dũng, Trưởng khoa Y tế công cộng, Đại học Y Dược TPHCM.
Phân tích rõ hơn về quan điểm này, theo PGS Dũng, lúc này ở cả nước nói chung và Hà Nội nói riêng vừa trải qua một đợt bùng phát dịch lớn. Do đó, với việc tỷ lệ người lớn đã mắc Covid-19, tiêm chủng mũi 3 vaccine Covid-19 cao, đa số miễn dịch của nhóm này đã tương đối ổn.
Nếu người lớn có miễn dịch tốt, trẻ em cũng sẽ được bảo vệ một phần.
Tuy nhiên, nếu Hà Nội chần chừ đợi khoảng 2 - 3 tháng nữa mới mở cửa lại trường mầm non, kháng thể của người lớn đã giảm đi, kéo theo khả năng miễn dịch của người lớn với Covid-19 cũng suy giảm. Người lớn có nguy cơ mắc bệnh cao hơn thì trẻ em đi học cũng có nguy cơ bị lây nhiễm nhiều hơn.
"Trẻ em thuộc đối tượng có nguy cơ rất thấp trước Covid-19. Do đó, trẻ ít bị diễn biến nặng hay tử vong khi mắc bệnh, nhưng nếu trẻ thành F0 sẽ khiến cho gia đình lo lắng, hoang mang. Do vậy, lúc đó việc mở cửa trường mầm non sẽ khó khăn hơn và không phù hợp như hiện nay", PGS Dũng chỉ rõ.
Chuyên gia này dẫn chứng ở nhiều nước trên thế giới, khi đã mở cửa lại trường học, nếu phát hiện ca bệnh Covid-19, chỉ cần cách ly trẻ F0 tại nhà. Với trẻ F1 đã được tiêm vaccine Covid-19 chỉ cần theo dõi sát các triệu chứng, không phải cách ly. Một khi phát hiện trẻ có triệu chứng sẽ thực hiện xét nghiệm ngay và cho cách ly nếu cần thiết.
"Với những trẻ chưa được tiêm ngừa vaccine, ở nước ngoài, thường sẽ được xét nghiệm vào ngày thứ 3 và ngày thứ 5 kể từ khi phơi nhiễm. Nhìn chung sự lây lan dịch trong trường học không đáng kể", PGS Dũng phân tích.
Trả lời câu hỏi về việc có nên áp dụng biện pháp riêng, nhằm hạn chế tiếp xúc trong môi trường lớp học với trẻ thuộc nhóm nguy cơ cao (béo phì, có bệnh nền), để bảo vệ sức khỏe các em, PGS Dũng khẳng định, không cần thiết.
Chuyên gia này nêu quan điểm: "Ở trẻ em việc giáo dục hội nhập là rất quan trọng. Do đó, với nhóm trẻ có nguy cơ cao vẫn nên được cư xử bình thường như các học sinh khác. Không vì các em đó có nguy cơ mà cho các em ngồi chỗ xa hơn, giãn cách với các bạn hoặc hạn chế tham gia một số hoạt động, vì việc này hoàn toàn không có lợi cho các em. Chỉ có lời khuyên cho gia đình là với trẻ có nguy cơ cao được chỉ định tiêm vaccine Covid-19, nên cho trẻ tham gia tiêm sớm. Bên cạnh đó, gia đình cũng cần hướng dẫn trẻ tuân thủ nghiêm các quy định phòng chống dịch đã được khuyến cáo".
Theo dantri.com.vn