Thuật ngữ "Snowflake" (bông tuyết) được sử dụng để miêu tả những người được coi là quá dễ bị tổn thương về mặt cảm xúc khi đối diện với các thách thức.
Từ điển Oxford và Collin - hai từ điển tiếng Anh chính thống và được sử dụng rộng rãi, có riêng một từ để chỉ thế hệ người trẻ quá nhạy cảm hay quá căng thẳng khi mọi việc không theo ý của mình, đó là "Snowflake" (nghĩa đen là "Bông tuyết").
Những "bông tuyết" dễ vỡ
(Ảnh minh họa: DT).
Từ "Snowflake" bắt nguồn từ câu nói: "Bạn cũng như bao người khác trên thế giới này. Bạn chẳng phải một bông tuyết kiều diễm hay đẹp xuất sắc. Bạn cũng được sinh ra và lớn lên như mọi sự sống trên trái đất này thôi".
Câu nói này được trích từ cuốn sách Fight Club xuất bản năm 1996 và được sử dụng trong một bộ phim phát hành năm 1999, miêu tả về những con người có tâm lý "dễ vỡ", dễ tổn thương.
Chuck Palahniuk, tác giả của cuốn sách, nhấn mạnh rằng định nghĩa của từ "Snowflake" được sử dụng trong lời thoại ngày xưa khác xa so với hiện tại. Tác giả này cho rằng, giới trẻ ngày nay có xu hướng cho rằng "họ là cái rốn của vũ trụ".
Ở thời điểm hiện tại, thuật ngữ "Snowflake" đã trở nên thông dụng trong cuộc sống. Nó được sử dụng để miêu tả những người được coi là quá dễ bị tổn thương về mặt cảm xúc khi đối diện với các thách thức. Thuật ngữ này khá phổ biến ở các trường đại học, các diễn đàn, và thường được dùng để chế giễu.
Sự kiên cường của tuổi trẻ hiện nay so với vài chục năm trước
Theo nghiên cứu cho thấy, thế hệ trẻ ngày nay có nhận thức về các vấn đề tâm lý cao gấp 2 lần so với thế hệ sinh ra cách đây 40-60 năm, nhưng kém xa trong việc kiểm soát hành vi của mình.
Vào năm 1960, sinh viên vui vẻ nhận điểm C trong bài thi của mình, vì đó là điểm trung bình hồi đó. Còn đối với hiện tại, điểm số trung bình phải là A. Mặc dù nhận thức rằng thế hệ sau sẽ có nhiều tiến bộ và phát triển so với thế hệ trước nhưng, đây là bằng chứng khẳng định việc các cơ sở giáo dục hạ thấp tiêu chuẩn của mình. Lý do là phụ huynh học sinh cho rằng con cái họ "không thể chấp nhận" một điểm C trong hồ sơ của mình, chúng sẽ xấu hổ về việc đó.
Năm 2015, tờ báo Ký sự đại học đã xuất bản một bài báo với tiêu đề "đại dịch của tổn thương" thống kê rằng, một phần tư sinh viên đều mắc các hội chứng tâm lý, phần lớn là áp lực và bị căng thẳng. Số lượng có ý muốn tự sát cao hơn gấp 3 lần so với năm 1960.
(Ảnh minh họa: DT).
Báo cáo chỉ ra rằng, sinh viên có tâm lý sợ thất bại, không dám đối diện với thực tế, điểm số thấp không nằm trong từ điển của họ. Theo đó, giảng viên cần nâng cao nhận thức để nắm bắt tâm lý này và đưa ra giải pháp.
Theo Academic Claire Fox, hiệu trưởng của Học viện ThinkTank cho rằng, thế hệ trẻ hiện nay "quá hiếu chiến" về quyền lợi của bản thân. Họ nhạy cảm quá mức khi đối diện với sự phản đối, coi tất cả ý kiến đi ngược lại quan điểm của mình hoàn toàn sai trái và họ luôn đúng.
Xu hướng tâm lý này cũng được đưa vào thử nghiệm và sử dụng ở môi trường làm việc vào năm 2017, một công ty tại Mỹ đã đưa bài kiểm tra mức độ tổn thương vào bài thi phỏng vấn.
Vì sao "thế hệ bông tuyết" mỏng manh này ra đời?
Trước hết, cách nuôi dạy con cái của phụ huynh được cho là một trong những nguyên nhân chính cho việc giới trẻ có tâm lý yếu đuối. Phụ huynh hiện nay có xu hướng nuông chiều quá mức, phục vụ yêu cầu của con cái từ A đến Z ngay từ khi chúng còn nhỏ.
Họ thường nâng cao lòng tự trọng của con cái mình, cho phép chúng làm tất cả những điều cho là đúng nhưng tuyệt nhiên không dạy các kĩ năng làm thế nào để tự đạt được những mong muốn đó.
Các bậc cha mẹ thường không đào tạo những kĩ năng cần thiết để giải quyết vấn đề mà thay vào đó, họ làm "hộ cho con cái" của mình, nghĩ chúng còn bé bỏng, non nớt từ đó sinh ra tâm lý ỷ lại ở đứa trẻ.
Nhà tâm lý học Martin Scheepers, làm việc tại Johannesburg (Nam Phi) chia sẻ về phương pháp giáo dục của ông :"Tôi dạy con nhận thức việc thất bại là mẹ thành công. Những thành công hay thành tích không tự nhiên đến, mà phải đánh đổi bằng nỗ lực, sự kiên trì và trả giá khác".
Thứ hai, xã hội cũng đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành tâm lý tổn thương này ở giới trẻ. Thế hệ hiện nay gánh chịu nhiều hậu quả từ những vấn đề xã hội , kinh tế và chính trị như lạm phát, dịch bệnh, tỷ lệ thất nghiệp và cạnh tranh cao. Theo số liệu thống kê, trong năm 2020, thế giới đã mất khoảng 81 triệu việc làm.
Nhiều người trẻ hiện nay phụ thuộc vào trợ cấp của bố mẹ hàng tháng. Họ thường không thể chi trả một số nhu cầu về sinh hoạt phí, cá nhân như: tiền nhà, tiền điện, tiền nước... hoặc ở nhà bố mẹ khi đã ở độ tuổi trưởng thành.
Thứ ba, thế hệ trước cũng là nguyên nhân đối với xu hướng tâm lý độc hại này. Nhà văn người Anh Fay Weldon chia sẻ, người đi trước nên ngừng chế giễu "thế hệ bông tuyết" mỏng manh này. Bên cạnh đó, thế hệ trước không nên gieo rắc những suy nghĩ như là "lớn lên kiểu gì con cũng sẽ có công việc tốt, có nguồn thu nhập cao hay có cuộc sống an nhàn". Đó là những điều không thực tế.
Vậy ai mới là người có lỗi trong vấn đề tâm lý của "những bông tuyết mỏng manh dễ vỡ" này?
Khánh Hoài/danti.com.vn